(HBĐT) - Sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đang là yêu cầu cấp bách đối với các HTX nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi không chỉ nỗ lực của riêng HTX mà cần nhiều yếu tố hỗ trợ. Theo bộ tiêu chí xã NTM quy định tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất phải đảm bảo 2 nội dung là xã có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX và xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.


Mô hình liên kết chuỗi chưa nhiều

Toàn tỉnh hiện có 90 HTX nông nghiệp đang hoạt động, các HTX chủ yếu cung cấp dịch vụ đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các thành viên, ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH-KT vào sản xuất trong chăn nuôi, trồng trọt, thuỷ sản. Hoạt động của các HTX góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động. Thu nhập bình quân 1 HTX đạt gần 3 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân trên 400 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 3 triệu đồng/tháng. Nhiều HTX nông nghiệp đã từng bước đổi mới mô hình hoạt động theo hướng kinh doanh tổng hợp, sản xuất theo hướng hàng hóa..., tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, nhất là trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi đã khiến đầu ra của sản phẩm bấp bênh. Đã có nhiều HTX sản xuất rau an toàn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm làm ra nhưng cho đến nay vẫn loay hoay tìm đầu ra, nguyên nhân chủ yếu là do rau an toàn chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng về sự tuân thủ quy trình sản xuất, bảo đảm về nguồn gốc, xuất xứ… Vì vậy, số lượng rau này được tiêu thụ quá ít so với năng suất thực tế. Phần lớn rau an toàn tiêu thụ qua thương lái với giá "cào bằng” như các loại rau sản xuất theo truyền thống. Đơn cử như HTX nông nghiệp xã Dân Chủ, TP Hòa Bình phát triển khoảng 3 ha rau an toàn nhưng đầu ra vẫn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm chủ yếu được cung cấp cho tư thương hoặc đem bán ngoài chợ truyền thống…


Một số hộ ở Đội 6, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) được hỗ trợ phát triển sản xuất cây có múi theo chuỗi giá trị.

Theo Liên minh HTX tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện đã có nhiều doanh nghiệp (DN) hợp tác với HTX để tiêu thụ sản phẩm. Những liên kết này rất tốt nhưng chưa nhiều, nguyên nhân là do việc đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều rủi ro nên phần lớn các DN không mặn mà. Bên cạnh đó, nhiều DN chưa đủ mạnh để "đỡ đầu” cho nông dân; chính sách ưu đãi cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn dù đã có nhưng chưa đồng bộ hoặc chưa hấp dẫn để thu hút DN.

Hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Văn Thành cho biết, tỉnh ta có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp, nhất là các loại cây có múi, mía tím, rau an toàn... do đó, nhu cầu liên kết giữa các HTX với nhau, giữa HTX với DN là hết sức cần thiết. Đặc biệt, trong sản xuất theo chuỗi phải có sự gắn kết, DN phải tham gia ngay từ đầu quá trình sản xuất, tổ chức tập huấn KH-KT cho nông dân, giám sát thực hiện các quy trình để cho ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy nguyên được nguồn gốc. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành các mô hình hợp tác, liên kết giữa HTX với các loại hình kinh tế khác như doanh nghiệp, trang trại với các hình thức liên kết đa dạng. Tuy nhiên, các hình thức liên kết, hợp tác này phát triển chậm, thiếu tính bền vững và gặp nhiều khó khăn. Tỷ trọng giá trị sản phẩm được sản xuất, chế biến tiêu thụ qua hợp đồng rất thấp, chỉ từ 5-10%. Các DN chưa quan tâm nhiều đến phát triển liên kết trực tiếp với HTX, làm hạn chế khả năng đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Hiện toàn tỉnh có HTX dịch vụ nông nghiệp Phúc Linh, huyện Cao Phong đang được hỗ trợ tham gia dự án xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm cam Cao Phong của Liên minh HTX Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong Đề án Phát triển kinh tế tập thể tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, nội dung hỗ trợ HTX phát triển theo chuỗi một số giá trị ngành hàng cũng được quan tâm. UBND tỉnh đã giao Liên minh HTX tỉnh phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi.

Trong nguồn vốn sự nghiệp cho xây dựng NTM, năm 2017, tỉnh cũng phân bổ cho UBND các huyện, thành phố 9.030 triệu đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị với mức từ 500 triệu đồng - 1 tỷ đồng/huyện… Trước mắt ưu tiên đầu tư, hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị về sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như chuỗi giá trị sản phẩm cây có múi tại các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thuỷ, Tân Lạc, Lạc Sơn; chuỗi giá trị sản phẩm cá lòng hồ Hoà Bình; chuỗi giá trị sản phẩm gà đồi; chuỗi giá trị sản phẩm mía tím Hoà Bình; chuỗi giá trị sản phẩm rau su su Tân Lạc; chuỗi giá trị sản phẩm rau an toàn, rau hữu cơ.

Tuy nhiên, để việc này thành công không chỉ đơn lẻ ngành nông nghiệp mà cần có sự tham gia của các ngành, các cấp để mô hình lan tỏa. Bởi khi có một vài điểm bị nghẽn sẽ nghẽn luôn cả chuỗi, mà cái chính của sản xuất theo chuỗi là làm sao mang lợi ích cho các tác nhân tham gia.


Đinh Thắng

Các tin khác


Tân Lạc giới thiệu tiềm năng quảng bá du lịch, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại năm 2017

(HBĐT) - Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập huyện và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, ngày 12/12, huyện Tân Lạc đã tổ chức hội nghị giới thiệu tiềm năng, quảng bá du lịch, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại huyện năm 2017. Dự hội nghị có các đồng chí: Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện một số sở, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Cơ hội mới cho bưởi đỏ Tân Lạc vươn xa

(HBĐT) - Cuối tháng 11, niềm vui được nhân đôi với chính quyền và nhân dân Mường Bi khi được mùa bưởi, giữ giá, đồng thời đón nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc”, mở ra cơ hội lớn để giới thiệu, quảng bá, liên kết xây dựng, hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Thành lập 1 HTX và 28 nhóm nông dân sản xuất lâm nghiệp quy mô nhỏ

(HBĐT) - Từ năm 2010 đến nay, chương trình hợp lực (Dự án thêm cây) do tổ chức DDS - Đan Mạch viện trợ đã triển khai hiệu quả tại huyện Cao Phong. Theo đó, tại 5 xã vùng dự án gồm: Xuân Phong, Yên Lập, Tây Phong, Thu Phong, Đông Phong, Dự án đã đào tạo 9 tập huấn viên (giảng viên nông dân). Các tập huấn viên phối hợp với Hội Nông dân các xã mở 28 lớp FFS với 30 học viên/lớp, thời gian mỗi khóa học kéo dài 4 tháng.

Nối dài cánh tay cho doanh nghiệp nông nghiệp

Thông qua các hội chợ kết nối giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, các hội chợ giới thiệu sản phẩm đặc sản vùng miền…, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đã tìm thêm được nhiều đại lý, đối tác, thậm chí mở rộng mặt hàng sản xuất, kinh doanh, ứng dụng thêm được nhiều mô hình công nghệ tiên tiến… Có được điều này là nhờ vai trò của những đơn vị đứng ra kết nối, mà Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Du lịch Hà Nội là một thí dụ.

Thẩm định xã Thanh Lương đạt chuẩn NTM

(HBĐT) - Ngày 8/12, Hội đồng thẩm định và công nhận các xã đạt chuẩn NTM của tỉnh cùng các thành viên đã có buổi làm việc với UBND huyện Lương Sơn thẩm định xã Thanh Lương về đích NTM năm 2017.

Thẩm định xã Tân Vinh đạt chuẩn NTM

(HBĐT) - Ngày 8/12, Hội đồng thẩm định và công nhận các xã đạt chuẩn NTM của tỉnh cùng các thành viên đã có buổi làm việc với UBND huyện Lương Sơn thẩm định xã Tân Vinh về đích NTM năm 2017.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục