(HBĐT) - Mấy ngày gần đây, trời rét đậm kéo dài kèm theo mưa phùn, độ ẩm cao khiến chị Nguyễn Thị Tuyết (tổ 6, phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình) thấp thỏm lo lắng cho diện tích rau vụ đông của gia đình trồng ở ngoài bãi ven sông Đà. Cũng như các hộ trồng rau màu khác trong khu vực, gia đình chị đang tích cực áp dụng các biện pháp chống rét để bảo vệ thành quả lao động của mình.

 


Nông dân xã Đông Bắc (Kim Bôi) đào rãnh dọc các luống nhằm chủ động tưới, tiêu nước, đảm bảo điều kiện sinh trưởng tốt cho diện tích rau vụ đông đặc biệt trong những ngày rét đậm.

 

Nông dân xã Phú Lương (Lạc Sơn) dự trữ thức ăn thô và nuôi nhốt trâu, bò trong những ngày rét đậm, rét hại.

 Chị Tuyết kể: Có mấy sào đất bãi ven sông, vụ đông năm nào gia đình cũng tranh thủ trồng các loại rau ăn lá có thời gian sinh trưởng ngắn và cho thu hoạch đều đặn như cải xanh, cải cúc, cải bắp, rau muống cạn, xà lách... Các loại rau này vốn dễ trồng, dễ chăm sóc, nhưng lại rất mẫn cảm với tình hình thời tiết rét đậm, rét hại kèm theo mưa nhiều, độ ẩm cao, đặc biệt sẽ giảm mạnh năng suất khi trời có sương muối. Trước diễn biến thời tiết khắc nghiệt kéo dài từ đầu tháng 12 đến nay, gia đình chị cũng như các hộ trồng rau màu khác trong khu vực rất lo lắng cho diện tích rau vụ đông vừa gieo trồng từ đầu tháng 11 và chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là có thể thu hoạch. Cùng với nguy cơ sụt giảm năng suất và chất lượng còn là khả năng gia tăng các loại nấm, sâu bệnh gây hại. Chính vì thế, họ đã cùng nhau tích cực thực hiện các biện pháp chống rét và phòng trừ dịch hại để bảo vệ cây trồng.

 Trước hết, vì rau là cây trồng cạn không chịu được ngập úng nên các gia đình nơi đây đã tập trung làm rãnh để thoát nước nhanh, giảm thiểu khả năng mưa kéo dài dẫn đến ngập nước gây thối rễ, chết cây và tạo điều kiện cho nấm bệnh phát sinh, phát triển. Đây cũng là biện pháp "2 trong 1” để đảm bảo chế độ nước tưới thích hợp cho rau bằng cách bơm nước vào rãnh để tự ngấm vào luống. Sau đó, biện pháp tiếp theo là làm sạch cỏ để hạn chế tối đa sự cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng, đồng thời loại bỏ nguồn lây lan của nấm bệnh, côn trùng gây hại. Đặc biệt, biện pháp quan trọng nhất được áp dụng là bón cho cây nhiều kali và thêm phân lân trong các ngày rét đậm, nhằm thúc đẩy hoạt động sinh lý, sinh hóa trong cây, giúp cây tăng khả năng hút nước và dinh dưỡng, từ đó tăng khả năng chống rét một cách hiệu quả. Riêng đối với diện tích sắp cho thu hoạch, trong các ngày có mưa kéo dài hoặc xuất hiện sương muối vào sáng sớm, các hộ gia đình nơi đây đã thận trọng che phủ bằng nilon nhằm hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng của thời tiết.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Đến giữa tháng 12/2017, toàn tỉnh đã gieo trồng trên 3.500 ha rau, đậu thực phẩm và khoảng 2.400 ha ngô vụ đông. Hiện nay, rau đậu đang phát triển thân lá – thu hoạch, ngô đông chính vụ đang xoáy nõn – trỗ cờ. Đây là giai đoạn cây khá mẫn cảm với điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng như các đối tượng sâu bệnh hại. Chính vì thế, để bảo vệ sản xuất, Chi cục TT&BVTV đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường cử cán bộ đi cơ sở để kiểm tra sản xuất, cùng UBND cấp xã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp chống rét cho cây trồng. Trong đó, đối với cây ngô, cần tập trung chăm bón mạnh trong giai đoạn cây có 9 – 10 lá, kết hợp việc tưới nước với bón phân lân để giúp bộ rễ phát triển mạnh, sau đó, bón thúc phân đạm và phân kali nhằm tăng sức đề kháng cho cây. Đối với cây rau, cần tập trung thu hoạch nhanh gọn những diện tích đã đủ độ chín. Trên diện tích chưa thu hoạch, tiếp tục chỉ đạo chăm sóc bón phân đầy đủ, cân đối, tưới tiêu hợp lý để cây phát triển tốt, nếu có điều kiện thì nên kết hợp ủ gốc bằng mùn và các vật liệu giữ ấm và ẩm để tăng khả năng chống rét cho cây.

 Song song với nỗ lực bảo vệ cây trồng trước ảnh hưởng xấu của thời tiết, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đang chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm. Đến thời điểm này, nhiều biện pháp đã được triển khai và bước đầu phát huy hiệu quả, giúp bà con nông dân chủ động hơn khi sắp tới phải đối mặt với các đợt rét đậm, rét hại được dự báo sẽ vô cùng khắc nghiệt và có thể kéo dài đến tận tháng 3 năm sau.

 Nhà ông Bùi Văn Trận (xã Phú Lương, huyện Lạc Sơn) nuôi bò đã gần chục năm nay. Tầm này những năm trước, ông thường thả rông cho bò ăn cỏ ngoài đồng, chuồng trại chỉ che chắn tạm bợ. Nhưng ba năm gần đây, thời tiết khắc nghiệt hơn với những đợt rét đậm, rét hại kèm theo sương muối khiến ông thực sự lo lắng cho sức khoẻ của đàn bò và quyết định làm theo hướng dẫn của cán bộ thú y, che chắn chuồng cẩn thận để tránh gió lùa và giữ ấm, đồng thời đánh cây rơm trước nhà và dự trữ lá mía để làm thức ăn thô cho bò. Với sự chuẩn bị đó, ông Trận hoàn toàn yên tâm nếu sắp tới thời tiết có trở rét đột ngột và kéo dài.

 Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Nếu thực hiện theo đúng các biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh đã được ngành nông nghiệp hướng dẫn, các hộ chăn nuôi có thể yên tâm với sức khoẻ của đàn vật nuôi, bảo toàn được thành quả lao động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Mùa đông năm nay được dự báo sẽ lạnh kỷ lục với liên tiếp các đợt rét đậm, rét sâu. Chính vì thế, bà con nông dân cần tăng cường các biện pháp chống rét bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, trong những ngày rét đậm, rét hại kèm theo mưa phùn, gió bấc, bà con tuyệt đối không cho trâu bò làm việc hoặc chăn thả tự do. Thay vào đó, cần nuôi nhốt có kiểm soát và tăng sức đề kháng cho trâu bò bằng cách bổ sung thức ăn tinh (bột ngô, sắn, cám gạo...), khoáng, vitamin...

Được biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 113 nghìn con trâu, 76 nghìn con bò, 480 nghìn con lợn, 40 nghìn con dê và khoảng 6,2 triệu con gia cầm. Nhìn chung, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đang ổn định. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu tại thời điểm này được ngành chăn nuôi xác định là phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Đến nay, kế hoạch phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nói chung và cho đàn trâu bò nói riêng đã được triển khai sâu rộng đến địa bàn các xã, thị trấn, huy động sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Đội ngũ thú y viên cơ sở đang tích cực bám sát địa bàn, vận động và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp che chắn chuồng trại, đảm bảo điều kiện vệ sinh chuồng trại, dự trữ thức ăn thô, chuẩn bị trấu, mùn cưa hoặc than củi để đốt sưởi giữ ấm cho trâu bò trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Đó là những biện pháp thiết thực sẽ tiếp tục tăng cường thời gian tới nhằm bảo toàn thành quả của ngành chăn nuôi trong vụ đông xuân 2017 – 2018./.

 

                                                                          Thu Trang

 


Các tin khác


Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Huyện Yên Thủy lan tỏa phong trào xây dựng vườn mẫu

Với sự hỗ trợ của huyện và sự vào cuộc của các phòng, ban, ngành, người dân…, thời gian qua, huyện Yên Thủy đã triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Yên Thủy, giai đoạn 2021 - 2025. Huyện tích cực vận động, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, hình thành những mô hình vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Đất thức Kim Bôi

Chúng tôi cảm nhận rõ nét sự thay đổi trong tư duy, nhận thức, cách làm, trong diện mạo vùng đất Kim Bôi thời điểm cán bộ và nhân dân nỗ lực thi đua lập thành tích chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày Quốc tế Lao động. Cấp ủy, chính quyền đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, tập trung chỉ đạo những nhiệm vụ chính trị, trọng tâm đột phá. Kim Bôi đã định hình được hướng phát triển, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ các dự án đầu tư vào lĩnh vực đô thị, du lịch, dịch vụ, khai thác tiềm năng nguồn nước khoáng, cảnh quan thiên nhiên.

Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục