Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho rằng, cần đánh giá hậu dự án đối với các dự án đã hoàn thành và đang thực hiện để cải thiện hiệu quả sử dụng ODA.

Trong nhiều năm qua, nguồn vốn ODA đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế sử dụng nguồn vốn ODA đã phát sinh nhiều bất cập và việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn này vẫn là một bài toán khó.

Ông Konaka Tetsuo, Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.VN xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết về hiệu quả và tác động của vốn ODA đối với Việt Nam?

Ông Konaka Tetsuo: Nhật Bản nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam vào năm 1992. Kể từ đó, ODA của Nhật Bản dần thay đổi theo thời gian nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Từ năm 2010, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam theo đuổi mục tiêu trở thành "nước công nghiệp hiện đại” thông qua các hoạt động thuộc ba trụ cột: (1) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế (2), Hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương, (3) Tăng cường quản trị.
can danh gia hau du an de cai thien hieu qua su dung oda hinh 1
Ông Konaka Tetsuo - Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam (Ảnh: Kuno/JICA)
Cho đến nay, Nhật Bản đã hỗ trợ ODA cho Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau, như vốn vay, hợp tác kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại… Trong những năm gần đây, tỷ trọng ODA của Nhật Bản trên tổng ODA Việt Nam được hỗ trợ đã vượt mức 30%, và Việt Nam trở thành một trong những nước tiếp nhận ODA Nhật Bản lớn nhất trên thế giới.

Về khía cạnh chất lượng của hoạt động hỗ trợ ODA, khảo sát đánh giá toàn diện các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam trong giai đoạn 2003-2016 chỉ ra rằng, 95% tổng số dự án được đánh giá là 'A' (Đạt yêu cầu cao) hoặc 'B' (đạt yêu cầu), cho thấy hiệu quả cao trong thực hiện các dự án đơn lẻ, ngoại trừ điểm tồn tại là thời gian hoàn thành kéo dài và chi phí tăng. Đáng chú ý là 90% các dự án đã đạt được mục tiêu ban đầu và tác động tích cực về mặt phát triển, đồng thời, tính bền vững cũng được đảm bảo trong nhiều dự án, trong đó có hoạt động chuyển giao công nghệ, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

PV: Theo ông, đâu là những hạn chế, bất cập trong quản lý và giải ngân vốn ODA cần phải khắc phục trong thời gian tới?

Ông Konaka Tetsuo: Trong những năm gần đây, chúng tôi ghi nhận những nỗ lực đáng kể của Chính phủ Việt Nam trong quản lý nợ công. Tỷ lệ nợ công trên GDP đã được kiểm soát trong phạm vi giới hạn (65%) mà Quốc hội đã phê duyệt. Thực tế, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 60% trong thời gian gần đây sau khi đạt đỉnh là 63,6% vào năm 2016.

JICA tôn trọng sự cẩn trọng của Chính phủ Việt Nam trong việc cân nhắc các thể chế phù hợp để cân bằng giữa huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội và an ninh tài chính của đất nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án ODA đang phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng do việc quản lý chặt chẽ hoạt động phân bổ ngân sách và quá trình phê duyệt tái phân bổ kéo dài. Khi một dự án gặp tình trạng thiếu ngân sách, việc thanh toán chậm trễ cho các nhà thầu dẫn đến tiến độ bị chậm lại một cách tất yếu.

can danh gia hau du an de cai thien hieu qua su dung oda hinh 2
Cầu Nhật Tân (Hà Nội) được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản.(Ảnh: Kuno/JICA)

 

Điều này cũng dẫn đến tình trạng 'kém hiệu quả' trong việc sử dụng vốn vay ODA: tỉ lệ giải ngân vốn sẵn có thấp; chi phí dự án tăng do tiến độ kéo dài; và trì hoãn các tác động của dự án tới người dân. Hơn nữa, các nhà thầu nước ngoài tham gia vào các dự án ODA là những ứng viên trong tương lai cho đầu tư tư nhân nên cần lưu ý rằng những kinh nghiệm tích cực mà họ có được trong triển khai các dự án ODA sẽ thúc đẩy khả năng mở rộng hoạt động của họ tại Việt Nam trong trung và dài hạn.

Từ các điểm trên, chúng tôi xin nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận linh hoạt hơn trong việc quản lý các khoản vay ODA nhằm tạo các tác động tích cực đối với phát triển kinh tế xã hội trong cả ngắn và trung hạn.

PV: Trên thực tế, có một số dự án sử dụng vốn ODA tại Việt Nam bị kéo dài, chậm tiến độ và đội vốn. Vậy, theo đánh giá của ông, trách nhiệm thuộc về ai? Làm sao có thể giải quyết được vấn đề này?

Ông Konaka Tetsuo: Về điều kiện vay ODA, trong đó có lãi suất, chúng tôi không ở vị trí để bình luận về điều kiện vay của các nhà tài trợ khác nhưng chúng tôi có thể khẳng định rằng vốn vay ODA của Nhật Bản vẫn được hưởng lãi suất rất thấp và thời gian trả nợ dài hơn, thậm chí so với các nhà tài trợ ODA khác.

Về mặt triển khai thực hiện, từ kinh nghiệm thực tế chúng tôi thấy rằng, các dự án thường bị chậm trễ nghiêm trọng khi gặp phải các vấn đề về đền bù và giải phóng mặt bằng, các vấn đề trong đấu thầu và các thủ tục phê duyệt của Chính phủ... Gần đây, việc thiếu hụt ngân sách cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc ngân sách nhà nước cũng đã làm chậm hoặc cản trở việc thực hiện nhiều dự án.

Do đó, cần phải cải thiện độ chính xác của các dự kiến giải ngân, nâng cao hiệu quả công tác hành chính, cải thiện tính linh hoạt/tốc độ giải quyết các vấn đề xảy ra trong quá trình thực hiện dự án.

Đồng thời, phía Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA ở mọi giai đoạn.

PV: Thưa ông, ông có đề xuất nào để tăng cường hiệu quả sử dụng vốn ODA ở Việt Nam không? Việt Nam làm thế nào để tiếp tục nhận được nguồn vốn này?

Ông Konaka Tetsuo: Không chỉ JICA mà các tổ chức phát triển quốc tế khác cũng đang gặp khó khăn trong triển khai hoạt động ODA có liên quan đến việc kiểm soát nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn (MPIP) và các luật/nghị định liên quan, do đó, chúng tôi mong chờ phương pháp tiếp cận linh hoạt và sắp xếp hợp lý hơn của Chính phủ Việt Nam.

can danh gia hau du an de cai thien hieu qua su dung oda hinh 3
Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2-Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản. (Ảnh: Kuno/JICA)

 

Cùng với đó, cần thiết phải thực hiện hoạt động đánh giá hậu dự án đối với các dự án đã hoàn thành và đang thực hiện để rút kinh nghiệm và cải thiện hiệu quả sử dụng ODA.

Việc thực hiện hoạt động đánh giá dự án một cách phù hợp là một bước không thể thiếu trong chu trình PDCA (Lập kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra – Hành động), giúp hình thành/triển khai thực hiện hiệu quả dự án.

Chính phủ Việt Nam cần xem xét tăng cường chức năng đánh giá các dự án đầu tư công nói chung và các dự án ODA nói riêng.

Để thu hút hơn nữa ODA của Nhật Bản, phía Việt Nam cần tìm hiểu đầy đủ chính sách gần đây của Chính phủ Nhật Bản trong lĩnh vực ngoại giao và hợp tác phát triển, chẳng hạn như chính sách ‘hướng tới khu vực Indo-Thái Bình Dương tự do và mở cửa’, ‘đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng’…, từ đó,  các chương trình/dự án trong tương lai cần phải phù hợp với chính sách và chiến lược này.

Ví dụ, đối với chính sách ‘đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng’, JICA chú trọng vào những vấn đề sau: i) đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nước đối tác, ii) góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Nhật Bản và nước đối tác, iii ) đem lại lợi ích cho nền kinh tế và khu vực tư nhân của Nhật Bản, và iv) không tạo gánh nặng quá mức về mặt tài chính. Cùng với đó, các chương trình hành động quốc tế trong đó có Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo hiểm y tế toàn cầu (UHC) cũng được cân nhắc kỹ lưỡng và kết hợp chặt chẽ với những hợp tác trong trong tương lai, đặc biệt là các dự án thuộc lĩnh vực xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

                                                                                  Theo VOV

Các tin khác


Đổi thay trên quê hương Mường Động

(HBĐT) - Chúng tôi trở về thăm Mường Động- Kim Bôi vào những ngày mùa thu lịch sử. Nắng thu trải đều trên những cánh đồng lúa đang thì con gái. Từ đường 12B thị trấn Bo sôi động rẽ vào xã Hạ Bì đến thăm xã vùng 135 Thượng Bì đâu đâu cũng bắt gặp không khí vui tươi, rộn ràng chuẩn bị đón Tết Độc lập.

Vùng cao Tân Lạc chuyển mình

(HBĐT) - Đường về các chợ êm thuận hơn, dịch vụ, thương mại sôi động, bản làng vùng cao trù phú, đời sống kinh tế đang trên đà ấm no, sung túc… Đó là cảm nhận của chúng tôi khi lên vùng cao Tân Lạc vào những ngày đầu thu, khi bà con nơi đây đang rộn ràng đón Tết Độc lập.

Huyện Lạc Thuỷ Hướng tới mục tiêu xây dựng cánh đồng mẫu lớn

(HBĐT) - Những năm qua, huyện Lạc Thuỷ đã tích cực tiến hành dồn điền, đổi thửa, tạo ra những vùng sản xuất lớn theo hướng tập trung, chuyên canh cao, đáp ứng các tiêu chí trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong trồng trọt nói chung và sản xuất lúa nói riêng. Lạc Thuỷ là huyện tiên phong thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn về cây lúa. Mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn ở huyện Lạc Thuỷ được triển khai trong vụ mùa 2018 mở ra hướng đi tích cực trong sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao.

Bản người Dao Khạ, Chao - Tây Phong no ấm

(HBĐT) - Cách đây hơn 40 năm, bà con người dân tộc Dao từ các nơi về 2 xóm Chao, Khạ, xã Tây Phong (Cao Phong) để định cư. Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nỗ lực vươn lên của chính mình, đời sống của đồng bào đã có nhiều đổi mới, khấm khá về kinh tế, ổn định về tinh thần.

Tín dụng tăng trưởng mạnh, thúc đẩy phát triển KT-XH

(HBĐT) - Tháng 8/2018, hoạt động tín dụng tại các ngân hàng, tổ chức tính dụng (NH, TCTD) của tỉnh dường như sôi động hơn so với những tháng đầu năm. Tại trụ sở chính Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Hòa Bình (BIDV Hoà Bình) những ngày này có khá nhiều khách hàng đến giao dịch.

Nông nghiệp chuyển mình theo cơ chế thị trường

(HBĐT) - Cũng như nhiều nông dân trong xã Ngọc Lương (Yên Thủy), bà Nguyễn Thị Đông (xóm Trường Long) giờ đây không còn xa lạ với khái niệm "sản xuất theo chuỗi giá trị”. Bởi đây chính là công việc quen thuộc của bà gắn liền với các kỹ năng thường ngày đã trở nên thuần thục: từ làm đất, bô cây, kéo luống, rải bạt, đến cách chăm sóc cây trong từng giai đoạn phát triển, ghi chép nhật ký đồng ruộng, thu hoạch và sơ chế sản phẩm trước khi bàn giao cho doanh nghiệp đối tác tiêu thụ theo hợp đồng...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục