Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội). (Ảnh: ĐĂNG KHOA) Phát biểu ý kiến tại các buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá cao hoạt động của Quốc hội, ngày càng có nhiều đổi mới. Quốc hội đã tập trung giám sát những vấn đề lớn, bức xúc, giải quyết kiến nghị của cử tri. Cử tri hoan nghênh, đánh giá cao công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) ngày càng quyết liệt, nhiều vụ đại án liên tiếp được đưa ra xét xử, đã củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Tuy
nhiên, cử tri băn khoăn, vì sao, nhiều vụ, việc xảy ra từ lâu, nhưng nay mới
bị xử lý, nếu phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời sẽ không để xảy ra hậu quả
nghiêm trọng. Tham nhũng quyền lực đang phát triển, nhưng chúng ta chưa tìm
ra được cơ chế kiểm soát; còn nhiều sơ hở trong chính sách, quản lý nhà nước,
nhất là đối với lĩnh vực đất đai. Cử tri có quyền đòi hỏi cán bộ, đảng viên
phải giải trình một cách minh bạch về những tài sản không rõ nguồn gốc, chứ
không theo kiểu giải trình do đi buôn chổi đót mà có. Công tác đấu tranh PCTN
ở Trung ương làm quyết liệt, nhưng các địa phương còn e dè, né tránh. Cử tri
mong rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác này, bất kể ai vi phạm củng phải xử
lý nghiêm minh.
Để PCTN
hiệu quả, một trong những giải pháp hữu hiệu là nâng cao vai trò của chi bộ.
Song thực tế hiện nay chất lượng hoạt động của chi bộ rất yếu, cho nên số vụ
tham nhũng bị xử lý không phải do chi bộ phát hiện mà do các cơ quan chức
năng, báo chí và phản ánh của nhân dân là chủ yếu. Cần có giải pháp đổi mới,
nội dung hình thức sinh hoạt chi bộ, nhất là tính đảng trong sinh hoạt.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cử tri quận Ba Đình và
quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).(Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Hầu hết ý kiến của cử tri hoan nghênh thành công của Hội nghị
T.Ư 7, khóa XII vừa bế mạc. Hội nghị đã bàn những vấn đề lớn, nhất là công tác
cán bộ. Qua đó cho thấy Đảng đang chăm lo đội ngũ cán bộ cho cả hệ thống chính
trị, cho các lĩnh vực. Đảng cần chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ các cấp,
nhất là cán bộ chiến lược phải có tâm, tài, trí; cần luân chuyển cán bộ để
tránh cánh hẩu, bố trí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương để tránh
vướng mắc dòng họ, thân quen, con ông cháu cha,.. trong giải quyết công việc.
Nhiều cử tri lo ngại trước nhiều vụ việc xảy ra gần đây trong
lĩnh vực giáo dục, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, tai nạn giao thông, an ninh
mạng, ô nhiễm môi trường,vv. Đặc biệt là chính sách đổi mới của ngành giáo
dục; cần có quy hoạch phát triển các trường đại học, bảo đảm sinh viên ra
trường có việc làm; coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lòng yêu nước ở mọi
độ tuổi.
Phát biểu tại các buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
cảm ơn cử tri có nhiều ý kiến đóng góp xác đáng, sâu sắc và quý báu. Các đại
biểu Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo trước kỳ họp Quốc hội và các cơ
quan chức năng; đồng thời qua đó, có thêm nhiều thông tin phục vụ quá trình
công tác tốt hơn.
Trả lời các câu hỏi của cử tri, Tổng Bí thư nêu ba nhóm vấn đề,
đó là nội dung, các dự án luật mà Quốc hội sẽ thông qua và cho ý kiến; về đấu
tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực; về những bức xúc hằng ngày trong cuộc sống.
Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh công tác đấu tranh PCTN, một vấn đề lần nào
cũng được cử tri quan tâm, chứng tỏ công việc quan trọng nhưng vô cùng khó
khăn, phức tạp, vì đây là cuộc đấu tranh trong nội bộ. Theo Tổng Bí thư, việc
này chúng ta đã làm từ lâu, nhưng chưa bao giờ quyết liệt, thành xu thế như
hiện nay. Đừng lo làm ra thì mất uy tín. Không phải thế, bưng bít che dấu mới
mất uy tín. Đấu tranh, làm cho bằng được mới lấy lại được uy tín. Từ đầu nhiệm
kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, nhất là năm 2017, chúng ta đã đạt được những
kết quả quan trọng trong công tác này. Nếu không có sự ủng hộ, đồng thuận rất
cao của cử tri, nhân dân cả nước thì không thể có kết quả ấy. Điều đó củng cố
thêm niềm tin, quyết tâm để tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN hơn nữa
trong thời gian tới.
Tổng Bí thư phân tích thêm, chúng ta không chỉ có "chống” mà cơ
bản, lâu dài chính là "xây”. "Chống” là nhiệm vụ quan trọng cấp bách, phải làm
và làm quyết liệt, nhưng phải "xây” để ngăn ngừa, răn đe, để tham nhũng, tiêu
cực không xảy ra. Trong xét xử các vụ án tham nhũng cũng không phải cốt để xử
tội, mà cái chính là giúp người bị xử nhận ra sai phạm của mình; là thu hồi tài
sản do tham nhũng mà có. Tổng Bí thư cho rằng trong công tác đấu tranh PCTN còn
nhiều việc phải làm, phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn, nhưng làm từng
bước, phải nắm vững luật pháp, làm cho đúng đắn, chặt chẽ; làm để bảo đảm sự ổn
định và tăng cường đoàn kết nội bộ. Ai sai thì phải xử lý, để giáo dục, răn đe,
ngăn chặn, cảnh tỉnh người khác không sa vào vết xe đổ. Thế mới là thành công.
Gọi đấu tranh PCTN là cuộc chiến cũng không sai vì chúng ta đấu tranh với phần
tử thoái hóa, biến chất. Càng làm càng chứng tỏ Đảng mạnh.
Đồng tình với ý kiến của cử tri, Tổng Bí thư nhấn mạnh, vai trò
của chi bộ trong đấu tranh PCTN rất quan trọng. Song, công tác quản lý cán bộ,
đảng viên tại chi bộ còn yếu. Ở TP Hà Nội cũng vậy. Mọi việc đều phải làm từ cơ
sở làm lên; phải khởi động từ cơ sở, nhân dân phải giám sát, chi bộ phải giám
sát để ai muốn tham nhũng, cũng không thể. Tổng Bí thư chỉ rõ, việc thu hồi tài
sản do tham nhũng mà có đang tích cực chỉ đạo quyết liệt hơn, như vụ Mobifone
mua 95% cổ phần của AVG, cơ bản số tiền này đã được trả lại; một số bị cáo
trong các vụ xét xử gần đây cũng nguyện nộp lại số tiền tham nhũng, hoặc làm
thất thoát để xin giảm nhẹ hình phạt.
Tổng Bí thư lưu ý công tác đấu tranh PCTN phải thực hiện đồng bộ
với các nghị quyết khác của Đảng, nhất là các nghị quyết T.Ư 6, khóa XII về đổi
mới, sắp sếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với các
nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 sẽ ban hành, như công tác cán bộ, cải cách chính sách
tiền lương và bảo hiểm xã hội.
Về các vấn đề bức xúc hằng ngày, như tai nạn giao thông, cháy
nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, giáo dục học đường, y tế,… theo Tổng Bí thư, cần
giải quyết hiệu quả. Song nên nhận thức cho đúng, không quá bi quan vì những vụ
việc cụ thể ấy, mà có cái nhìn toàn diện hơn.
TheoNhandan