(HBĐT) - Cuối tháng 11/2017, đất và người Mường Bi chộn rộn trong niềm vui trước sự kiện công bố, đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Bưởi đó Tân Lạc”. Đây là điểm nhấn quan trọng trong lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà huyện Tân Lạc đang theo đuổi với tâm thế và tư duy mới.
Là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông
nghiệp, hơn thế trên 90% dân số của huyện sống bằng nghề nông, bởi vậy, nâng
cao hiệu quả sử dụng đất canh tác trong sản xuất nông nghiệp, chắp cánh cho
nông sản của huyện vươn xa là mối quan tâm chung lớn nhất của cấp ủy, chính
quyền và nhân dân huyện Tân Lạc. Để chủ trương trở thành hành động, những năm
gần đây, BTV Huyện ủy Tân Lạc đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về phát
triển lĩnh vực nông nghiệp như: "Phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh
huyện Tân Lạc giai đoạn 2013 - 2020”; "Đưa cây trồng hàng năm vào diện tích đất
trồng lúa kém hiệu quả huyện Tân Lạc giai đoạn 2014 - 2020”. Thực hiện mục tiêu
các nghị quyết này, đến nay, toàn huyện đã tạo bước phát triển mới trong sản
xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, chuyên canh cao, bền vững và đảm bảo an
ninh lương thực.
Từ nhiều năm nay, nông
dân xã Do Nhân (Tân Lạc) đã đưa mía tím trở thành cây hàng hóa.
Lĩnh vực trồng trọt của huyện dần chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang hình thành các
vùng sản xuất tập trung như trồng rau su su tại các xã vùng cao Quyết Chiến,
Lũng Vân… với tổng diện tích 47,4 ha, giá trị thu nhập đạt bình quân 180 triệu
đồng/ha; mía tím tại các xã vùng thượng,
Phú Vinh, Mỹ Hòa… với thu nhập trên 150 triệu /ha; bí xanh, bí đỏ, dưa hấu tại
các xã vùng dọc đường 12 B đạt giá trị
175 triệu đồng/ha.
Từ khi Nghị quyết của BTV Huyện ủy về "Phát
triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh…” được triển khai đến cơ sở đã tạo luồng sinh khí mới cho sản xuất
nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Bắt nhịp với nghị quyết này, xã Đông Lai đã
xác định chọn bưởi là cây trồng mũi
nhọn. Năm 2014, xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tạo ra
phong trào thi đua sôi nổi trong phát triển sản xuất cây bưởi đỏ, bưởi da xanh.
Theo đó, những vườn cây tạp, đất trống,
đồi trọc dần được thay bằng những cây bưởi trĩu cành.
Chủ tịch UBND xã Đông Lai Bùi Ngọc Châu chia sẻ:
"ở Đông Lai đã có nhiều hộ thoát nghèo
và một vài hộ trở thành triệu phú từ trồng bưởi”. Những điển hình mà Chủ tịch Bùi Ngọc Châu kể đến là hộ
ông Đặng Minh Dung, xóm Tân Lai với trên 100 gốc, mỗi năm gia đình ông thu trên
200 triệu đồng. ông Bùi Văn Trường ở xóm ổ Gà 1 (là hộ nghèo) nhờ trồng 60 gốc
bưởi mà gia đình đã thoát nghèo, sửa sang lại nhà cửa và có vốn để phát triển
kinh tế gia đình.
Thật vậy, nếu tính theo đơn vị diện tích, cây
bưởi cho thu nhập trên 700 triệu đồng/ha. Có Nghị quyết làm tiền đề, hiện một
số xã đã được quy hoạch như: Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê, Ngọc Mỹ, Quy Hậu, Mãn
Đức, Phong Phú đang phát triển nhanh diện tích trồng bưởi. Tính đến năm 2017,
diện tích trồng bưởi toàn huyện đạt 991,8 ha. Từ kết quả sản xuất bưởi đỏ của
huyện Tân Lạc, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án sản xuất bưởi đỏ trên địa bàn tỉnh
giai đoạn 2016-2020, đồng thời công nhận mô hình sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh
của huyện Tân Lạc là mô hình sản xuất tiên tiến để triển khai, nhân rộng trong
toàn tỉnh.
Đồng chí Vũ Quang Hùng, Trưởng Phòng NN&PTNT
huyện Tân Lạc cho biết: Song song với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Tân
Lạc đặc biệt chú trọng ứng dụng KH-KT, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia
đình, kinh tế trang trại, HTX và phong trào liên kết 4 nhà. Nhờ đó nền nông
nghiệp của huyện đang có những bước phát triển vượt trội. 5 năm gần đây, tốc độ
tăng trưởng nông, lâm nghiệp, thủy sản
đạt 8,3%, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp đạt 800 tỷ đồng. Từ một nền
nông nghiệp lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ đã từng bước chuyển đổi theo hướng thâm
canh, chuyên canh cao, bền vững. Cấp ủy, chính quyền và người dân huyện Tân Lạc có chung một phần
việc cụ thể: chắp cánh cho nông sản của huuyện nhà bay xa, không chỉ ở các chợ
đầu mối mà sẽ vào một số siêu thị, để mỗi tấc đất nông nghiệp hôm nay dần trở
thành những tấc "vàng” quý giá.
Lam Nguyệt