(HBĐT) - Vùng đất Mường Thàng qua thời gian đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của cây cam. Sự hòa quyện giữa tình cây, tình đất, tình người đã làm nên thương hiệu cam ngon đặc trưng mang tên Cao Phong. Để rồi, bất cứ ai trên mảnh đất Cao Phong và quê hương Hòa Bình đều tự hào khi giới thiệu về thương hiệu nông sản mạnh nhất của tỉnh. Được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, xác lập vị thế nông sản nổi bật, “khắc” được chữ tín với người tiêu dùng, cam Cao Phong không ngừng vươn xa, hướng tới mục tiêu “xuất ngoại”.
Hộ dân khu 1, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) trồng cam theo quy trình VietGap, đảm bảo chất lượng, được khách hàng tin dùng.
Xác lập vị thế nông sản nổi bật
Với điều kiện khí hậu, nông hóa, thổ nhưỡng phù hợp với trồng cây có múi, từ năm 1964, Nông trường Cao Phong đã đưa vào trồng các loại cam Xã Đoài, V2, Canh đường... Đạt chất lượng thơm ngon đặc trưng, cam Cao Phong đã từng được “xuất ngoại” sang Liên Xô cũ và các nước Đông âu. Sau đó, vì nhiều nguyên nhân, diện tích, sản lượng giảm dần. Đến những năm đầu tái lập tỉnh, khi thực hiện cơ chế khoán, cam Cao Phong bắt đầu hồi sinh. Dấu ấn khi BCH Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 04, ngày 8/5/2006 về phát triển cây ăn quả. Từ khâu quy hoạch, đầu vào, đến quá trình chăm sóc, hỗ trợ vay vốn, tìm đầu ra… được thực hiện bài bản. Nhờ đó, diện tích, sản lượng, chất lượng cam tăng mạnh. Năm 2006, toàn huyện có trên 700 ha cam, quýt. Đến niên vụ 2016 - 2017, diện tích cây có múi cả huyện đạt gần 2.100 ha, trong đó, cam, quýt khoảng 1.800 ha.
Cam Cao Phong ngày càng chứng tỏ ưu thế vượt trội trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon đặc trưng, an toàn chất lượng. Quyết tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, huyện Cao Phong đã hoạch định lộ trình cụ thể với những giải pháp đồng bộ. Cùng với sự hỗ trợ của các ngành hữu quan tỉnh, niềm vui đã đến với cam Cao Phong. Từ năm 2007, cam Cao Phong liên tục đạt các giải bình chọn, giấy chứng nhận. Đặc biệt, tháng 11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện. Đến thời điểm này, cam Cao Phong là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh đạt chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Đây được coi là bước đột phá chiến lược về phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh, mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm đến với người tiêu dùng. Tháng 8 vừa qua, cam Cao Phong đã lọt top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2016 do Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế tổ chức. Cam Cao Phong đã xác lập được vị thế nông sản đặc trưng, nổi bật.
Tự hào thương hiệu vươn xa
Hiện nay, cam Cao Phong được tiêu thụ ở hầu khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc và vươn tới miền Trung, miền Nam. Nhiều doanh nghiệp đã liên kết với hộ trồng cam, Công ty TNHH MTV Cao Phong, HTX Phúc Linh… tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đầu tư theo lộ trình, kế hoạch, chiếm lĩnh thị trường trong nước, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Cam Cao Phong trở thành sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng trong nước khi có nhu cầu sử dụng cam quả tươi chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Là huyện miền núi thuần nông, vùng đất Cao Phong với sự phát triển vượt trội của cây cam không chỉ trở thành vựa cam của tỉnh mà còn là một điển hình thành công trong phát triển cây có múi của cả nước.
Vụ cam năm nay tiếp tục là mùa vàng bội thu. Với diện tích trong thời kỳ thu hoạch khoảng 900 ha, sản lượng cam ước đạt trên 23.000 tấn, giá bán tại vườn từ 23.000 - 30.000 đồng/kg. Tính giá trị bình quân 650 - 700 triệu đồng/ha. Những hộ tỉ phú ở Cao Phong ngày càng nhiều. Riêng thị trấn Cao Phong có đến hàng trăm hộ thu tiền tỉ, được coi là một trong những thị trấn có nhiều tỉ phú nhất cả nước.
Không tự hào sao được khi nhiều siêu thị ở Hà Nội như Vinmart, Metro, Thành Công... cam Cao Phong được bày bán, tấp nập người mua. Những người sành ăn hoa quả nếu không có điều kiện về đất Cao Phong mua cam cũng gọi điện nhờ người quen hoặc đại lý uy tín chuyển hàng đến tận nơi. Vào vụ cam, thị trấn Cao Phong tấp nập những chuyến hàng tỏa khi khắp mọi miền đất nước. Những đoàn khách từ khắp nơi, ngay cả từ vùng trồng quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) cũng đến học hỏi kinh nghiệm. Đoàn chuyên gia Nhật Bản đã đến tận vườn khảo sát tìm cơ hội cho quả cam được “xuất ngoại”…
Ý thức được giá trị của thương hiệu, để cam Cao Phong phát triển bền vững, vươn xa, huyện tập trung quản lý tốt quy hoạch, giữ vững, phát huy Chỉ dẫn địa lý, mở rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap (đến nay đạt 169 ha). áp dụng KH-KT trong thâm canh, thu hái, bảo quản sản phẩm; xây dựng chợ đầu mối nông sản. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban kiểm soát, BQL và phát triển Chỉ dẫn địa lý; mở rộng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Tuy chưa thoát nghèo nhưng hơn 20 hộ có hoàn cảnh khó khăn được sự trợ giúp từ “Ngân hàng bò” ở huyện Đà Bắc đã có thêm “điểm tựa” để từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Đó là hiệu quả bước đầu mà Dự án “Ngân hàng bò” mang lại - một dự án thiết thực đã được Hội Chữ thập đỏ huyện Đà Bắc triển khai từ năm 2013 đến nay.
(HBĐT) - Ngày 8/11 UBND huyện Lạc Sơn phối hợp với Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình tổ chức hội nghị phát triển vùng nguyên liệu mía đường niên vụ 2017 - 2018.
(HBĐT) - Tổng thu NSNN trên địa bàn 10 tháng qua ước đạt 2.420 tỷ đồng, bằng 95% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 84% so với Nghị quyết HĐND tỉnh. Trong đó, thu cân đối ngân sách ước đạt 2.355 tỷ đồng; thu xuất, nhập khẩu 40 tỷ đồng; thu quản lý qua NSNN thực hiện 25 tỷ đồng. Thu ngân sách địa phương ước đạt 7.351 tỷ đồng, bằng 98% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 94% so với Nghị quyết HĐND tỉnh.
(HBĐT) - Sáng 9/11, tại xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, Ban quản lý dự án phát triển nông thôn đa mục tiêu huyện Đà Bắc đã tổ chức khởi công dự án. Tới dự có đồng chí Bùi Văn Khánh, UVTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở KH&ĐT, huyện Đà Bắc và đông đảo cán bộ, nhân dân trong huyện.
(HBĐT) - Ngày 8/11, tại xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn), Sở Công Thương đã tổ chức khai trương Điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Đây là mô hình thí điểm nằm trong chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững thuộc danh mục của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020.
(HBĐT) - Canh tác hữu cơ hiện nay đang được nông dân trên địa bàn huyện Lương Sơn quan tâm trong bối cảnh thực phẩm không an toàn tràn lan trên thị trường. Người nông dân cũng bị ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe khi hàng ngày, hàng giờ họ phải tiếp xúc với phân bón và thuốc trừ sâu hóa học cho cây trồng.