(HBĐT) - Cây dâu tiếng Mường gọi là cây đô, đây là cây trồng cổ truyền, phổ biến, thân thiết và quý giá của người Mường. Trong xã hội cũ, nền sản xuất của người Mường phát triển thấp chủ yếu chỉ là tự cấp, tự túc, giao thương chưa phát triển. Có thể nói, các gia đình người Mường nhà nào cũng trồng dâu, nhà ít thì dăm, bảy cây, nhà trồng nhiều có hẳn nương, trồng ngoài bờ sông, bờ suối, họ trồng dâu để nuôi tằm lấy kén, kéo sợi dệt lụa.
Người Mường xưa trồng dâu bằng hom, đây là cách trồng theo truyền thống dân gian, cây hom giống không qua xử lý nên để cho hom tự ra rễ, nảy lộc nên tỷ lệ sống không cao lắm. Ngày nay, do sự phát triển mạnh của KH-KT, công nghệ sinh học áp dụng trong nông nghiệp nhân, tạo giống mới cho năng suất cao được Nhà nước đẩy mạnh, trong đó có nhân, tạo giống cây dâu mới, người Mường đã áp dụng trồng dâu bằng cách ươm hạt cho lên cây non mới đem trồng nên tỷ lệ sống cao, năng suất lá dâu được nâng lên rõ rệt.
Người Mường trồng dâu trong vườn, quanh bờ dậu, ven bờ các rộc hẻm, bờ ruộng, đặc biệt là trên các bãi sông, bờ thoải các con sông, suối, đấy là những nơi có thổ nhưỡng đặc biệt phù hợp cho cây dâu phát triển.
Cây dâu được trồng theo mùa, vụ theo kiểu trồng lúa, được trồng chủ yếu vào mùa mưa nóng. Khi cây đã phát triển, người ta cứ để vậy, hàng năm vào cuối đông đốn hạ cành nhỏ để sang xuân dâu ra lộc, ra cành mới cho lá mới to ngon hơn.
Cây dâu ra lá quanh năm và không có hiện tượng rụng lá như những cây khác, tuy nhiên, mùa đông lá phát triển kém hơn. Người Mường khai thác lá dâu cho tằm ăn hái từ lá già đến lá bánh tẻ, để lại lá non nuôi ngọn sau mới hái.
Trong đời sống thường ngày, ngoài việc lấy lá nuôi tằm, với người Mường, cây dâu còn là vị thuốc quý, đặc biệt dùng để chữa gãy xương. Việc lấy cây dâu chế biến ra nhiều bài thuốc chữa bệnh hầu như ít người biết đến, chỉ có những người làm nghề thuốc nam biết và họ giữ như bí quyết nghề nghiệp, chỉ truyền cho con cháu trong nhà. Song nếu ai đó không may bị gãy xương, họ thường lấy cây dâu dùng làm nẹp cố định xương, sau đó đắp thêm các thuốc khác.
Xứ Mường xưa dọc theo các con sông, suối, xanh mướt hai bên bờ những đồng lúa, nương dâu. Cũng từ những bãi dâu xanh, câu chuyện thơ dân gian truyền miệng “Chuyện nàng Hùy Nga - Đạo Hai Mối”, tác giả dân gian đã lấy những bãi dâu làm nền cho câu chuyện tình bi thảm, đầy trắc trở giữa nàng Hùy Nga và chàng Hai Mối trên bờ sông Ngang, Không Ai - Bến Đuộng, Cẩm Thủy, Quan Hoàng... thuộc vùng bắc Thanh Hóa ngày nay. Khi chết, đôi trai gái hóa thành hai cây dâu to, cành lá quấn quýt đan nhau như biểu tượng của khát vọng tình yêu chung thủy, không gì chia lìa của người Mường.
Trong đời sống tâm linh, cây dâu được coi là cây thiêng dùng trong các nghi lễ tín ngưỡng dân gian và các nghi thức thiêng liêng khác. Khi đất đai trong khu vực mồ mả nhà ai sụt lún hay vào mùa mưa gió làm sạt lở, dân gian Mường cho rằng long mạch đã bị tổn thương, đất bị rách nên cần được vá, nối lại để đất đai, mồ mả được yên lành. Cành cây dâu được dùng làm xương được bó chỉ xanh, chỉ hồng, nước cây vang đỏ được dùng làm máu dùng chôn xuống nơi sạt lở, đó là nghi thức vá đất, nối long mạch. Với người chết bất thường bị mất xác, cây dâu được dùng làm vật thay thi hài cho vào quan tài quàn, sau đó tổ chức tang lễ, chôn cất như những đám ma bình thường. Trong tục làm chay, người ta dùng cành cây dâu làm roi đuổi tà ma. Như vậy, cây dâu là vật trấn tà, đem lại sự yên lành.
Trong xã hội cổ truyền, sản xuất tự cấp, tự túc, chuyện cái ăn, cái mặc là cả một vấn đề lớn, đôi lúc nan giải với các gia đình người Mường, nhất là các gia đình nghèo. Trang phục được may từ lụa thô được dệt từ sợi tơ tằm ăn lá dâu đối với người nghèo là thứ quý giá, xa xỉ, có người cả đời không có một manh để mặc. Vì thế nên việc quý trọng cây dâu có từ lâu đời, trải qua nhiều thế hệ từ thời sơ sử về sau càng ngày họ càng phát hiện ra các tính năng quý của dâu cũng như những “chuỗi sản phẩm” sau cây dâu nên sự linh hóa dùng cây dâu trong các nghi lễ tín ngưỡng dân gian hay làm vật thế thi hài trong các đám tang người chết mất xác là hình thức tôn sùng, đẩy cao lên từ ứng dụng thực lên “ứng dụng” vật thế, biểu tượng trong văn hóa tâm linh. Từ loài cây bình thường cây dâu được thơ ca dân gian xây dựng nên thành biểu tượng của tình yêu son sắt, chung thủy, được dân gian linh hóa thành một hình tượng văn hóa biểu hiện sự yên lành.
Bùi Huy Vọng
(Hương Nhượng - Lạc Sơn)
(HBĐT) - Một nhiếp ảnh gia ở Hà Nội đánh tiếng rằng: Có phải cử nhân văn hóa Bùi Thanh Bình, chủ nhân của nhà sàn Mường Động (suối khoáng Hạ Bì - Kim Bôi) nay đã thành lập Bảo tàng tư nhân di sản văn hóa Mường không? Lên mạng tìm tên bảo tàng không có gì. Đem thắc mắc này đến gặp anh - Giám đốc Bùi Thanh Bình khẳng định: Mới có giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập do UBND tỉnh cấp từ tháng 1/2014, mọi chuyện cũng mới khởi đầu thôi mà.
(HBĐT) - Không chỉ được nhiều người biết đến bởi rượu cần, mật ong hay cơm lam ống nứa, Hòa Bình còn nổi tiếng với đặc sản măng các loại, trong đó có măng khô.
(HBĐT) - Chá Chiêng là lễ hội tín ngưỡng của dân tộc Thái (Hòa Bình) do ông Mùn lớn - người có uy tín trong cộng đồng người Thái tổ chức.
(HBĐT) - Trong kiến trúc nhà sàn của người Thái đen, “cột thiêng” có vai trò vô cùng quan trọng, được coi như trụ cột, chứa đựng linh hồn của ngôi nhà, là biểu tượng cho sự bền vững của một gia đình.
(HBĐT) - Đặc điểm nổi bật nhất nguồn gốc các loại lương thực, thực phẩm cung cấp trong bữa ăn của người Mường trong xã hội cổ truyền trước tháng 8/1945 đều có nguồn gốc trong thiên nhiên, được chế biến rất giản đơn với những cách thức giản đơn cốt để cho chín để ăn. Bữa ăn là sản phẩm của nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, làm nương rẫy, chăn nuôi, săn bắn và hái lượm, không có sản phẩm công nghiệp hay phụ gia thực phẩm như ngày nay.
(HBĐT) - Quần thể núi Đầu Rồng (khu III - thị trấn Cao Phong - Cao Phong) là danh lam thắng cảnh được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2012. Cùng với các điểm du lịch khác trên địa bàn, quần thể núi Đầu Rồng mang vẻ đẹp nguyên sơ, tự nhiên với các nhũ đá non vẫn tiếp tục hình thành, phát triển và chính điều đó đã tạo nên sự hấp dẫn, độc đáo của các hang động nơi đây. Đến đây, chúng ta sẽ không thể bỏ qua vẻ đẹp huyền bí, kỳ thú của động Không Đáy, kiệt tác của thiên nhiên.