Tấm bia kỷ niệm tại nhà ông Quách Hy, nơi gặp gỡ của nhiều cán bộ cách mạng như Vương Thừa Vũ, Bạch Thành Phong, Vũ Thơ....

Tấm bia kỷ niệm tại nhà ông Quách Hy, nơi gặp gỡ của nhiều cán bộ cách mạng như Vương Thừa Vũ, Bạch Thành Phong, Vũ Thơ....

(HBĐT) - Tháng Tám năm 1945, Quốc dân Đại hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập diễn ra tại Tân Trào để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa dành chính quyền. Trong số 60 đại biểu tham dự, có một người là quan lang xứ Mường. Ông là Quách Hy, quan lang Mường Khói (nay thuộc huyện Lạc Sơn).

 

Bỏ tất cả theo Cách mạng

 

Trong căn nhà nhỏ ở thị trấn Vụ Bản, ông Quách Đức Rưỡng, người con trai cả của ông Quách Hy, lần giở những trang tư liệu, những tấm hình đã ố vàng theo thời gian nhưng vẫn sống động hình ảnh của một quan lang với thân hình nhỏ nhắn nhưng đôi mắt rất sáng. Theo những tài liệu đó thì ông Quách Hy thuộc dòng dõi nhà lang cai quản vùng Mường Khói. Người Mường vẫn có câu “thượng ngọn cây, hạ ngọn cỏ” đều của nhà lang để nói lên “vị thế” của những “ông vua con” vùng Tây Bắc.

 

Lên chín tuổi, Quách Hy được gửi đi học chữ nho và chữ quốc ngữ. Là người hay chữ nổi tiếng vùng Mường Khói, ông đã được Lang Cun dìu dắt vào đời “tổng lý” khi còn rất trẻ. Mười tám tuổi, ông giữ chức phó tổng Lạc Thành. Năm 1936, Lang Cun Mường Khói qua đời, ông được họ tộc và nhân dân cử làm “quyền” Lang Cun, tiếp đó được bổ nhiệm chức chánh tổng Lạc Thành, cai trị cả một vùng rộng lớn của châu Lạc Sơn bao gồm 12 xã.Thế nhưng khác với nhiều quan lang cùng thời khi nắm quyền sinh sát trong tay là ra sức sách nhiễu dân nghèo, ông là một người có tấm lòng thương dân như chính ông sau này đã viết trong hồi ức của mình: “Thấy Lang Cun cai trị dân hà khắc, dùng cực hình đánh đập họ, tôi can ngăn không được, nhiều lần tôi phải khóc trước cảnh đau khổ của họ”.

 

Vào khoảng giữa năm 1941, đồng chí Phan Bổng đang hoạt động trong xứ ủy Bắc Kỳ thì bị lộ nên tìm lên Mường Khói nhờ nương náu. Quách Hy, với vị thế quan lang của mình, đã bố trí cho đồng chí Bổng làm giáo học cho các con, cháu trong nhà để che mắt giặc Pháp. Đây chính là thời gian Quách Hy được tiếp xúc với những tư tưởng cách mạng và yêu nước. Giữa ông và Phan Bổng thường nhất trí với nhau là phải đánh Tây. Ông Quách Đức Rưỡng kể: “Hơn một năm sau, tung tích của đồng chí Bổng bị phát hiện, giặc Pháp bất thần đến xích tay lôi đi. Dù không có chứng cứ buộc tội nhưng Tây đã bổ nhiệm cha ông làm Bang tá Triều thủy (một chức danh của viên chức miền núi thời thuộc Pháp) cai quản vùng trong Châu Lương Sơn. Tiếng là “thăng chức” nhưng mục đích của chúng là tách ông khỏi cơ sở cách mạng. Chán ghét cuộc đời làm quan, ông định bỏ chức Bang tá về làm dân cày nhưng đúng lúc đó ông gặp lại đồng chí Bổng và được khuyên “giữ vỏ bọc quan lại để thuận lợi cho việc che mắt kẻ thù”.

 

Trong hồi ký Theo cách mạng đi lên của mình, Quách Hy hồi tưởng : “Nghe lời nói của anh Bổng, lòng tôi bỗng trở nên rạo rực, bồn chồn. Tinh thần yêu nước hy sinh cho dân tộc mình bỗng nổi lên hòa hứng trong người tôi. Tôi muốn theo cách mạng ngay lúc đó. Tôi nói với anh Bổng gọi tôi đi, mang tôi theo, giúp tôi tiến bộ, cho tôi trực tiếp đánh Tây để được được thỏa lòng. Tôi sẽ từ bỏ tất cả để đi theo cách mạng”.

 

Dự hội nghị Tân Trào

 

Tháng 7 năm 1945, khi xứ ủy Bắc Kỳ quyết định mở lớp đào tạo quân sự cho cán bộ các tỉnh Hà Nội, Sơn Tây, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La mang tên “Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu” căn nhà của ông Quách Hy ở xóm Lọt, xã Ân Nghĩa ược chọn làm địa điểm cho lớp học. Ông Quách Rưỡng là người trực tiếp tham gia lớp học đã nhớ lại những ngày tháng đó: “Lớp học diễn ra vào đầu tháng 8, có khoảng 20 người do Vương Thừa Vũ (sau này là thiếu tướng) huấn luyện. Lớp học chỉ diễn ra trong vòng hai tuần nhưng có thể coi đây là một đóng góp đáng kể vào việc giành chính quyền ở Hòa Bình nói riêng và miền Bắc nói chung”.

 

Tháng Tám năm 1945, giữa lúc ông Hy từ Lạc Sơn về thị xã Hòa Bình dự cuộc họp thường kỳ của quan lại do tỉnh trưởng Nguyễn Quốc Trường triệu tập, ông đã gặp Vũ Thơ (tức Vũ Kỳ Châu, sau này là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hòa Bình). Đồng chí Vũ Thơ hỏi ông: “Sắp có một cuộc họp của đại biểu cả nước bàn về việc đánh tây, đuổi nhật, ngài có muốn đi không?”. Ông Hy lập tức trả lời: “Tôi sẵn sàng, anh bảo tôi đi đâu là tôi đi ngay.”

 

Mượn cớ đi Hà Nội khám bệnh, ông đã bỏ dở cuộc họp quan lang, cùng đoàn Hòa Bình đi dự hội nghị. Từ Hà Đông, đoàn đi bộ ròng rã nhiều ngày. Vốn quen đi giầy và ít đi xa, hai chân ông Hy bắt đầu sưng phồng, lên đến Bắc Ninh thì đau buốt nhưng ông vẫn vui vẻ lên đường. Khi đặt chân lên khu giải phóng, ông Hy đã không khỏi sửng sốt, hân hoan khi được thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên hàng đầu của đoàn quân du kích. Trên đường đi, ông đã được gặp và làm quen với Trần Huy Liệu. Đến căn cứ, ông còn được đồng chí Võ Nguyễn Giáp thăm hỏi ân cần như đã quen biết từ lâu.

 

Trước những bài phát biểu, những báo cáo của các cán bộ cách mạng trong hội nghị, ông đã hiểu ra một điều: “Đảng đây rồi, những người cộng sản ở ngay bên tôi đây! Thế mà bấy lâu nay tôi cứ tưởng ở tận Liên Xô xa xôi mới có Đảng, có những người cộng sản. Tôi bàng hoàng lạ. Nghĩ thật may, thật sướng cho dân mình”.

 

Cũng như các đại biểu tham dự hội nghị khác, ông Hy cũng khao khát được gặp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Khi thấy vị lãnh tụ của dân tộc ăn mặc thật giản dị, vầng trán cao và rộng, má hóp, bộ râu thưa và đặc biệt là đôi mắt sáng ngời như vẫn giữ nguyên vẻ phong sương dày dạn của những năm tháng buôn ba nơi xứ người, trong lòng ông Hy dấy lên một niềm cảm động mà yêu mến vô cùng vị lãnh tụ.

 

Trước những lời lẽ của cụ Hồ Chí Minh về thời cơ cách mạng và ý chí quyết dành cho được độc lập dân tộc đã tiếp thêm ngọn lửa cách mạng vào lòng Quách Hy. Trong hồi ký của mình, ông viết: “Những lời lẽ của cụ càng thôi thúc, động viên chúng tôi nhanh chóng trở về địa phương, cùng đồng bào tham gia cách mạng đánh đuổi bọn cướp nước, giành lại độc lập tự do. Tất cả chúng tôi đều hứa quyết tâm làm đúng những lời căn dặn của cụ”.

 

Ông Quách Đức Rưỡng tâm sự: Chính lời dặn của Bác đã giúp cha ông sau này dù trên những cương vị khác nhau (Phó Chủ tịch UBND cách mạng Châu Lạc Sơn, Phó Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch MTTQ tỉnh Hòa Bình) ở cương vị nào cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, cống hiến cho dân cho nước.

 

Ông đã được Tổng bộ Việt Minh tặng đồng tiền vàng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho những công lao trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc. Cuộc đời của ông là một minh chứng hùng hồn cho lòng yêu nước, sẵn sàng từ bỏ mọi danh vọng, địa vị, bổng lộc để theo Bác Hồ “đánh giặc cứu nước”…

 

 

 

 

                                                                      HBĐT tổng hợp

 

 

Các tin khác

Đồ cơm nếp của người
Hoa Ban dọc đường lên Tây Bắc mùa xuân.
Chánh quan Lang Quách Vị ở cung đình Huế (người đứng giữa)
Người Thái quây quần bên mâm cơm ngày Tết.

Tết cổ truyền của một số dân tộc vùng cao Việt Nam

(HBĐT) - Mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam đều có những phong tục riêng để đón Tết cổ truyền. Về trình tự và phong tục, Tết của người Mường là gần với Tết của người Kinh nhất với phong tục đặc sắc là hát sắc bùa.

"Bí mật" khăn duyên của phụ nữ Mường

(HBĐT) - Cùng với chiếc áo cánh mịn màng, yếm ngực tinh khôi, chiếc tênh (sợi dây thắt lưng) duyên dáng... thì chiếc khăn che đầu (còn gọi là khăn duyên) đã đi vào văn hóa trang phục, trở thành một phần không thể thiếu để tôn lên vẻ đẹp của phụ nữ Mường.

Mường Chậm qua trí nhớ của bậc cao niên

(HBĐT) - Sáng sớm, bản Mường Chậm hiện lên như một bức tranh núi rừng, đẹp và êm đềm. Dưới thung lũng, sương mù ken đặc trên những ngọn cây cùng với khói bếp lan man một màu bình yên, ấm cúng.

Người nặng duyên với điệu múa Mường

(HBĐT) - Năm 1993, tại một cuộc hội thảo về văn hóa các dân tộc miền núi, bản tham luận về nghệ thuật múa Mường mang tên “Tìm về một nền nghệ thuật bị lãng quên” của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Bùi Chí Thanh đã gây được sự chú ý đặc biệt đối với nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Bắc.

Tiếng khèn Mông

(HBĐT) - Ngày nay, công nghệ số phát triển bùng nổ đã và đang đẩy lùi những điệu khèn Mông dần vào trong lãng quên. Trong khi nhiều chàng trai Mông đã chuyển sang tỏ tình bằng nhạc chuông điện thoại di động thì ở bản vùng cao Xà Lĩnh, xã Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) vẫn còn sót lại ông già mà tình yêu với khèn Mông của ông chưa bao giờ nguội tắt.

Độc đáo ẩm thực đất Mường

(HBĐT) - “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới…” Đó là câu nói đã được đúc kết từ xa xưa của ông cha khi nói về truyền thống dân tộc Mường- “ Văn hoá Mường”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục