Đồng bào Mông xã Hang Kia (Mai Châu) làm mèn mén đón Tết cổ truyền.
(HBĐT) - Lần đầu tiên đến với vùng đất Mai Châu - nơi tập trung đông đảo nhất đồng bào Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh, không ít người đã tự đặt ra câu hỏi: Đất không màu mỡ, đá tai mèo lởm chởm, vậy sức mạnh nào để màu xanh của những nương ngô vẫn trải dài tưởng như bất tận trên vùng cao nguyên đá.
Tìm câu trả lời chẳng mấy khó khăn khi mỗi ngày, người ta lại bắt gặp hình ảnh đồng bào Mông cần mẫn gùi đất đổ vào từng hốc đá, nhen lên mầm sống trên những mỏm đá tai mèo sắc nhọn, đổi lại là đôi bàn chân gân guốc không ít lần đã toạc da, chảy máu. So với một số dân tộc vùng cao khác, người Mông không chỉ giỏi về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngô mà họ còn rất giỏi trong chế biến ngô thành nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn.
Cây ngô - sinh sôi từ hốc đá
Những ngày cuối năm, khi cái rét níu chân người không muốn rời chăn ấm thì ở nơi đồng bào Mông sinh sống, lấn át màu xám lạnh của những bờ rào đá, những nương ngô xanh mơn mởn vẫn vươn lên mang đến sinh khí mới cho vùng đất Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu). Ngô kiên cường và có sức sống mãnh liệt như chính người Mông nơi đây. Ông Giàng A Páo, một người có tuổi ở Hang Kia kể lại: Ngày xa xưa, tổ tiên của người Mông đã biết tận dụng những hốc đá để trồng cây lương thực. Đồng bào gùi đất đổ vào từng hốc đá, mỗi năm trồng được thêm vài cây ngô, nhiều lần như vậy là có vài chục m2 đất rồi, bây giờ nhà nào cũng đủ ngô ăn không còn bị đói nữa. Mặc dù sản xuất gặp nhiều gian nan nhưng đất chẳng phụ công người, những khóm ngô vẫn nhọc nhằn vươn mình trong sương núi để rồi đem ấm no đến với bản xa. Không ăn hết ngô, đồng bào dùng để làm bánh, nấu rượu rồi bán lấy tiền mua sắm các vật dụng khác.
Cùng với việc cải tạo đất sản xuất, sử dụng những giống ngô có năng suất cao nên diện tích, sản lượng ngô ở Mai Châu hiện nay khá ổn định. Theo ông Khà Văn Diện, Phó trưởng phòng NN& PTNT huyện Mai Châu, sau nhiều năm tăng nhanh về diện tích trồng ngô, khoảng gần chục năm trở lại đây, diện tích ngô của huyện đã khá ổn định duy trì ở mức trên dưới 5.000 ha. Năm 2013, diện tích trồng ngô của toàn huyện trên 5.171 ha với sản lượng xấp xỉ 13.000 tấn.
Độc đáo món ăn từ ngô của đồng bào Mông
Ngô là loại cây trồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế của đồng bào vùng cao, trong đó có người Mông. Từ nguồn lương thực này, người Mông đã chế biến thành nhiều món ăn độc đáo với hương vị đậm đà, khó quên. Trong đó phải kể đến 3 món: mèn mén, bánh ngô và rượu ngô.
Một trong những món ăn phổ biến và đặc trưng nhất của người Mông là mèn mén, thậm chí một dân “phượt” chuyên nghiệp đã từng nói: “Nếu đến với đồng bào Mông mà chưa được ăn mèn mén thì coi như chưa đến”. Để chế biến món mèn mén, người Mông thường sử dụng các giống ngô địa phương rất dẻo và thơm. Mèn mén được chế biến khá cầu kỳ. Ngô sau khi thu hoạch về được tách lấy hạt rồi đem xay, dùng sàng lọc bỏ vỏ và các hạt ngô to. Trước đây, phần lớn các gia đình Mông đều dùng cối đá để xay ngô nên đây là công đoạn mất rất nhiều thời gian và chủ yếu do những người phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm. Sau khi bột ngô đã được xay nhỏ, người nấu tính toán lượng bột sao cho vừa đủ với bữa ăn của gia đình rồi cho một ít nước vào đảo đều cho bột ngô ngấm nước. Bột ngô sau khi được đánh tơi cho vào một chiếc chõ đồ bằng gỗ rồi bắc lên chảo đun. Mèn mén khi chín có hương vị thơm ngon, đậm đà. Do là món ăn khô nên mèn mén thường được ăn với một số món canh như bí đỏ, rau cải, canh xương, nước thắng cố... tạo hương vị thơm ngon, đậm đà.
Không chỉ có mèn mén, ngô còn được chế biến thành nhiều món bánh hấp dẫn được gọi là bánh ngô pá páo cừ. Bánh ngô chủ yếu được làm từ ngô nếp, thơm và dẻo. Vừa nhanh tay chuẩn bị nguyên liệu làm bánh ngô, chị Giàng ý Mỷ (Hang Kia) vừa giới thiệu: Muốn làm bánh ngô phải lên nương lấy ngô khi hạt còn sữa, đem tách vỏ rồi cho vào cối đá nghiền thành bột. Sau đó, bỏ bột ngô đã xay vào trong một chiếc túi treo lên cao để phần nước thoát ra ngoài còn bột ngô được giữ lại bên trong. Để bột ngô nhanh khô người ta đặt túi bột ngô vừa xay vào đống tro bếp để nước hút ra nhanh hơn. Khoảng hai ngày thấy bột ngô trong túi đông lại, cho ra đánh tơi rồi cho một lượng nước vừa đủ vào đảo đều sau đó lăn thành từng chiếc bánh hình tròn giống như bánh rán rồi đem rán vàng. Tùy thuộc sở thích của từng người mà khi nặn bánh, người Mông cho thêm một ít mật mía hoặc mật ong. Nếu ai đã có dịp ăn Tết cùng đồng bào Mông, ngồi bên bếp lửa nồng đượm, rán những chiếc bánh ngô dậy mùi mật mía, mật ong quyện với mùi thơm dịu của ngô non, hẳn sẽ không bao giờ có thể quên.
Đơn giản nhưng vẫn thể hiện được độ tinh tế, khéo léo là cảm nhận về ẩm thực Mông. Để tăng tính thẩm mỹ cho món bánh ngô, nhiều gia đình còn gói thành bánh ba cạnh. Cách chuẩn bị nguyên liệu không có gì khác, song những chiếc bánh ngô tròn, nhỏ xinh không được đem rán mà được người Mông dùng chính những bẹ ngô “bánh tẻ” gói lại thành hình tam giác rồi bỏ vào chõ hấp chín. Vẫn giữ được độ dẻo, ngon, những chiếc bánh tam giác dậy mùi thơm ngay từ khi còn trong nồi hấp. Bóc bỏ vỏ, quấn vào đầu đũa hoặc xâu bánh thành chuỗi rồi xách đi chơi là cách mà những đứa bé người Mông thưởng thức món bánh ngô. Giữa màn sương mù dày đặc và cái lạnh có lúc xuống dưới 10oC, hình ảnh những em bé Mông với đôi chân trần, mũi đỏ hoe, trên tay cầm bánh chạy chơi cùng chúng bạn là hình ảnh mà những người trẻ như chúng tôi không thể quên khi đến Pà Cò. Không chỉ là văn hoá ẩm thực, bánh ngô đã thực sự bước vào đời sống, trở thành nét đẹp, một phần tâm hồn của những đứa trẻ trên vùng cao nguyên đá.
Đến với bản Mông, điện nay đã thắp sáng bản, làng, phần lớn các gia đình không còn thiếu gạo ăn như trước. Có lẽ chính vì vậy, những món ăn chế biến từ ngô cũng giảm dần, tuy nhiên, không thể phủ nhận sức hấp dẫn lạ kỳ của những món ăn này trong các dịp lễ, Tết và buổi chợ phiên của đồng bào Mông.
Hải Yến
(HBĐT) - “ Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới…” Đó là câu nói đã được đúc kết từ xa xưa của ông cha khi nói về truyền thống dân tộc Mường - “ Văn hoá Mường ”.
(HBĐT) - Từ Hà Nội, ngược Quốc lộ 6, bạn chỉ mất hơn hai giờ đồng hồ chạy xe là đã có mặt ở Hòa Bình. Vượt qua con dốc Cun, đâu đó trên sườn núi, ven đường đã thấy xuất hiện những cây lác đác trổ hoa. Cứ vào độ Tết đến, xuân về, cả một vùng Tây Bắc rộng lớn sẽ rực rỡ sắc màu không chỉ có hoa đào, hoa mai….. Hoa ban xuất hiện như một cô sơn nữ, vừa gần, vừa xa rực rỡ mà khiêm nhường.
(HBĐT) - Xứ Mường Hòa Bình xưa, cùng với 4 mường: Bi, Vang, Thàng, Động là các dòng họ lớn: Đinh, Quách, Bạch, Hoàng nối đời làm Lang cai quản. Đối với từng dòng họ thì con trai trưởng làm Lang Cả, con trai thứ làm Lang em chia nhau đi Ăn Lang (cai quản) từng vùng. Toàn tỉnh có một hội đồng Quan Lang gồm 12 thành viên. Trong đó đứng đầu là Chánh Quan Lang mà quyền thế như ông vua một vùng.
(HBĐT) - Cùng với dân tộc Mường, Nùng, Tày, các dân tộc khác cũng có những nét rất độc đáo, riêng biệt trong cách tổ chức, đón Tết nguyên đán. Dưới đây là tổng hợp có phóng viên Báo HBĐT về Tết của dân tộc Thái, Xê Đăng. (Tiếp theo và hết).
(HBĐT) - Mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam đều có những phong tục riêng để đón Tết cổ truyền. Về trình tự và phong tục, Tết của người Mường là gần với Tết của người Kinh nhất với phong tục đặc sắc là hát sắc bùa.
(HBĐT) - Cùng với chiếc áo cánh mịn màng, yếm ngực tinh khôi, chiếc tênh (sợi dây thắt lưng) duyên dáng... thì chiếc khăn che đầu (còn gọi là khăn duyên) đã đi vào văn hóa trang phục, trở thành một phần không thể thiếu để tôn lên vẻ đẹp của phụ nữ Mường.