(HBĐT) - "Cam là "cây nhà giàu”. Người ta khuyên hai vợ chồng tôi khi đó nghèo cả về vốn lẫn về sức, thậm chí còn chẳng hiểu gì về khoa học kỹ thuật thì tuyệt đối không nên trồng cam...”. Nhớ lại thời điểm này hơn 10 năm về trước, cả vùng bạt ngàn vải thiều, riêng chỉ có khu vườn của vợ chồng anh Lê Minh Quy (thôn 2C - xã Cố Nghĩa) chuyển sang trồng cam. Đó là hộ đầu tiên của thôn 2C mạnh dạn thử sức với cây cam trên đất Lạc Thủy.


Anh Lê Minh Quy luôn chú trọng đầu tư thâm canh để giữ gìn và nâng cao chất lượng sản phẩm cam Lạc Thủy.

Thực ra, Cố Nghĩa vốn được coi là "cái nôi” trồng cam của huyện Lạc Thủy cùng với các xã thuộc thị trấn nông trường Sông Bôi (cũ) là Đồng Tâm, Lạc Long, Liên Hòa, Phú Lão, Phú Thành và Hưng Thi. Tại đây, từ những năm 1970, cây cam đã phủ xanh hàng ngàn ha đất màu mỡ, mang lại nguồn sống dồi dào cho hàng trăm hộ công nhân nông trường. Tuy nhiên sau đó, thị trấn nông trường Sông Bôi đã giải thể vào tháng 8/1999 và vì nhiều nguyên nhân khác, diện tích cam bị thu hẹp dần, đánh mất đi vị thế cây chủ lực ở Cố Nghĩa nói riêng và trên đất Lạc Thủy nói chung.

Là người con của đất Lạc Thủy, bố mẹ lại là công nhân nông trường Sông Bôi nên bản thân anh Lê Minh Quy biết rất rõ những thăng trầm của cây cam trên đồng đất quê hương và hiểu rằng chẳng dễ dàng gì để mưu sinh bằng nghề nông ở nơi thân thương nhưng đầy gian khó này. Đến năm 18 tuổi, sức trẻ và hoài bão cuốn anh đi xa, anh quyết chí vào Nam lập nghiệp. Sau gần 30 năm bươn ba đủ nghề nơi đất khách quê người, vợ chồng anh tích lũy được chút vốn và quyết định trở về quê hương với mong ước giản dị: Mua mảnh vườn nhỏ để đào ao, thả cá rồi an yên tận hưởng một cuộc sống thanh bình, không nặng nề vật chất.

Đó là thời điểm cuối năm 2006. Về quê đúng như dự định, vợ chồng anh Quy mua được mảnh đất gần 1, 5 ha là đất trồng vải lâu năm. Nhanh chóng từ bỏ ý định sống an nhàn, hưởng thụ kiểu "vườn cây, ao cá” tự cung, tự cấp, vợ chồng anh vào cuộc ngay với kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp, phấn khởi bắt kịp xu thế chung của cả huyện Lạc Thủy khi đó là "nhà nhà trồng vải thiều”.

"Khi đự, cả vùng này bạt ngàn vải thiều. Đến mùa thu hoạch, đất đỏ hỏn màu đặc trưng của quả vải chín. Nhìn đâu cũng thấy quả vải chín đỏ mọng, tròn căng” – vợ anh Quy nhớ lại. Hình ảnh đó ám ảnh chị đến tận bây giờ. Bởi đó là cú sốc đầu tiên của hai vợ chồng khi trở về quê hương làm kinh tế. Giữa năm 2007, vào vụ thu hoạch, vải được mùa chín nặng trĩu trên cành nhưng cũng như nhiều hộ trồng vải khác trong huyện, vợ chồng anh Quy khóc đỏ mắt vì vải ế, không bán gỡ nổi một đồng vốn đầu tư.

"Vạn sự khởi đầu nan”, hai vợ chồng động viên nhau như vậy rồi kiên quyết dọn sạch vườn vải để làm đất trồng loại cây khác. Tính thử sức với cây cam, anh Quy tham khảo ý kiến nhiều người và đều nhận được những cái lắc đầu ngăn cản. "Cam là "cây nhà giàu”. Người ta khuyên hai vợ chồng tôi khi đó nghèo cả về vốn lẫn về sức, thậm chí còn chẳng hiểu gì về khoa học, kỹ thuật, tuyệt đối không nên trồng cam...”.

ông Bùi Ngọc Sơn, khuyến nông viên xã Cố Nghĩa xác nhận: Trồng cam đòi hỏi rất cao về vốn đầu tư, các điều kiện chăm sóc và vấn đề mấu chốt là phải có trình độ khoa học, kỹ thuật. Vì vậy, trong một thời gian dài, người dân xã Cố Nghĩa chưa dám mạnh dạn thử sức với loại cây khó tính này mặc dù nơi đây chính là "cái nôi” trồng cam của cả huyện Lạc Thủy. Phải đến chục năm trở lại đây, tình hình mới bắt đầu thay đổi, xã có những hộ tiên phong trồng cam. Trong đó, tại thôn 2C, gia đình anh Lê Minh Quy là hộ tiên phong thử sức với cây cam và đã thành công với mô hình này, trở thành hộ kinh tế tiêu biểu của cả xã.

Quyết tâm khởi nghiệp với "cây nhà giàu”, anh Lê Minh Quy bắt đầu trồng cam từ đầu năm 2008. Thời điểm đó, thôn 2C chưa có hộ nào trồng cam, nhìn ra cả xã có lác đác vài hộ. Vì ít vốn nên hai vợ chồng bàn nhau trồng thử 5 sào cam, 5 sào nhãn, còn lại trồng một số loại cây ngắn ngày phục vụ chăn nuôi, thực hiện mô hình kinh tế trang trại tổng hợp để "lấy ngắn nuôi dài” chứ không đổ dồn vào cây cam như đã làm với cây vải trước đó. Với cây cam, vợ chồng anh chưa hề có kinh nghiệm thực tế, kiến thức về khoa học, kỹ thuật cũng không, thế nên phải vừa làm, vừa học hỏi qua nhiều kênh: ti vi, đài, báo, sách tham khảo, đi thực tế tại các vùng trồng cam...

Càng làm càng "vỡ” ra được nhiều điều. Anh Quy cho biết: Do cam là cây trồng khó tính, rất nhạy cảm với thời tiết và sâu bệnh nên gia đình anh chú trọng đầu tư. Do chịu khó đầu tư phân bón cùng với kiến thức về khoa học, kỹ thuật trong chăm sóc và bảo vệ nên vài năm gần đây, diện tích cam của gia đình phát triển tốt, chất lượng quả cao. Với 3 giống chủ lực là V2, Vinh lòng vàng và đường Canh, thời vụ thu hoạch có thể kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau. Trong đó, cam Đường Canh và cam Vinh có ưu điểm nổi bật là vỏ mỏng, nhiều nước, ít hạt, tỷ lệ xơ thấp và có vị ngọt đậm, thơm, rất được thị trường ưa chuộng. Hiện, vườn cam của gia đình anh Quy đã mở rộng diện tích gần 4 ha, trong đó 2 ha kỳ kinh doanh cho thu nhập ổn định khoảng 600 triệu đồng /niên vụ.

Chưa hài lòng với thành quả của mình, anh Quy dự kiến thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho cây cam bằng cách mở rộng diện tích gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm. Sau 10 năm bền bỉ gắn bó với cây cam, đến nay, anh đã nắm chắc bí quyết để cho ra đời những quả cam ngọt lành, tươi mát, góp phần củng cố thêm sức mạnh của thương hiệu nông sản đầy tự hào mang tên: Cam Lạc Thủy.

Thu Trang

Các tin khác


Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương 2021 - 2025

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 312/QĐ-TTg về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Tháo gỡ vướng mắc đường liên kết vùng

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Hiệu quả từ tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện

Sử dụng tiết kiệm điện đem lại lợi ích "kép”, giúp giảm áp lực cấp điện trong bối cảnh cung cấp điện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giúp chúng ta giảm chi phí sử dụng điện, nhất là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Giá vàng sáng 19/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1 - 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 74,7 -76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Xã Đồng Ruộng tìm hướng thoát nghèo từ nuôi dê

Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục