Hiện nay, xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) đầu tư phát triển 390 lồng nuôi cá, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.
Đồng chí Nguyễn Thể Lực, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, Đảng ủy, UBND xã luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chủ động khai thác điều kiện tự nhiên, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng tiến bộ KH -KT vào sản xuất. Năm 2016, người dân trên địa bàn tập trung trồng các loại ngô, sắn, sả, mía và rau, đậu các loại với gần 70 ha. Nhờ đưa giống ngô mới vào sản xuất, sản lượng đạt 76 tấn. Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi được phát triển theo hướng hàng hóa với tổng đàn lợn 645 con, 142 con dê, 6.554 con gia cầm. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ xóa đói - giảm nghèo, Hội Chữ thập đỏ thành phố, các hộ nghèo được hỗ trợ đầu tư chăn nuôi bò. Năm 2015 có 2 hộ nghèo trên địa bàn được giao bò, đến năm 2016 có 3 con. Sau khi được bàn giao, bò sinh sản phát triển tốt, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nghèo. Tính đến nay, toàn xã đã nâng tổng số đàn trâu, bò lên 151 con.
Đặc biệt, vài năm gần đây, ngoài đánh bắt tôm, cá tự nhiên, nuôi cá lồng đã đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân. Từ vài hộ đầu tư nuôi cá lồng, đến nay, toàn xã đã phát triển được 390 lồng cá. Cùng với nuôi các giống cá rô, trắm cỏ, trắm đen, lăng, năm nay có thêm mô hình nuôi cá tầm của gia đình chị Trần Thị Phượng, xóm Tiểu Khu do Chi cục Thủy sản hỗ trợ đầu tư thử nghiệm, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2016, toàn xã có tổng thu nhập từ khai thác thủy sản đạt trên 900 triệu đồng, năm 2017 dự kiến nâng lên khoảng trên 1 tỷ đồng.
Phát triển lâm nghiệp cũng đem lại thu nhập cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Xã đã giao đất, giao rừng cho nhân dân, nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân, hộ gia đình trong chăm sóc, bảo vệ rừng. Các hộ đầu tư trồng các giống bương, luồng, keo, hàng năm khai thác măng để tăng thu nhập. Để tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, Ngân hàng CSXH thành phố Hòa Bình tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận các nguồn vốn vay. Trung bình mỗi hộ được vay khoảng 30 triệu đồng đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Qua đánh giá, phần lớn các hộ đầu tư đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế. Phát triển thương mại, dịch vụ cũng được xác định là thế mạnh của xã. Trên địa bàn có cảng Bích Hạ, nhiều hộ đã đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ đem lại tổng doanh thu năm 2016 đạt 55 tỷ đồng.
Nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng, đời sống nhân dân xã Thái Thịnh dần ổn định, kinh tế không ngừng phát triển. Năm 2016, thu nhập bình quân của xã đạt trên 34 triệu đồng /người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17 hộ. Năm 2017, xã phấn đấu nâng thu nhập bình quân lên 36 triệu đồng /người, giảm 2 hộ nghèo so với năm 2016.
Linh Trang
(HBĐT) - Nông, lâm trường quốc doanh của tỉnh chủ yếu được hình thành từ những năm 1960, được giao quản lý diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn. Trên địa bàn tỉnh trước đây có 6 nông trường và 8 lâm trường thực hiện giao khoán trên 31.000 ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp và mặt nước nuôi trồng thuỷ sản cho hộ gia đình, cá nhân là công nhân, viên chức đang làm việc, đã nghỉ hưu theo Nghị định số 01/CP năm 1996 của Chính phủ.