Du khách thăm quan động Không Đáy.
(HBĐT) - Quần thể núi Đầu Rồng (khu III - thị trấn Cao Phong - Cao Phong) là danh lam thắng cảnh được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2012. Cùng với các điểm du lịch khác trên địa bàn, quần thể núi Đầu Rồng mang vẻ đẹp nguyên sơ, tự nhiên với các nhũ đá non vẫn tiếp tục hình thành, phát triển và chính điều đó đã tạo nên sự hấp dẫn, độc đáo của các hang động nơi đây. Đến đây, chúng ta sẽ không thể bỏ qua vẻ đẹp huyền bí, kỳ thú của động Không Đáy, kiệt tác của thiên nhiên.
Tọa lạc ở độ cao 120 m so với mặt đất, sở dĩ động được tên là động Không Đáy là bởi vì trong lòng động có một giếng sâu khi cầm một viên đá to ném xuống không nghe tiếng động vọng lại, cho đến nay vẫn chưa ai dám leo xuống để thám hiểm. Động Không Đáy có chiều dài khoảng 170 m, được chia làm 4 cung phòng lớn. Theo ông Dương Ngọc Chiến, BQL quần thể di tích núi Đầu Rồng, mỗi cung phòng mang một vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo. Điều đó được tạo ra nhờ vào hình dáng của các nhũ đá tại mỗi cung, có cung như một phòng chờ đón tiếp du khách, cung lộng lẫy, nguy nga, cung lại tạo cho du khách cảm giác sững sờ và choáng ngợp... Động Không Đáy đã tạo cho du khách hết bất ngờ này đến bất ngờ khác!
Được thiên tạo như một phòng chờ, cung phòng thứ nhất có chiều dài khoảng 50 m, rộng 10 m với địa thế bằng phẳng như một gian phòng của động làm nơi đón tiếp du khách trước khi vào khám phá thế giới huyền bí bên trong. Các nhũ đá non mới được hình thành có hình thù thú vị. Có chỗ nhũ đá rủ xuống giống như một quả phật thủ khổng lồ, có chỗ lại mang hình hài của chú voi quỳ, hổ phục. Những nhũ đá mang đủ các hình hài và màu sắc rực rỡ khác nhau đua nhau khoe sắc, chúng không phân bố riêng rẽ mà tạo thành một bức tranh siêu thực gợi trí tưởng tượng cho mỗi du khách chiêm ngưỡng. Càng đi sâu, du khách lại càng bị cuốn hút vào thế giới nhũ đá, sững sờ với cả núi vàng, núi bạc, thảng thốt bởi bức gấm hoa. Phía dưới bước chân của du khách là những đường vân uốn lượn của đá, nước chảy róc rách tạo cho đá những đường cong của chiếc lá, cánh hoa tuyệt đẹp.
Bước sang cung phòng thứ hai, du khách thực sự ngỡ ngàng trước cảnh đẹp lộng lẫy của rừng thạch nhũ như một thế giới sống động hiện hữu bên ngoài. Những nhũ đá đán xen kẽ nhau, khối cứng cấp như gươm, dao, khối thướt tha, mềm mại như những áng mây, khối thì e thẹn như trinh nữ đang tuổi dậy thì. Các cột nhũ khối được liên kết với nhau tạo thành một thế giới sống động mang đủ hình hài vạn vật và thay đổi theo trí tưởng tượng của mỗi người. Tiến sâu vào trong, giữa lòng động nổi lên một cột đá khá lớn, xung quanh là tầng tầng lớp lớp các cột đá nhỏ mọc lên như rừng bụt mọc cộng với không gian tĩnh mịch huyền bí càng làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm nơi đây. Trên vòm trần có hàng ngàn khối nhũ rủ xuống lóng lánh như viên ngọc, vàng óng như vườn hoa, rực rỡ như đèn hoa trang trí.
Chị Nguyễn Hoàng Anh (du khách đến từ Hà Nội) trầm trồ, thán phục khi khám phá động Không Đáy: Không thể ngờ cách trung tâm TPHB không xa lại có một nơi cảnh sắc đẹp đến vậy. Là người được đi du lịch nhiều nơi, nhưng thế giới nhũ đá nơi đây đã thực sự cuốn hút tôi. Nhũ đá với các hình thù đa dạng làm tôi cứ ngỡ như do con người tạo ra. Gây ấn tượng nhất đối với tôi đó là khối nhũ hình Quan Thế âm Bồ Tát đứng trên áng mây, phía trên là lọng vàng và vòm trần như những chùm hoa rừng đua nhau khoe dáng, khoe sắc...
Tiếp tục khám phá các cung phòng còn lại, chúng ta lại được mãn nhãn, thích thú với nét đẹp còn nguyên sơ chưa có sự tác động của bàn tay con người. Các thạch nhũ non mới hình thành trắng muốt. Theo ông Dương Ngọc Chiến, vì vẫn trong giai đoạn hình thành và phát triển nên một thời gian nữa chúng ta quay lại chỗ này sẽ thấy các thạch nhũ thay đổi hình dáng, màu sắc. Đây có thể coi là một nét độc đáo của các hang động trong quần thể di tích núi Đầu Rồng.
Có thể nói, động Không Đáy là một kiệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất nơi đây. Các cung phòng của động đều rộng, thoáng nên du khách có thể đi lại dễ dàng. Khắp các vòm cung, dưới lối đi, nhũ đá len lỏi như mời gọi du khách hãy đến một lần để cảm nhận.
Hồng Nhung
(HBĐT) - Tháng Tám năm 1945, Quốc dân Đại hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập diễn ra tại Tân Trào để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa dành chính quyền. Trong số 60 đại biểu tham dự, có một người là quan lang xứ Mường. Ông là Quách Hy, quan lang Mường Khói (nay thuộc huyện Lạc Sơn).
(HBĐT) - “ Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới…” Đó là câu nói đã được đúc kết từ xa xưa của ông cha khi nói về truyền thống dân tộc Mường - “ Văn hoá Mường ”.
(HBĐT) - Từ Hà Nội, ngược Quốc lộ 6, bạn chỉ mất hơn hai giờ đồng hồ chạy xe là đã có mặt ở Hòa Bình. Vượt qua con dốc Cun, đâu đó trên sườn núi, ven đường đã thấy xuất hiện những cây lác đác trổ hoa. Cứ vào độ Tết đến, xuân về, cả một vùng Tây Bắc rộng lớn sẽ rực rỡ sắc màu không chỉ có hoa đào, hoa mai….. Hoa ban xuất hiện như một cô sơn nữ, vừa gần, vừa xa rực rỡ mà khiêm nhường.
(HBĐT) - Xứ Mường Hòa Bình xưa, cùng với 4 mường: Bi, Vang, Thàng, Động là các dòng họ lớn: Đinh, Quách, Bạch, Hoàng nối đời làm Lang cai quản. Đối với từng dòng họ thì con trai trưởng làm Lang Cả, con trai thứ làm Lang em chia nhau đi Ăn Lang (cai quản) từng vùng. Toàn tỉnh có một hội đồng Quan Lang gồm 12 thành viên. Trong đó đứng đầu là Chánh Quan Lang mà quyền thế như ông vua một vùng.
(HBĐT) - Cùng với dân tộc Mường, Nùng, Tày, các dân tộc khác cũng có những nét rất độc đáo, riêng biệt trong cách tổ chức, đón Tết nguyên đán. Dưới đây là tổng hợp có phóng viên Báo HBĐT về Tết của dân tộc Thái, Xê Đăng. (Tiếp theo và hết).
(HBĐT) - Mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam đều có những phong tục riêng để đón Tết cổ truyền. Về trình tự và phong tục, Tết của người Mường là gần với Tết của người Kinh nhất với phong tục đặc sắc là hát sắc bùa.