Được sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, nhân dân các xã vùng cao huyện Tân Lạc phát triển sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. ảnh: Người dân các xã vùng cao huyện Tân Lạc giới thiệu sản phẩm nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tỉnh ta đang tập trung triển khai nguồn vốn Chương trình 135 năm 2017 với số vốn được giao 153 tỷ đồng, đã thực hiện được 90% kế hoạch. Các nội dung về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, duy tu, bảo dưỡng công trình, nâng cao năng lực cán bộ cơ sở được triển khai hiệu quả.
Đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ giống vốn, chuyển giao KH-KT, mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy sản xuất vùng đồng bào dân tộc. Năm 2017, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 với tổng kinh phí được phê duyệt 1,2 tỷ đồng cũng đang được triển khai. Tỉnh đã thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số với việc tổ chức cấp, phát Báo Hòa Bình, Báo Dân tộc phát triển cho 1.667 người có uy tín và nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người có uy tín trên địa bàn. Tỉnh cũng phân bổ 14 tỷ đồng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg…
Thông qua thực hiện các chính sách dân tộc trên cơ sở lồng ghép hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác đã giúp đồng bào dân tộc phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc.
Cùng với đó, tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giúp đỡ các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn với nhiều hoạt động thiết thực như xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, bảo đảm QP-AN, triển khai nhiều hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đã có hàng nghìn lượt hộ đồng bào dân tộc được tập huấn các kiến thức quản lý, tổ chức trồng trọt, chăn nuôi để phát triển sản xuất. Qua đó năng lực của cán bộ các xã khó khăn được nâng lên, người dân được tiếp thu các kiến thức góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đạt hiệu quả hơn.
Trong những năm gần đây, đã có 52,6% xã được giao làm chủ đầu tư công trình hạ tầng. Cơ bản các xã được giao làm chủ đầu tư nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. 100% xã được giao làm chủ đầu tư nguồn vốn bảo dưỡng, duy tu công trình 135.
Giai đoạn 2014 - 2017, toàn tỉnh có 6 xã và 4 thôn, bản hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Trong đó năm 2015 có 2 xóm: Đồng Bưởi (xã Trường Sơn, huyện Lương Sơn) và xóm Bục (xã Tử Nê, huyện Tân Lạc). Năm 2016, có 2 xóm hoàn thành Chương trình 135 là: Dối, Bình Tiến (xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn); và 6 xã gồm: Yên Hòa, huyện Đà Bắc; Phúc Sạn, Pà Cò, huyện Mai Châu; An Bình, Yên Bồng, huyện Lạc Thủy; Hợp Châu, huyện Lương Sơn. Tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực thiện tốt các chính sách dân tộc lồng ghép với chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân, giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của đồng bào dân tộc trong công cuộc phát triển KT-XH địa phương.