Sắc màu thổ cẩm.

Sắc màu thổ cẩm.

(HBĐT) - Có thể nói mỗi người con gái Thái là một nghệ nhân tài hoa. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, vẻ đẹp thiên nhiên, sinh hoạt hàng ngày được khắc họa sinh động.

 

Người Thái là một dân tộc thiểu số có dân số khá đông, sinh sống lâu đời ở Tây Bắc. Trong quá trình phát triển, người Thái đã hình thành nên một nét văn hoá riêng của mình rất đa dạng. Trải qua các cuộc thiên di trong lịch sử, dân tộc Thái có mặt ở Việt Nam từ hàng trăm năm trước. Sản phẩm nổi tiếng của người Thái là vải thổ cẩm với nghệ thuật trang trí rất phong phú và độc đáo, những nét hoa văn sắc màu rực rỡ, bền đẹp.

 

Con gái Thái từ 6, 7 tuổi đã được làm quen với bông, sợi, được mẹ dạy thêu thùa, dệt vải. Đến độ mười bốn, mười lăm công việc này đã trở nên thành thạo. Bởi việc biết dệt vải, thêu thùa là tiêu chuẩn, tất yếu của con gái Thái: “Gái phải biết làm vải, trai phải biết đan chài”. Những ngày lễ hội là dịp để các cô thi thố tài năng thêu thùa của mình. Nhìn vào tấm khăn, chăn màn của cô gái, các chàng trai đánh giá được sự chăm chỉ, khéo léo của người mình yêu. Mỗi khi các cô gái ngồi vào khung cửi, mỗi hoa văn, họa tiết như có hồn, lung linh sống động: “Úp bàn tay thành hình muôn sắc/Ngửa bàn tay thành hoa muôn màu”. Có thể nói, mỗi người con gái Thái là một nghệ nhân tài hoa. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, vẻ đẹp thiên nhiên, sinh hoạt hàng ngày được khắc họa sinh động.

 

Theo các nhà nghiên cứu, có tới trên ba mươi loại hoa văn, hoạ tiết được thể hiện sống động trên thổ cẩm, trang trí nhà cửa của người Thái, trong đó hai hoạ tiết chính trên thổ cẩm của người Thái là hình cây rau bợ (phắc ben) và búp cây guột (kho cút). Đó là hình tượng của hai loại rau rất quen thuộc của người Thái. Hai loại rau này vừa nuôi sống con người, nhưng hơn thế nữa nó là biểu tượng của sự thích nghi, chống lại sự hà khắc của thiên nhiên cho nên trong chiếc khăn piêu (của phụ nữ) và khăn tay (của nam giới) thì đều phải có hai hoạ tiết này để trang trí.

 

Ngoài hai hoạ tiết chính, trên thổ cẩm Thái còn rất nhiều loại hoạ tiết và hoa văn khác. Lấy thiên nhiên làm hình mẫu, thổ cẩm của người Thái không khác nào cảnh thiên nhiên thu nhỏ. Đó là những hình thoi như quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu, con suối với thác ghềnh tung bọt trắng xoá, đây đó những chùm hoa buông dài như xà tích, lá đơn, lá kép, búp cây, dây leo, cây guột… Thế giới động vật cũng được phản ánh trên thổ cẩm rất đa dạng, sự xuất hiện của các con vật không chỉ để trang trí mà còn biểu hiện ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng nhất định. Trong tín ngưỡng của người thái thuồng luồng được coi là vị thần sông nước, còn trong các câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại của người Thái thì thuồng luồng hiện thân là một chàng trai tài giỏi, khí phách hiên ngang, luôn giúp đỡ mọi người. Con thuồng luồng còn thể hiện tình cảm, ước mơ và lòng vị tha cao thượng của người mẹ, người vợ luôn thủy chung, con rái cá tượng trưng cho tình yêu sắt son, chung thuỷ, gia đình hạnh phúc, những con bướm, con chim cũng được sử dụng để tôn thêm cái đẹp…

 

Hình tượng con khỉ thường được thêu trên chiếc địu, chăn, quần áo dành cho trẻ em. Giải thích nguyên nhân của việc này, người Thái có câu chuyện kể rằng: Vào một năm trời hạn hán, đói kém, bản Thái rơi vào cảnh cùng cực, có gia đình nọ đông con, trong một lần làm cơm mới cúng tổ tiên, vì đói nên những đứa con đã bốc ăn mà quên không rửa tay. Bà mẹ thấy vậy đã lấy đũa đập vào tay các con có ý nhắc nhở. Bất ngờ những đứa con hoá thành khỉ chạy vào rừng. Từ đó, ngày nào bên khung cửi bà mẹ cũng dệt những hoa văn hình khỉ để vơi nỗi nhớ thương con.

 

Trong mỗi bông hoa hoặc thế giới động vật thu nhỏ cũng có hoa đực, hoa cái, con trống, con mái, âm dương hài hòa, mỗi hoa văn họa tiết đều mang một ý nghĩa sâu xa, là kết quả của quá trình hình thành và phát triển xã hội. Nó không chỉ phản ánh quan niệm và thị hiếu thẩm mỹ mà ít nhiều còn phản ánh quan niệm và luật tục của xã hội, làm nổi bật chủ thể - con người giữa thiên nhiên hùng vĩ.

 

Trong nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái, màu sắc là linh hồn của người thêu, quyết định sự thành bại của mỗi một hình thêu hoa văn. Màu chủ đạo trên các sản phẩm là màu xanh của cây cối, màu đỏ, hồng, trắng, của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời. Màu đỏ sẫm được nhuộm bằng cánh kiến, màu đỏ tươi được ngâm sợi trong quả “xổm xét”, màu vàng do nghệ, vàng da cam từ rễ cây “ken”, màu tím ngâm trong nước lá “khẩu cắm” - đậu đen, và màu đen được tạo nên từ 2 lần nhuộm chàm, một lần củ nâu sau đó nhúng lại với nước chàm. Từ chất liệu của các loại thực vật có sẵn trong tự nhiên, dưới sự sáng tạo, khéo léo phối màu tạo nên vẻ tươi sáng, hài hòa, nhã nhặn mà không đơn điệu.

 

Những đường nét trang trí hoa văn còn thể hiện nét đẹp tâm hồn, tính cách của người phụ nữ Thái. Cô gái đang yêu thì không giấu nỗi bâng khuâng thường sử dụng những gam màu sáng làm chủ đạo. Những phụ nữ lớn tuổi thiên về gam màu trầm, đậm nét suy tư, đường nét rắn rỏi.

 

Trải qua bao năm tháng, nghệ thuật trang trí của người Thái vẫn được gìn giữ và phát huy, góp phần tạo nên một bản sắc văn hoá đặc thù. Ngày nay, nghệ thuật trang trí còn giúp cho đời sống của người Thái được cải thiện đáng kể. Thổ cẩm đã trở thành hàng hoá thời mở cửa. Những sắc màu, những hoa văn, hoạ tiết được các cô gái Thái thổi hồn trên thổ cẩm, đã giới thiệu với đồng bào cả nước và bè bạn năm châu văn hoá của người Thái, lấp lánh, lung linh như núi ngàn Tây Bắc.

 

 

 

                                                                            HBĐT tổng hợp

 

Các tin khác

Tấm bia kỷ niệm tại nhà ông Quách Hy, nơi gặp gỡ của nhiều cán bộ cách mạng như Vương Thừa Vũ, Bạch Thành Phong, Vũ Thơ....
Đồ cơm nếp của người
Hoa Ban dọc đường lên Tây Bắc mùa xuân.
Chánh quan Lang Quách Vị ở cung đình Huế (người đứng giữa)

Tết cổ truyền của một số dân tộc vùng cao Việt Nam

(HBĐT) - Cùng với dân tộc Mường, Nùng, Tày, các dân tộc khác cũng có những nét rất độc đáo, riêng biệt trong cách tổ chức, đón Tết nguyên đán. Dưới đây là tổng hợp có phóng viên Báo HBĐT về Tết của dân tộc Thái, Xê Đăng. (Tiếp theo và hết).

Tết cổ truyền của một số dân tộc vùng cao Việt Nam

(HBĐT) - Mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam đều có những phong tục riêng để đón Tết cổ truyền. Về trình tự và phong tục, Tết của người Mường là gần với Tết của người Kinh nhất với phong tục đặc sắc là hát sắc bùa.

"Bí mật" khăn duyên của phụ nữ Mường

(HBĐT) - Cùng với chiếc áo cánh mịn màng, yếm ngực tinh khôi, chiếc tênh (sợi dây thắt lưng) duyên dáng... thì chiếc khăn che đầu (còn gọi là khăn duyên) đã đi vào văn hóa trang phục, trở thành một phần không thể thiếu để tôn lên vẻ đẹp của phụ nữ Mường.

Mường Chậm qua trí nhớ của bậc cao niên

(HBĐT) - Sáng sớm, bản Mường Chậm hiện lên như một bức tranh núi rừng, đẹp và êm đềm. Dưới thung lũng, sương mù ken đặc trên những ngọn cây cùng với khói bếp lan man một màu bình yên, ấm cúng.

Người nặng duyên với điệu múa Mường

(HBĐT) - Năm 1993, tại một cuộc hội thảo về văn hóa các dân tộc miền núi, bản tham luận về nghệ thuật múa Mường mang tên “Tìm về một nền nghệ thuật bị lãng quên” của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Bùi Chí Thanh đã gây được sự chú ý đặc biệt đối với nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Bắc.

Tiếng khèn Mông

(HBĐT) - Ngày nay, công nghệ số phát triển bùng nổ đã và đang đẩy lùi những điệu khèn Mông dần vào trong lãng quên. Trong khi nhiều chàng trai Mông đã chuyển sang tỏ tình bằng nhạc chuông điện thoại di động thì ở bản vùng cao Xà Lĩnh, xã Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) vẫn còn sót lại ông già mà tình yêu với khèn Mông của ông chưa bao giờ nguội tắt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục