Dự án Kfw7 được triển khai góp phần phát triển và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. ảnh: Rừng trồng theo dự án trên địa bàn xã Mỹ Thành (Lạc Sơn).
Lạc Sơn là 1 trong 5 địa phương được lựa chọn thực hiện dự án Kfw7. Huyện Lạc Sơn đã tập trung triển khai có hiệu quả công tác trồng rừng, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Nhiệm vụ của dự án là hỗ trợ trồng rừng quy mô nhỏ hộ gia đình trên những vùng đất trống và đất rừng cằn cỗi. Mục tiêu chính là đưa đất rừng sản xuất chưa được sử dụng hợp lý vào quản lý có hiệu quả hơn để sản xuất gỗ bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và các hộ gia đình; duy trì đa dạng sinh học; cải thiện bảo tồn đa dạng sinh học của các khu rừng đặc dụng. Huyện Lạc Sơn có 5 xã được tham gia dự án gồm: Bình Hẻm, Quý Hòa, Miền Đồi, Mỹ Thành và Văn Nghĩa với diện tích 3.945 ha. Dự án đã góp phần đáng kể trong việc bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng dự án. Đặc biệt, thông qua dự án, cuộc sống của nhiều hộ đã thoát nghèo, từng bước vươn lên, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.
Dự án Kfw7 được triển khai trên địa bàn hai tỉnh Hòa Bình, Sơn La. Mục tiêu dài hạn của dự án nhằm góp phần khôi phục hệ sinh thái vùng rừng đầu nguồn, bảo vệ hệ thống tưới tiêu, sử dụng bền vững tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Tạo mô hình giúp các chương trình lâm nghiệp quốc gia thực hiện trong vùng nâng cao hiệu quả, đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, mục tiêu cụ thể tại tỉnh ta: trồng rừng, tái sinh tự nhiên và quản lý, bảo vệ trên 4.500 ha rừng, trong đó 2.600 ha rừng trồng mới và 1.900 ha khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng tự nhiên; thực hiện quản lý rừng cộng đồng 2.844 ha/17 cộng đồng dân cư thôn; quản lý rừng trên cơ sở cộng đồng dân cư; phát triển cộng đồng; bảo tồn đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, huyện Kim Bôi.
Theo báo cáo đánh giá kết thúc dự án cho thấy: Dự án đã thiết lập rừng, trồng rừng, tái sinh tự nhiên và quản lý, bảo vệ rừng trên 5.200 ha/4.500 ha, đạt 115% kế hoạch. Thực hiện quản lý rừng trên cơ sở cộng đồng trên 2.100 ha/2.800 ha, đạt 75% kế hoạch về diện tích và 17/17 mô hình, đạt 100% kế hoạch. Hai mục tiêu về phát triển cộng đồng và bảo tồn đa dạng sinh học đều đạt 100% kế hoạch.
Về các hợp phần đầu ra đã hoàn thành 20 phương án quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp thôn bản có sự tham gia cho 20 xã, được UBND các huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn và TP Hòa Bình phê duyệt với tổng diện tích trên 12.000 ha. Đã hoàn thành điều tra lập địa vùng quy hoạch dành cho dự án ở 20 xã thuộc 5 huyện, thành phố với diện tích trên 8.100 ha. Thực hiện cấp 710 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, hộ gia đình thực hiện dự án. Thiết lập 81 vườn ươm cây giống tại các vùng dự án. Mở 3.172 tài khoản tiền gửi cho các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn tại ngân hàng với số tiền gốc ban đầu trên 25 tỷ đồng...
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Dự án đã góp phần tích cực vào việc tăng độ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 51%, là cơ sở nền móng hình thành vùng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, phù hợp với quy hoạch vùng sản xuất, kinh doanh rừng gỗ lớn. Nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương và nhân dân về lâm nghiệp. Dự án đã hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, trang thiết bị sinh hoạt văn hóa, công trình nước sạch, đường giao thông nông thôn, đặc biệt tạo việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận nhân dân trong vùng dự án, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đồng thời, dự án đã hỗ trợ các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn tiền công trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; thông qua tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng NN&PTNT huyện. Đây là hình thức giao dịch tài chính minh bạch ưu việt khác biệt so với các dự án khác, tạo tiền đề cho các chương trình, dự án nhân rộng áp dụng. Dự án đã triển khai các khóa tập huấn nâng cao năng lực quản lý dự án, chuyển giao kỹ thuật lâm sinh, gieo ươm cây giống lâm nghiệp cho cán bộ và người dân, góp phần nâng cao năng lực, xã hội hóa nghề rừng, tạo thêm nguồn nhân lực có chất lượng tốt về chuyên môn cho địa phương vùng dự án.
Đinh Thắng