Đường Hòa Lạc - Hòa Bình đưa vào khai thác, tạo làn sóng thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Sau nhiều năm triển khai, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình dài gần 26 km (địa phận của tỉnh khoảng 19,3 km) đã chính thức đưa vào khai thác kết nối hành lang vận tải Hà Nội - Tây Bắc, bảo đảm AN - QP, rút ngắn 20 km từ Hà Nội lên Hòa Bình so với QL 6. Thời gian lưu thông từ thành phố Hòa Bình đến trung tâm TP Hà Nội chỉ còn khoảng 1 giờ xe chạy. Chưa bao giờ Hòa Bình gần Hà Nội và các trung tâm phát triển khoa học công nghệ đến thế.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, đường Hòa Lạc - Hòa Bình là con đường ngắn nhất, tạo động lực, không gian mới phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ của Hòa Bình và Tây Bắc.Đây là con đường chiến lược mở ra cơ hội lớn để thu hút đầu tư, giúp cho tỉnh gần và thuận lợi hơn đến với Hà Nội, đến với khu công nghệ cao Hòa Lạc, là dư địa lớn để phát triển công nghiệp phụ trợ, khai thác quỹ đất, mở ra các chuỗi đô thị, du lịch - dịch vụ dọc tuyến đường. Từ chỗ giao thông nhiều xã khu vực huyện Kỳ Sơn được coi là vùng xa, chủ yếu trên tuyến đường tỉnh 446 Bãi Nai- Vai Réo quanh co, khó khăn, đến nay có thể lưu thông trên tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình đến Hà Nội và trung tâm tỉnh lỵ rất thuận tiện. Nhiều nhà đầu tư có tiềm lực đã khảo sát, nghiên cứu tìm kiếm cơ hội đầu tư vào địa bàn huyện Kỳ Sơn. Nhiều dự án trọng điểm về công nghiệp, công nghiệp phụ trợ; đô thị du lịch sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao đang được khởi động triển khai, hứa hẹn tạo sự phát triển cho cả khu vực. Hai khu công nghiệp Yên Quang và Mông Hóa được xác định là chiến lược thu hút các dự án công nghiệp phụ trợ đang có những nhà đầu tư tiềm năng triển khai đầu tư. Đỉnh núi Viên Nam, xã Phúc Tiến, cao trên 1.000 m, được xem là "nóc nhà” của Kỳ Sơn có cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ, khí hậu trong lành đã thức giấc, khi có nhiều nhà đầu tư tầm cỡ nghiên cứu các dự án du lịch sinh thái. Nhiều khu vực ở các xã Phúc Tiến, Yên Quang, Mông Hóa, Dân Hạ (Kỳ Sơn) đang khởi động các dự án lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đường Hòa Lạc- Hòa Bình đưa vào khai thác mở ra hiệu ứng một làn sóng đầu tư vào địa bàn, tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình, lần đầu tiên các doanh nghiệp - nhà đầu tư đã cam kết đầu tư với số vốn 4 tỷ USD vào các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Năm 2018, chứng kiến sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công các dự án giao thông trọng điểm, mở ra những cơ hội khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435 (Bình Thanh - Thung Nai - Ngòi Hoa) dài khoảng 23 km, có tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020. Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng kết nối giữa phương thức vận tải đường bộ và đường thủy nội địa, góp phần phát triển vận tải thủy nội địa khu vực hồ sông Đà. Dự án đang được cả hệ thống chính trị vào cuộc giải quyết những khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, để tổ chức thi công theo kế hoạch, mở ra cơ hội lớn thu hút đầu tư xây dựng các cảng vận tải, đầu tư vào hồ Hòa Bình, tăng quy mô và nâng cao chất lượng vận tải dịch vụ, thúc đẩy kinh tế hàng hóa, dịch vụ, du lịch… Hiện tại nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã quyết định triển khai dự án và tiến hành khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào khu du lịch hồ Hòa Bình.
Đối với tuyến đường kết nối đường Hồ Chí Minh và QL 12B đi QL 1, có tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng, dài 30 km, đi qua địa phận tỉnh cần GPMB khoảng 11,1 km. Với sự vào cuộc của chủ đầu tư và các địa phương, công tác GPMB đã đáp ứng yêu cầu thi công. Chủ đầu tư lập biều đồ kế hoạch thi công, chỉ đạo các nhà thầu thi công đồng loạt đưa dự án vào khai thác bảo đảm tiến độ đề ra. Khi hoàn thành tuyến đường, nhiều xã vùng sâu, xa như Lạc Lương, Bảo Hiệu (Yên Thủy), Bình Chân (Lạc Sơn) sẽ trở thành vùng thuận lợi phát triển, cải thiện đời sống dân sinh và thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Các dự án giao thông đang mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo, thu đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thể mà từ trước còn "ngủ yên”. Hiện, tỉnh đang huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư nâng cấp QL15, QL 70B, tuyến cao tốc thành phố Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La)… Đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống quốc lộ, giao thông nội tỉnh bảo đảm khả năng kết nối, liên thông, đồng bộ, chú trọng phát triển giao thông gắn với xây dựng nông thôn mới, mở ra những cơ hội phát triển mới trong các lĩnh vực đô thị, du lịch, dịch vụ trong tương lai.
Lê Chung