CCB Bùi Văn Bình, xã Phong Phú (Tân Lạc) - người tiên phong nuôi cá lồng ở hồ Trọng, tìm ra hướng thoát nghèo bền vững.
Qua quá trình tìm hiểu, CCB Trần Quốc Tuấn quyết định cất công vào Hương Sơn (Hà Tĩnh) tham quan mô hình nuôi hươu sao thành công để học hõi kỹ thuật và mua giống về nuôi thử. Do hươu sao là động vật hoang dã nên yêu cầu về chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát phải đặt lên hàng đầu. Để tiện cho việc giữ gìn vệ sinh, ông Tuấn đầu tư láng nền xi măng và hệ thống thoát nước, chất thải rất khoa học. Hươu đực nuôi hơn một năm sẽ nhú nhung và bắt đầu khai thác được, mỗi năm cắt 1 - 2 lần. Còn hươu cái sau 2 năm bắt đầu sinh sản, mỗi năm đẻ một lứa, mỗi lứa một con, tuổi thọ trung bình của hươu sao là 15 - 20 năm. Hiện nay, mỗi con hươu sao trưởng thành cho từ 0,5 - 1kg nhung/năm, với giá trung bình hơn 20 triệu đồng /kg, mỗi năm gia đình ông Tuấn thu về trên 100 triệu đồng.
ông Tuấn cho biết: Mô hình nuôi hươu sao lấy nhung tuy phải đầu tư vốn lớn nhưng với ưu điểm là sức đề kháng cao, chuồng trại đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cho hươu khá phong phú, có thể tận dụng các loại cỏ, lá cây của địa phương như: xoan, sung, vả… Vì vậy có thể nói, mô hình nuôi hươu sao lấy nhung khá phù hợp để phát triển tại Lạc Sơn. Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ về mô hình với hội viên, nhân dân có chung niềm đam mê với mô hình.
Đầu năm 2016, CCB Bùi Văn Bình đầu tư làm 10 lồng cá theo phương pháp lồng lưới và trở thành người tiên phong nuôi cá lồng ở hồ Trọng (xã Phong Phú, Tân Lạc). Sau 2 năm thực hiện, đến nay, ông Bình vẫn tập trung phát triển các loại cá nước ngọt như: trắm cỏ, trắm đen, rô phi, mè… Với nguồn thức ăn gồm bột, cám ngô, gạo, bột đậu tự chế biến, giúp gia đình ông vừa chủ động trong chăn nuôi, lại tạo ra sản phẩm cá sạch, được khách hàng gần xa ưa chuộng và tin cậy.
Nói về những khó khăn từ những ngày đầu bắt tay thực hiện mô hình, CCB Bùi Văn Bình cho biết: Khi đó, do thiếu kinh nghiệm nên có vụ, cá nhiễm bệnh chết hàng loạt. Gia đình không có vốn nên quy mô sản xuất lúc đầu cũng manh mún, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao… Song quá trình trưởng thành trong quân ngũ đã tôi luyện cho CCB chúng tôi lòng quyết tâm dù ở hoàn cảnh nào, khó khăn đến mấy cũng phấn đấu vượt qua.
Bằng tinh thần ấy, CCB Bùi Văn Bình đã tích cực học hỏi từ những mô hình nuôi cá hiệu quả có các điều kiện tự nhiên tương đồng với môi trường ở hồ Trọng, tham gia các lớp tập huấn kiến thức về nuôi thủy sản… đồng thời, thực hành tiết kiệm để có thêm vốn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình ông Bình xuất ra thị trường 2 lứa cá, trừ chi phí, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. ông chia sẻ: Để duy trì và phát triển số lượng lồng cá trong tương lai, gia đình tôi còn nhiều việc để làm. Tuy nhiên, tôi luôn kiên định với mục tiêu: tạo ra sản phẩm cá hoàn toàn sạch cung cấp cho thị trường.
Mỗi người một cách nghĩ, cách làm khác nhau song ở những CCB tiêu biểu trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo có chung tinh thần kiên định, vượt khó. Đồng chí Tạ Phương Đông, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 55 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 9 HTX do CCB làm chủ, giải quyết việc làm cho 1.300 CCB. Họ là những tấm gương về ý chí vươn lên của những người lính thời bình, không cam chịu đói nghèo, quyết làm giàu, xứng đáng là bộ đội Cụ Hồ thời kỳ đổi mới.
Hải Yến