Tiếp chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Phúc, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Thượng Bì phấn khởi chia sẻ: Trước kia, cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả lắm, tỷ lệ nghèo đói chiếm tới 70- 80%. Đường giao thông, chỉ là đường mòn. Cán bộ muốn đi họp dưới huyện phải chèo đèo, lội suối mất cả nửa ngày đường. Năm 1999, xã Thượng Bì được tái lập. Từ năm 2010 đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được giao lưu hàng hóa, phát triển KT-XH. Hiện nay, xã có 662 hộ, 2.923 nhân khẩu. Sau gần 20 năm tái lập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KHKT, đưa các giống mới cho thu nhập cao vào sản xuất. Năm 2017, thu nhập bình quân của xã đạt 14,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 22,12%. Chia sẻ về phong tục đón Tết Độc lập, đồng chí Bùi Văn Phúc cho biết: Đây là truyền thống đã được người Mường nơi đây duy trì kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến ngày nay. Những người con dù đi làm ăn, lập gia đình ở nơi xa cũng về quê để chung vui Tết Độc lập. Bên cạnh việc tổ chức các nghi lễ truyền thống, nhà nào cũng chuẩn bị 1 mâm cơm, làm bánh uôi, bánh chưng ống, bánh trôi để cúng tổ tiên. Các thôn, xóm đều rộn ràng trong tiếng hát, lời ca và tiếng chiêng, tiếng cồng. Ngày nay, đời sống kinh tế ngày càng phát triển, người dân có điều kiện chăm lo đời sống tinh thần nhiều hơn vì thế ngày Tết Độc lập càng trở nên có ý nghĩa.
Người dân huyện Kim Bôi tích cực chuyển đổi cơ cấu câu trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập. Ảnh: Cán bộ xã Thượng Bì thăm mô hình trồng cây mít Thái cho thu nhập cao của người dân xóm Bơ Bờ.
Không chỉ ở xã Thượng Bì, những ngày này, người dân các xã, thị trấn đang khẩn trương thu xếp việc đồng áng, sản xuất - kinh doanh để vui Tết Độc lập. Trên mọi nẻo đường đều treo băng rôn, khẩu hiệu, nhà nhà treo cờ Tổ quốc hân hoan đón Tết. Để chào mừng Tết Độc lập, nhiều xóm, xã sôi nổi tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao chào mừng. Lời ca, tiếng hát vang vọng thôn, xóm. Các môn thể thao dân tộc như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn thu hút đông đảo người dân đến xem cổ vũ. Người dân Mường Động duy trì tổ chức ngày Tết Độc lập để răn dạy con cháu mình về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, nhớ công ơn của Đảng, của Bác Hồ kính yêu đã cho người dân có cuộc sống vui tươi, hạnh phúc như ngày hôm nay. Phát huy truyền thống anh hùng, cuộc sống của người dân Mường Động đã có bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ. Hiện nay, huyện đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Đề án: tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất rau an toàn, cải tạo vườn tạp, trồng cỏ vỗ béo đàn bò. Qua đó, nhiều vùng sản xuất chuyên canh đã được hình thành như vùng trồng cây ăn quả có múi trên 1.000 ha tập trung tại các xã Kim Sơn, Tú Sơn, Vĩnh Tiến, Bình Sơn, Mỵ Hòa... Vùng trồng nhãn 230 ha tập trung tại xã Sơn Thủy, Bắc Sơn, Thượng Bì. Vùng sản xuất hạt giống bí đỏ, mướp đắng, mướp khía gần 200 ha tại các xã Đú Sáng, Tú Sơn, Sơn Thủy, Thượng Bì, Hợp Đồng, Thượng Tiến, Đông Bắc, Vĩnh Đồng, Bắc Sơn. Vùng dưa các loại tại xã Nam Thượng, Sào Báy, Hạ Bì, Trung Bì, Hợp Kim… Thương hiệu nông sản cũng được huyện quan tâm, chú trọng xây dựng, đã có sản phẩm nhãn hiệu tập thể "Nhãn Sơn Thủy”, cam, bưởi, rau an toàn. Chăn nuôi cũng phát triển theo hướng hàng hóa, hiện, toàn huyện có 5 trang trại chăn nuôi lợn với quy mô trên dưới 1.000 con, hơn 100 gia trại và nhiều mô hình gà, cá với quy mô lớn. Cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện nay, sản xuất nông- lâm nghiệp chiếm 30,3%, TTCN - xây dựng chiếm 17,2%, dịch vụ chiếm 52,25%. Bình quân thu nhập đạt trên 21 triệu đồng/người/năm. Đến hết năm 2017, toàn huyện đã có 5 xã Kim Bình, Trung Bì, Nam Thượng, Bắc Sơn, Hợp Kim đạt chuẩn NTM, năm 2018, xã Hạ Bì phấn đấu về đích NTM. Giờ đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Mường Động đã có nhiều khởi sắc. Cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực không ngừng xây dựng quê hương Mường Động ngày càng giàu đẹp.
P.V