Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 có nhiều chuyển biến tích cực, lành mạnh. Các cấp, các ngành, địa phương tích cực triển khai Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ ngay từ những ngày đầu năm. Chúng ta tiếp tục giữ tốc độ đầu tư phát triển và tăng trưởng tốt, đời sống nhân dân được giữ vững và xử lý những bất cập, yếu kém; nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ tình hình quốc tế còn phức tạp, do đó Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp tuyệt đối không được chủ quan; tiếp tục thúc đẩy, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động.
Thủ tướng nhấn mạnh, thời cơ của chúng ta rất lớn, các ngành, địa phương phải sẵn sàng đón nhận, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, nền tảng tăng trưởng. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, lãnh đạo ngành quan tâm sâu sắc từng chỉ tiêu của bộ, ngành mình để có đối sách phù hợp, ứng phó kịp thời mọi biến động trên thế giới.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, hiệu quả, hài hòa với chính sách tài khóa; thực hiện đồng bộ các biện pháp ổn định vĩ mô. Tín dụng phải tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, hạn chế tín dụng đen; tìm giải pháp hạ lãi suất tín dụng để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển. Bộ Tài chính siết chặt kỷ luật ngân sách, tiết kiệm chi tiêu; trường hợp đã bố trí trong dự toán mà phát hiện sai phạm, lãng phí thì điều chuyển sang mục đích khác; tập trung chống thất thu, chuyển giá, nợ đọng thuế; tích cực triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trong thanh toán; có biện pháp và chế độ kế toán phù hợp, tiện lợi để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp siêu nhỏ. Bộ Công thương thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu; nghiên cứu tình hình tranh chấp, chiến tranh thương mại của các cường quốc bởi đây vừa là thời cơ, cũng là nguy cơ mà chúng ta phải tranh thủ và xử lý.
Các Bộ Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải chỉ đạo phát triển các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; thúc đẩy sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ; chú trọng các dự án công nghiệp trọng điểm để tăng năng lực sản xuất, góp phần tăng trưởng GDP... nhanh chóng hoàn thành đưa vào phục vụ người dân đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; ngành Nông nghiệp năm nay phải nỗ lực đạt mục tiêu xuất khẩu 45 tỷ USD; công bố việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở một số tỉnh để làm mẫu cho các tỉnh khác.
Chủ động rà soát, nắm chắc tình hình đời sống của nhân dân; làm tốt công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; nỗ lực giảm tai nạn giao thông; tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng; tăng cường làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân đồng lòng, đồng thuận, chung sức để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Về công tác bảo đảm Tết, Thủ tướng đặc biệt yêu cầu các các, ngành, địa phương phải tập trung lo Tết cho dân vui tươi, tiết kiệm an toàn theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các thành phố lớn, các ngành bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa Tết, không để xảy ra tình trạng khan hàng, "sốt giá”; tập trung chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, gia đình người có công với cách mạng, người dân ở vùng sâu, vùng xa, bảo đảm mọi thành phần xã hội được hưởng Tết vui tươi; tăng cường kiểm tra việc bảo đảm này. Tăng cường quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, xử lý nghiêm nạn đốt phá; mở các chiến dịch cao điểm trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội cho người dân.
Thủ tướng cũng lưu ý, bên cạnh việc tập trung chăm lo Tết cũng cần phải lo duy trì sản xuất kinh doanh, tiếp tục phát triển mạnh mẽ; ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp phải bắt tay ngay vào công việc với khí thế hào hứng, không để chậm chễ, trì trệ. Phải hạn chế các mặt tiêu cực của các lễ hội sau Tết.
Về việc xử lý vấn đề liên quan việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Thủ tướng đồng ý đề nghị của Văn phòng Chính phủ là soạn thảo một Nghị quyết của Chính phủ theo hướng tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, không để tình trạng quá nhiều container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng do vướng về chính sách. Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu việc nghỉ Tết sang năm (2020), trong đó có mô hình Singapore.
Về vấn đề giao vốn, Thủ tướng nêu yêu cầu, phải xử lý nhanh, đúng quy định, công khai, minh bạch, đi liền với đó là giao sớm, đôn đốc giải ngân kịp thời, để nguồn vốn đến đúng địa chỉ; không được để thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xử lý các nguồn vốn liên quan. Về vấn đề giao đầu mối quản lý nhà nước về chất thải rắn, Thủ tướng đồng ý phương án giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm về mọi mặt trong vấn đề xử lý rác thải rắn trên địa bàn.
* Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình thực hiện kinh tế - xã hội tháng 1; tình hình chuẩn bị Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; việc xử lý các vướng mắc liên quan nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; phương án giao đầu mối quản lý nhà nước về chất thải rắn; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Dự án Luật Thư viện...
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài (gồm cả FDI) tính đến ngày 20-1 ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 51,9% so cùng kỳ năm 2018; giải ngân vốn FDI đạt khoảng 1,55 tỷ USD, tăng 9,2%. Trong tháng 1, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,9%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 402,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9%; kim ngạch nhập khẩu ước 20,8 tỷ USD, tăng 3,1%. |