Sáng 17-10, chúng tôi có mặt trên những lồng bè nuôi cá lăng, cá diêu hồng được nuôi thả ở lưu vực sông Hồng thuộc xã Hồng Phong (huyện Vũ Thư). Không khí ảm đạm, buồn bã hiện trên khuôn mặt nứt nẻ vì gió sương của những người nông dân quanh năm quần quật mưu sinh.
Ông Phạm Văn Thư, chủ lồng bè nuôi cá cho biết, ông cùng người cháu là Phạm Văn Chiến ở cùng thôn Tương Đông, xã Hồng Phong (huyện Vũ Thư) bán đất đai, vay ngân hàng để phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Hồng từ năm 2015 sau khi đã nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi. Những vụ đầu thu hoạch cho hiệu quả kinh tế trông thấy, họ đã mạnh dạn vay khoảng một tỷ đồng từ Ngân hàng NN-PTNT và Quỹ tín dụng nhân dân xã để mở rộng sản xuất.
Cá lăng, cá diêu hồng chết trắng trong những bè nuôi trên sông Hồng thuộc xã Hồng Phong (Vũ Thư, Thái Bình).
Thế nhưng trong những ngày qua, điều không may ập đến khi Thủy điện Hòa Bình buộc phải xả lũ với lưu lượng lớn xuống hạ lưu đã làm toàn bộ lồng bè nuôi cá giá trị cao chết hàng loạt. Cá diêu hồng mới được thả nuôi từ tháng tư vừa qua với số lượng 65 nghìn con, hiện đã chết sạch. Xót xa nhất, khoảng 3.000 con cá lăng thương phẩm được thả nuôi từ đầu năm 2016 chuẩn bị bán cho thương lái (có trọng lượng từ 4 - 5kg/con), giờ mất trắng do sặc nước chết.
Tổng số cá trong 13 lồng bè bị chết lên tới 78,5 tấn, trong đó có 65 tấn cá diêu hồng, còn lại là cá lăng. Với thời giá hiện tại, xuất tại lồng bè là 50 nghìn đồng/kg cá diêu hồng và 70 nghìn đồng/kg cá lăng thì số tiền thiệt hại của hai hộ dân xã Hồng Phong phải gánh chịu là rất lớn.
Ông Lưu Thế Lực, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: "Với 7km sông Hồng chảy qua địa bàn, tỉnh Thái Bình đã quy hoạch 2km cho địa phương phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông. Những năm qua, hộ ông Thư, ông Chiến đi tiên phong trong đầu tư lồng bè, làm ăn bước đầu có hiệu quả. Giờ đây, khi lũ về đã xóa sổ mô hình phát triển kinh tế mới này. Chúng tôi là lãnh đạo địa phương cũng chỉ biết động viên, chia sẻ khó khăn với họ, chứ xã cũng không có nguồn lực để hỗ trợ cho người dân”.