Cam Cao Phong khẳng định thương hiệu và chất lượng được người tiêu dùng tin tưởng.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Đã có nhiều HTX thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, quy mô lớn tại các địa phương. Sản phẩm của HTX có năng suất, chất lượng cao và đồng đều, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc; được tiêu thụ tại Hà Nội và một số tỉnh trong nước, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao. Các mặt hàng chủ lực của tỉnh Hòa Bình như rau, cây ăn quả có múi, cá sông Đà, cây dược liệu, nhãn, gà đồi, lợn bản địa, mía tím là những cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, đem lại thu nhập cao cho nông dân, HTX và doanh nghiệp.
Giữ thương hiệu cây có múi
Toàn tỉnh hiện có trên 9.300 ha cây ăn quả có múi, trong đó có 5.200 ha trong thời kỳ kinh doanh, sản lượng đạt 12 vạn tấn (gần 400 ha trồng theo tiêu chuẩn ATTP, VietGAP). Từ tư duy giữ thương hiệu bằng chất lượng nông sản nên thời gian qua, các sản phẩm cây ăn quả có múi như: cam Cao Phong, cam Lạc Thủy, bưởi Tân Lạc đã được người tiêu dùng tin tưởng, tiêu thụ rộng rãi trong cả nước. Từ cây cam, bưởi, người dân các địa phương đã và đang hướng đến mục tiêu làm giàu. Sản phẩm cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý năm 2014 và Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư "Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5” năm 2016 đã tạo bước tiến quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu cam Cao Phong, đưa nông sản này chinh phục thị trường. Trong năm 2018, huyện Cao Phong tiếp tục mở rộng, thành lập thêm các nhóm sản xuất VietGap nhằm mục tiêu hướng tới năm 2020, toàn huyện có khoảng 50% diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Với người trồng cam, việc đảm bảo sản xuất theo đúng quy trình VietGap đã giúp sản phẩm họ làm ra có thể bước vào các thị trường khó tính với sức cạnh tranh mạnh.
Sản phẩm rau hữu cơ Lương Sơn được tiêu thụ nhiều ở các siêu thị tại Hà Nội.
Một trong những ưu điểm lớn nhất của giống bưởi đỏ Tân Lạc là thời vụ thu hoạch quả vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Vốn đã được đánh giá cao về chất lượng, lại biết chọn đúng thời điểm "vàng” để xuất ra thị trường nên gần như năm nào, sản vật này cũng luôn trong tình trạng "cháy hàng” và được giá. Vào cuối tháng 11/2017, bưởi đỏ Tân Lạc đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc”. Với sự công nhận này, ngay sau đó, nhiều cơ hội thị trường đã mở ra cho sản phẩm đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất của huyện Tân Lạc, nhất là dịp Tết năm nay. Với khoảng 350 ha đang cho thu hoạch rộ, vụ bưởi năm nay mang tới cái Tết hân hoan và no ấm cho hàng trăm hộ trồng bưởi của huyện.
Theo đánh giá của UBND huyện, bình quân mỗi ha canh tác bưởi đến kỳ thu hoạch năm nay mang về khoảng 700 triệu đồng, cá biệt có hộ cho thu trên 1 tỷ đồng/ha. Chính vì có giá trị kinh tế cao vượt bậc so với các loại cây trồng khác nên vài năm gần đây, huyện đã khuyến khích mở rộng diện tích trồng bưởi với hai loại chủ lực là bưởi đỏ và bưởi da xanh. Đây là hai giống bưởi phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, có khả năng sinh trưởng, phát triển và chống chịu các loại sâu bệnh tốt, đồng thời cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, do có thời vụ thu hoạch quả vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian thu quả kéo dài nên bưởi Tân Lạc đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, có lợi thế cạnh tranh so với các loại nông sản đặc sản khác mỗi dịp Tết đến, xuân về. Diện tích tập trung nhiều nhất tại các xã vùng dọc quốc lộ 12B và quốc lộ 6, trong đó, một số xã phát triển nhanh diện tích trồng bưởi là Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê, Ngọc Mỹ, Quy Hậu, Mãn Đức, Phong Phú...
Đặc sản gà đồi
Trong mâm cơm ngày Tết, con gà không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt. Và gà đồi đã trở thành đặc trưng riêng của Hòa Bình bởi chúng được nuôi theo phương pháp truyền thống, thịt săn chắc, thơm ngon. Thương hiệu gà đồi Lạc Sơn đã vươn xa; thương hiệu gà Lạc Thủy cũng đang khẳng định tên tuổi. Gà đồi ở Lạc Sơn, Lạc Thủy không chỉ được các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà giờ đang phát triển ở quy mô gia trại, trang trại và HTX lên đến hàng ngàn con. Đến huyện Lạc Sơn, khi nhắc tới gà đồi ngon là những cái tên như HTX chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng, HTX gà Chí Thiện… Chúng tôi đến HTX gà đồi Hương Nhượng đúng thời điểm bổ sung đàn gà để tái đàn. Chị Quách Thị Hòa, Giám đốc HTX chia sẻ: Thời điểm Tết năm ngoái không có gà để bán. Để nâng cao thu nhập cho hội viên cũng như đảm bảo phát triển bền vững của HTX, việc chăn nuôi phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu.
Huyện Lạc Thủy phát triển nuôi gà theo hình thức trang trại quy mô lớn đem lại hiệu quả kinh tế.
Do đó, trong quá trình tổ chức hoạt động, HTX gà đồi Hương Nhượng luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, vệ sinh chuồng trại, tuyên truyền, hướng dẫn hội viên giữ vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, khu vực xung quanh, đồng thời phun thuốc tiêu độc khử trùng theo định kỳ nhằm cung cấp sản phẩm gà đồi an toàn tới người tiêu dùng.
Xúc tiến thương mại
Đầu tháng 11/2018, lần đầu tiên, các doanh nghiệp nông nghiệp sạch của Hòa Bình có cuộc gặp gỡ, trao đổi chính thức với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Du lịch Hà Nội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp sạch, đặc sản của địa phương như: cam Cao Phong, cá sông Đà, gà ri, gà đồi, rau - quả sạch… Hòa Bình hiện nay đã xây dựng được 25 chuỗi sản phẩm sạch, có khoảng gần 800 ha nông sản sạch được chứng nhận VietGAP, hữu cơ và bảo đảm an toàn.
Ngay sau đó, vào trung tuần tháng 12, Lễ hội cây ăn quả có múi và Hội chợ nông nghiệp tỉnh Hòa Bình năm 2018 với gần 200 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hộ sản xuất trong và ngoài tỉnh tham gia với quy mô 250 gian hàng. Đây là dịp để quảng bá các loại nông sản đặc hữu của các địa phương trong tỉnh, nổi bật là cây ăn quả có múi. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự chuyển biến tích cực của các cấp, ngành và người sản xuất trong việc phát triển và bảo vệ thương hiệu nông sản. Đồng thời, tạo điều kiện giao thương, tạo cầu nối cho người sản xuất, các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, liên doanh liên kết phát triển sản xuất.
Về kết quả tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với thu hút đầu tư, tỉnh Hòa Bình hiện có hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, 75 Hợp tác xã tham gia đầu tư liên kết, hợp tác sản xuất, 35 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, đã hình thành liên kết sản xuất giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp theo chuỗi giá trị đem lại hiệu quả cao. Đã có nhiều HTX thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, quy mô lớn tại các địa phương. Sản phẩm tiêu biểu của HTX như rau, cây có múi, cá sông Đà, cây dược liệu, nhãn, gà đồi, lợn bản địa, mía tím… có năng suất, chất lượng cao và đồng đều, được tiêu thụ tại Hà Nội cùng một số tỉnh trong cả nước.
Vị thế nông sản của tỉnh Hòa Bình được nâng lên thông qua các sản phẩm mang tên địa danh như: cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc... Bước đầu định hình được tầm quan trọng của việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát triển bền vững KT-XH, định hướng cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng. Những sản phẩm đặc sản của tỉnh được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đã khẳng định giá trị pháp lý về quyền và lợi ích của người sản xuất, kinh doanh sản phẩm.
Đinh Thắng