(HBĐT) - Nhắc đến Mường Bi - Tân Lạc, nhiều người nhớ ngay đến đó là vùng đất cổ mang đậm nét văn hóa truyền thống và nhịp sống cũng hết sức “trầm”. Riêng tôi, gắn bó nhiều với vùng đất Mường Bi, tìm hiểu nhiều về cuộc sống mới của người dân nơi đây lại thấy Mường Bi khá “động” và luôn hòa chung dòng chảy của thời cuộc để phát triển.
Tân Lạc có diện tích đất tự nhiên trên 52 km2, trong đó, hơn 80% là rừng núi. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm 14,2% nhưng bù lại, Tân Lạc có đất đai trù phú, nhiều lợi thế cho phát triển nông nghiệp. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền huyện với định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa đa dịch vụ, nhân dân đã tích cực áp dụng tiến bộ KH -KT vào sản xuất, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong khi ở nơi khác còn loay hoay với việc trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với đất đai và đáp ứng nhu cầu thị trường thì Tân Lạc đã tạo dấu ấn với mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cung cấp ra thị trường. Hai, ba năm trở lại đây, ngành nông nghiệp huyện đã đón nhiều đoàn khách đến thăm quan, học tập kinh nghiệm mô hình trồng bưởi đỏ, bưởi da xanh ở Thanh Hối, Gia Mô và trồng mướp đắng, bí đỏ lấy hạt ở một số xã khác. Dựa vào khí hậu, thổ nhưỡng, Tân Lạc đã phát triển mạnh mô hình trồng tỏi, cây su su ở các xã Quyết Chiến, Lũng Vân, quýt ở Nam Sơn, mía tím ở Trung Hòa, Mỹ Hòa, Phong Phú… Để phát triển nông nghiệp bền vững, những năm qua, huyện đã ban hành Nghị quyết về phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh trên địa bàn huyện giai đoạn 2012 - 2020 và Nghị quyết về đưa cây trồng hàng năm vào diện tích đất lúa kém hiệu quả.
Đường giao thông nông thôn xóm Rên xã Gia Mô được đầu tư, nâng cấp theo chuẩn NTM đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân.
Được thiên nhiên ban tặng hệ thống suối thác, hang động dày đặc, núi Cột Cờ với nhiều huyền tích và nền văn hóa Mường đậm đà bản sắc, huyện đang xây dựng Đề án phát triển du đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, góp phần tạo sức bật cho nền kinh tế.
Dẫu xuất phát điểm thấp nhưng Tân Lạc đã chủ động để hòa nhịp cùng dòng chảy của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Huyện đã tập trung sâu vào công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích và vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, từ đó, người dân đồng thuận hưởng ứng làm theo.
Thực hiện tiêu chí quy hoạch, huyện chỉ đạo các xã phối hợp với đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch và tổ chức công bố quy hoạch đến đông đảo người dân. Bên cạnh đó, mỗi xã chọn 1 xóm làm điểm triển khai cắm mốc quy hoạch gắn với chiến dịch giao thông, thủy lợi, từ đó nhân rộng ra toàn xã. Với phương châm “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM (2011-2015), huyện đã vận động được 7.121 hộ dân tham gia hiến 198, 130 ha đất làm đường giao thông và các công trình hạ tầng, trong đó, đất lúa 33,37 ha, đất vườn 40,96 ha, đất thổ cư 30,44 ha…
Song song với vận động nhân dân tự nguyện hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện chỉ đạo phòng chuyên môn triển khai việc đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tham gia hiến đất. Bên cạnh đó, động viên, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp cho chương trình xây dựng NTM. Với cách làm chủ động, sáng tạo này, Tân Lạc đã được biết đến là huyện đầu tiên trong toàn tỉnh hoàn thành việc công bố và cắm mốc quy hoạch xây dựng NTM mà không phải sử dụng bất kỳ nguồn kinh phí nào. Hết năm 2015, toàn huyện có 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, dự kiến hết năm nay có thêm xã Mãn Đức về đích.
Thực hiện song song các chương trình, dự án, các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, huyện Tân Lạc đang bền bỉ tăng cường sức vóc để đổi mới và phát triển trên tầm cao mới.
Lam Nguyệt
(HBĐT) - Với những lợi thế đặc thù, trong quy hoạch phát triển KT-XH chung, huyện Lương Sơn được xác định nằm trong vùng kinh tế động lực của tỉnh. Ngày 10/10/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1621/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Lương Sơn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó định hướng phát triển vùng đô thị, công nghiệp TP Hòa Bình - huyện Kỳ Sơn - Lương Sơn gắn với hành lang kinh tế QL 6 và đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình; chủ trương phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ tạo thành trục phát triển mang tính động lực của tỉnh. Đô thị trung tâm huyện Lương Sơn được xác định trọng điểm đầu tư và phát triển.
(HBĐT) - Trong thời điểm kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh, nhìn lại lĩnh vực công nghiệp của tỉnh đã có bước tiến mạnh mẽ. Trong những ngày này, có mặt tại KCN Lương Sơn mới thấy những kết quả phát triển công nghiệp của tỉnh. KCN Lương Sơn là điểm nhấn trong phát triển công nghiệp của tỉnh ta trong hơn chục năm trở lại đây. Hàng ngày, trên 10.000 công nhân hối hả ra, vào ca. Hiện tại, KCN Lương Sơn đã thu hút được 28 dự án đầu tư, trong đó có 13 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 232,7 triệu USD và 15 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký hơn 2.700 tỷ đồng, diện tích đất đã cho nhà đầu tư thuê chiếm 82% diện tích đất thương phẩm.
(HBĐT) - Ngày 11/11, HTX Nông nghiệp và Thương Mại Mường Động (thôn Bãi Chạo, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi) đã chính thức ra mắt nhãn hiệu sản phẩm Quả có múi an toàn Mường Động.
(HBĐT) - Hơn 10 năm về trước, sau khi thu hoạch xong vụ hè - thu, người dân ở xã Phúc Tuy (Lạc Sơn) hầu như bỏ đất không, chờ đến vụ chiêm - xuân mới tiếp tục làm đất, cày cấy. Thế nhưng những năm gần đây đã thành thói quen, thu hoạch xong, bà con lại xắn tay ngay vào trồng ngô đông, tích cực sản xuất để nâng cao thu nhập, quyết không để đất nghỉ.
(HBĐT) - Tuy chưa thoát nghèo nhưng hơn 20 hộ có hoàn cảnh khó khăn được sự trợ giúp từ “Ngân hàng bò” ở huyện Đà Bắc đã có thêm “điểm tựa” để từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Đó là hiệu quả bước đầu mà Dự án “Ngân hàng bò” mang lại - một dự án thiết thực đã được Hội Chữ thập đỏ huyện Đà Bắc triển khai từ năm 2013 đến nay.
(HBĐT) - Ngày 8/11 UBND huyện Lạc Sơn phối hợp với Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình tổ chức hội nghị phát triển vùng nguyên liệu mía đường niên vụ 2017 - 2018.