Đổi thay từ xã thuần nông
Ân Nghĩa có 21 xóm, khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã gặp không ít khó khăn như: xuất phát điểm thấp, những mô hình kinh tế hiệu quả chưa có, cơ sở vật chất hạ tầng còn thiếu, đời sống kinh tế của nhân dân khó khăn, nguồn vốn đầu tư thực hiện các tiêu chí ít, chưa tương ứng với các hạng mục cần đầu tư, nội lực của nhân dân hạn chế. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của người dân, đến năm 2017, ân Nghĩa đã đạt chuẩn NTM.
Chủ tịch UBND xã ân Nghĩa Bùi Văn Đan cho biết: "Xã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai hiệu quả chương trình NTM. Sau một thời gian, người dân đã hiểu và đồng lòng thực hiện. Cùng với đó, xã luôn xác định những công việc trọng tâm, phù hợp để thực hiện trước”.
Người dân xóm Vổ, xã ân Nghĩa (Lạc Sơn) đầu tư trồng cây có múi cho thu nhập khá.
Có thể nói, từ khi thực hiện xây dựng NTM đến nay, bộ mặt nông thôn ở ân Nghĩa đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân được nâng lên. Bên cạnh đó, xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi các loại cây trồng kinh tế thấp sang trồng các loại cây có múi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2013 đến nay, toàn xã trồng được 48,42 ha cam, chanh, bưởi, tập trung chủ yếu ở xóm Búm 19,85 ha; xóm Vổ 5,05 ha; xóm Đội 5 là 15,9 ha. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 26 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 10%. Giai đoạn 2011-2017, xã ân Nghĩa đã huy động nguồn lực trên 91 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong đó ngân sách xã và nhân dân đóng góp gần 23 tỷ đồng, chiếm 25,1%.
Huy động các nguồn lực
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn Nguyễn Huy Nhuận, để phong trào xây dựng NTM đi vào nền nếp, huyện đã triển khai cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung triển khai bằng những việc làm cụ thể.
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, các tầng lớp nhân dân trong huyện ngày càng hiểu rõ hơn về xây dựng NTM và tích cực tham gia. Tổng vốn huy động lồng ghép năm 2017 đạt 168.205 triệu đồng. Trong đó, vốn trực tiếp từ Chương trình MTQG NTM 23.885 triệu đồng; nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung tỉnh, huyện 51.611 triệu đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình khác 31.230 triệu đồng; vốn vay tín dụng 44.463 triệu đồng; nguồn vốn từ nhân dân đóng góp 17.016 triệu đồng. Nhờ vậy, hệ thống hạ tầng nông thôn được đầu tư cơ bản phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Cùng với đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM, huyện Lạc Sơn tập trung triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị với trọng tâm là phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương. Huyện vận động các xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích đất lúa chuyển sang trồng các loại cây khác 373,48 ha. Diện tích cây có múi hiện có 551,2 ha… Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn, tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM ở Lạc Sơn còn thấp, nguyên nhân là do nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện các tiêu chí theo kế hoạch đề ra lớn, nhưng vốn từ ngân sách phân bổ còn hạn chế và chưa kịp thời nên ảnh hưởng tiến độ triển khai thực hiện các tiêu chí. Chưa có nhiều mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, chưa huy động được nhiều vốn doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn...
Để khắc phục những hạn chế này, thời gian tới, huyện đẩy mạnh thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai chương trình; vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách, lồng ghép, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách; huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để thực hiện tốt việc xây dựng NTM trên địa bàn. Tổ chức lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với mô hình chuỗi liên kết sản phẩm, liên kết với các hộ gia đình, trang trại, gia trại, HTX, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Năm 2018, huyện dự kiến nguồn lực để thực hiện chương trình xây dựng NTM khoảng 77 tỷ đồng và đặt mục tiêu đưa xã Yên Nghiệp về đích NTM.
Đinh Thắng