Tiếp chúng tôi, chị Đào, vợ anh Vượng phấn khởi cho biết: Năm nay nhãn được mùa và giá cả khá tốt. Đầu vụ, giá nhãn bán được trên 30.000 đồng/kg, cuối vụ giảm xuống còn khoảng 20.000 đồng/kg, tính trung bình hơn 20.000 đồng/kg. Nếu biết tính toán đầu tư, chăm sóc tốt, nhãn sai quả, chất lượng cao thì hiệu quả tương đương với trồng cam, bưởi.
Vụ nhãn năm nay gia đình anh Phạm Văn Vượng, xóm Khoang, xã Sơn Thủy (Kim Bôi) thu khoảng 500 triệu đồng.
Xã Sơn Thủy đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa, nhãn Sơn Thủy đang mang lại cơ hội xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ dân nơi đây. Chị Đào kể, cách đây 20 năm, cũng như nhiều gia đình ở xóm Khoang, đời sống của gia đình chị gặp nhiều khó khăn. Diện tích canh tác ít, trồng lúa đủ ăn cũng là may. Người dân cũng thử nghiệm trồng nhiều loại cây trồng song đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh. Gia đình chồng chị ở Hưng Yên. Vì vậy, chị và một vài hộ trong xóm quyết định đưa cây nhãn về trồng thử nghiệm. Tính đến nay, nhà chị đã trồng nhãn được 20 năm. Ban đầu trồng thử nghiệm một vài giống nhãn cho vui, có cây, có quả. Càng ngày, anh chị nhận thấy nhãn Hương Chi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của xã. Gia đình chị đã cải tạo vườn tạp, chuyển đổi một phần diện tích đất lúa sang trồng nhãn. Cùng với đó, anh chị và nhiều hộ trong xóm tích cực học tập kiến thức, quy trình chăm sóc, cắt tỉa, vun trồng cho nhãn đạt năng suất và hiệu quả. Đến nay, gia đình có 1 ha nhãn, tương đương 230 gốc, vụ này, nhãn được mùa, năng suất ở giai đoạn đỉnh cao, thu từ 25-30 tấn, gia đình thu khoảng 500 triệu đồng. Nhiều gia đình trong xóm cũng có nguồn thu ổn định hàng trăm triệu đồng từ trồng nhãn.
Nông dân xã Sơn Thủy từng thử nghiệm nhiều loại cây trồng từ dưa hấu, măng luồng, bí đỏ… Thế nhưng đến nay, nhãn là cây có giá trị cao và hiệu quả nhất. Nhãn Sơn Thủy vỏ mỏng, cùi dày, ngọt dịu, được khách hàng ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An tìm mua. Thu nhập từ trồng nhãn bình quân đạt 200- 300 triệu đồng/ha, nếu đầu tư chăm sóc tốt có thể đạt từ 400- 500 triệu đồng/ha.
Chị Đào cho biết thêm: Xóm Khoang có nhiều nhãn nhất xã Sơn Thủy với khoảng 45 ha, trong đó, chủ yếu là diện tích đã cho thu hoạch. Nhiều gia đình như các anh: Bùi Văn Mến, Bùi Văn Lực, Bùi Văn Linh… đời sống khá giả từ trồng nhãn. Toàn xã đã có 110 ha, trong đó 58 ha cho thu hoạch, tổng sản lượng đạt 700 tấn, doanh thu từ nhãn đạt khoảng 14 tỷ đồng. Từ khi được cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể, bà con rất phấn khởi, có ý thức thực hiện quy trình sản xuất an toàn, xây dựng thương hiệu nhãn Sơn Thủy bền vững.
H.L
(HBĐT) - Tháng 10 là thời điểm Cam Cao Phong bắt đầu vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, sau mấy ngày mưa lớn liên tiếp do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện Cao Phong bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo thống kê, toàn huyện có 123 ha diện tích cây có múi bị ngập úng và gãy đổ. Điều đáng nói, sau mưa lớn, một số vườn cam có hiện tượng vàng quả, nứt quả và rụng hỏng khá lớn. Nhiều hộ trồng cam đứng trước nguy cơ mất trắng vụ cam năm nay.