Anh Bùi Thanh Bình tại phòng trưng bày chiêng Mường cổ gồm 100 chiếc (Bảo tàng di sản văn hoá Mường) ở phường Thái Bình -TP Hoà Bình.
(HBĐT) - Một nhiếp ảnh gia ở Hà Nội đánh tiếng rằng: Có phải cử nhân văn hóa Bùi Thanh Bình, chủ nhân của nhà sàn Mường Động (suối khoáng Hạ Bì - Kim Bôi) nay đã thành lập Bảo tàng tư nhân di sản văn hóa Mường không? Lên mạng tìm tên bảo tàng không có gì. Đem thắc mắc này đến gặp anh - Giám đốc Bùi Thanh Bình khẳng định: Mới có giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập do UBND tỉnh cấp từ tháng 1/2014, mọi chuyện cũng mới khởi đầu thôi mà.
Đến thăm Bảo tàng di sản văn hóa Mường của gia đình anh ở tổ 6, phường Thái Bình (TPHB) thấy điều anh nói dạo đầu quá khiêm tốn bởi trên khu đất của anh trên đồi cao rộng đã định hình một khu bảo tàng khá quy mô và bài bản, hợp lý. 6 tòa nhà to đẹp, khang trang được xây dựng mang đậm bản sắc văn hóa Mường - một hình ảnh thu nhỏ của một bản Mường dưới chân đồi. Ngoại trừ 1 thư viện làm theo mô hình nhà ngang bằng gỗ (đã có khoảng 6.000 đầu sách), 5 tòa nhà còn lại đều có kiến trúc nhà sàn Mường cổ xưa với các dãy nhà được gắn tên, phục dựng nhằm lưu giữ kiến trúc nhà sàn xưa (nhà trưng bày chiêng Mường, kho cổ vật Mường, phòng trưng bày văn hóa Mường, nhà sàn Mường, nhà lang Mường, khu ẩm thực xứ Mường và hội trường...). Nhưng điều kỳ công nhất của bảo tàng lại nằm ở những hiện vật được chủ nhân dày công sưu tầm từ 30 năm nay. Anh Bình trải lòng: Là người Mường Tân Thành (Lương Sơn) thấy cuộc sống bản làng dân tộc Mường ngày càng phát triển, thật đáng mừng nhưng kèm theo đó là sự phôi phai về kiến trúc, trang phục của văn hóa Mường... Vì thế, hàng chục năm qua, từ góc độ của người làm văn hóa, làm văn hóa du lịch, tôi thấy cần phải lưu giữ những hiện vật xưa cũ của người Mường Hòa Bình”. Do vậy, mỗi lần đi, được đến với nhiều vùng miền trong tỉnh, nhất là nơi sinh sống của đồng bào Mường tỉnh ta, “máu” của người nghiên cứu văn nghệ dân gian, của người nghệ sĩ luôn trỗi dậy, cho anh cái nhìn thẩm định đối với các giá trị văn hóa qua từng hiện vật, từng đồ dùng xưa. Văn hóa vật thể và phi vật thể được anh thận trọng tìm kiếm, lưu giữ.
Buổi ban đầu, thú sưu tầm chỉ nhằm thỏa nỗi đam mê, mong muốn những đồ dùng, hiện vật đó được giữ lại, không mất đi cùng năm tháng để sau này, thế hệ con cháu người dân tộc Mường hiểu được, biết được cuộc sống sinh hoạt tinh thần của cha ông mình. Dần về sau, ý tưởng về một nơi lưu giữ, trưng bày được anh cân nhắc, tính đến. Chính vì thế mà đã có sự ra đời của Trung tâm bảo tồn, phát huy di sản văn hoá Mường cách đây vài năm. Để rồi khi đã chín muồi, anh và gia đình đầu tư kinh phí dựng nhà, lập bảo tàng tư nhân với chủ đề: di sản văn hóa Mường đầu tiên ở Hòa Bình. Trên 5.000 hiện vật được trưng bày trong những ngôi nhà sàn (đồ đá, đồ đồng, gốm sứ qua các thời kỳ; chuyên đề quan lang xứ Mường, trưng bày đời sống thực của gia đình bình dân Mường)... Người xem sẽ bị chinh phục bởi bộ sưu tầm cồng chiêng gồm 100 chiếc. Trong đó có chiêng cổ, lớn nhất có đường kính 70 cm và chiêng nhỏ nhất. Những bộ sưu tập khá “độc” về đời sống quan lang xứ Mường và đồng bào Mường gắn với “lịch Mường - lịch tre” đã tạo được dấu ấn riêng. Bước lên ngôi nhà sàn Mường dân dã, du khách có thể cảm nhận được nếp sinh hoạt của người Mường Hòa Bình. Những di sản văn hoá Mường cũng từng theo chủ nhân đến tham gia trưng bày ở Tây Bắc và Hà Nội. Bản thân anh Bùi Thanh Bình từng được bằng khen của UBND tỉnh vì đóng góp những “góc nhỏ” của văn hóa Mường Hòa Bình đến với bạn bè gần xa...
Anh đang ấp ủ: sau này, không gian bảo tàng di sản Mường Hòa Bình sẽ thấm đẫm âm nhạc dân tộc Mường (cồng chiêng, hát rằng thường...) cùng các điệu dân ca, dân vũ Mường. Anh mong muốn, du khách đến đây được ngắm nhìn, tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa Mường, được thưởng thức văn hóa ẩm thực dân tộc Mường sẽ được học, được tập đánh cồng, múa sạp, hát đúm, được ném còn, đánh đu hay tham gia các trò chơi của dân tộc Mường. Tiếp đó cũng cần phải có một trang điện tử về bảo tàng để phục vụ những ai quan tâm đến văn hóa Hòa Bình nói chung và văn hóa Mường nói riêng. Tâm huyết và việc làm của hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam Bùi Thanh Bình thật đáng trân trọng.
Bùi Huy
(HBĐT) - Quần thể núi Đầu Rồng (khu III - thị trấn Cao Phong - Cao Phong) là danh lam thắng cảnh được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2012. Cùng với các điểm du lịch khác trên địa bàn, quần thể núi Đầu Rồng mang vẻ đẹp nguyên sơ, tự nhiên với các nhũ đá non vẫn tiếp tục hình thành, phát triển và chính điều đó đã tạo nên sự hấp dẫn, độc đáo của các hang động nơi đây. Đến đây, chúng ta sẽ không thể bỏ qua vẻ đẹp huyền bí, kỳ thú của động Không Đáy, kiệt tác của thiên nhiên.
(HBĐT) - Lần đầu tiên đến với vùng đất Mai Châu - nơi tập trung đông đảo nhất đồng bào Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh, không ít người đã tự đặt ra câu hỏi: Đất không màu mỡ, đá tai mèo lởm chởm, vậy sức mạnh nào để màu xanh của những nương ngô vẫn trải dài tưởng như bất tận trên vùng cao nguyên đá.
(HBĐT) - Vào những năm 80 thế kỷ trước, khi nhà máy thủy điện sông Ðà được xây dựng, Thung Nai (Cao Phong) đã trở thành hồ chứa nước khổng lồ, những ngọn núi đá vôi bị ngập nước lưng chừng, biến thành những hòn đảo xanh nhấp nhô, tạo nên phong cảnh hết sức thơ mộng.
(HBĐT) - Có thể nói mỗi người con gái Thái là một nghệ nhân tài hoa. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, vẻ đẹp thiên nhiên, sinh hoạt hàng ngày được khắc họa sinh động.
(HBĐT) - Tháng Tám năm 1945, Quốc dân Đại hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập diễn ra tại Tân Trào để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa dành chính quyền. Trong số 60 đại biểu tham dự, có một người là quan lang xứ Mường. Ông là Quách Hy, quan lang Mường Khói (nay thuộc huyện Lạc Sơn).