Trong năm 2018, những nỗ lực trong lãnh đạo, điều hành nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được ghi nhận bằng Chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 4 bậc, Chỉ số CCHC tăng 9 bậc so với năm 2017.
Theo số liệu của Sở KH&ĐT, trong giai đoạn 2016 - 2018, trong tỉnh có 181 dự án đầu tư được phê duyệt. Đến nay, có 65/181 dự án đi vào SX-KD (chiếm 31%); 116 dự án chưa SX -KD. Căn cứ số liệu thống kê cho thấy, số lượng dự án hoàn thành thủ tục pháp lý, hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động trong vòng 24 tháng còn thấp. Số dự án chưa hoàn thành GPMB chiếm tỷ lệ khá cao (69%), kéo theo số lượng dự án hoàn thành xong thủ tục xây dựng rất thấp, mới đạt 6%, hoàn thành thủ tục về đất đai mới đạt 16%. Hầu hết các dự án ngoài khu, cụm công nghiệp đều phải thực hiện tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất, tài sản trên đất với các hộ dân. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chậm tiến độ có được mặt bằng thực hiện dự án và cũng là điểm nghẽn nhiều nhà đầu tư gặp phải, cần sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước. Một nguyên nhân khác xuất phát từ khả năng tài chính của NĐT không đảm bảo như cam kết ban đầu, không đủ năng lực để nhận chuyển nhượng đất, dẫn tới kéo dài thời gian, gây mất lòng tin của người dân.
Thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh giao, trong tháng 3/2019, Sở KH&ĐT đã phát phiếu khảo sát thu thập thông tin về vướng mắc, khó khăn của DN, NĐT và nhận được phiếu phản hồi của 15 đơn vị, trong đó có nhiều ý kiến đề cập về vướng mắc, khó khăn trong việc thuê đất để mở rộng SX - KD; hướng liên kết các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh chưa được thuận lợi; việc chủ đầu tư cơ sở hạ tầng KCN gặp khó khăn trong công tác quản lý, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa làm mới và thu phí hạ tầng; vướng mắc trong GPMB, tiếp cận vốn ngân hàng để triển khai đầu tư; việc hướng dẫn, giúp đỡ DN hoàn thiện thủ tục xin cấp mỏ đá làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng... Những đề xuất, kiến nghị đã được Sở KH&ĐT kịp thời chuyển tới các cơ quan chức năng, đến nay về cơ bản đã được trả lời.
Tại hội nghị đối thoại DN vừa được tổ chức, với không khí thẳng thắn, dân chủ, cởi mở, đã có 22 ý kiến chính thức trả lời của các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, 11 ý kiến trao đổi trực tiếp giữa các DN, NĐT với chính quyền về các vấn đề liên quan đến GPMB; chưa đáp ứng được vấn đề nhà ở cho công nhân; tiến độ giao đất, cấp giấy phép xây dựng một số dự án chậm, ảnh hưởng tới chủ trương đầu tư của DN; vấn đề quan trắc môi trường trong triển khai dự án; đề nghị nâng cấp một số tuyến đường để đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh của DN...
Đặc biệt, tại đối thoại, có những kiến nghị trực tiếp của DN đã được Chủ tịch UBND tỉnh lắng nghe, chia sẻ khó khăn như việc DN tại KCN Lương Sơn đề nghị tỉnh, huyện giúp DN giải quyết khó khăn trong việc tuyển dụng công nhân; mong được cung cấp điện ổn định. Hay như đề xuất của Công ty CP may Hồ Gươm về việc kiểm đếm diện tích đất trong dự án khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa (Tân Lạc) chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Đối với dự án may Tân Lạc, mong muốn xem xét cơ chế tiền thuê đất và giảm trừ tiền thuê đất cho NĐT. Những đề xuất của Công ty CP may Hồ Gươm được Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp cho UBND huyện Tân Lạc phối hợp với NĐT tìm ra vướng mắc để giải quyết và trong vòng 1 tháng phải báo cáo kết quả với UBND tỉnh. Đối với vấn đề tiền thuê đất, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT chủ trì với Sở TN&MT cùng các sở, ngành chức năng cũng trong 1 tháng phải có phương án giải quyết.
Một vấn đề được hội nghị quan tâm là trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi. Theo đó, có DN đề cập việc tập kết, kinh doanh cát, sỏi tại khu vực bến Thịnh Lang đang được yêu cầu di chuyển, không cho hoạt động, đẩy DN đến nguy cơ phá sản và nếu di chuyển thì DN có được đền bù hay không?.
Đối với vấn đề nêu trên, mặc dù chia sẻ khó khăn với DN nhưng Chủ tịch UBND tỉnh đã kiên quyết chỉ đạo, tất cả những bãi cát, sỏi ở hạ lưu sông Đà không đúng quy hoạch tới đây sẽ đình chỉ, không cho hoạt động và các DN phải nghiêm túc chấp hành, bởi hoạt động này đã vi phạm Luật Đê điều, ảnh hưởng đến chủ trương chỉnh trang đô thị của TP Hòa Bình và gây nguy cơ sạt lở bờ sông Đà. Đối với việc đền bù, di chuyển vị trí mới, chế độ, cách thức thực hiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, giao TP Hòa Bình chịu trách nhiệm và phải thực hiện theo đúng quy định, đối với những gì DN được hưởng thì phải đảm bảo quyền lợi.
Lắng nghe, chia sẻ với những ý kiến, kiến nghị của DN, NĐT. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND TP Hòa Bình và các huyện khẩn trương vào cuộc giải quyết vướng mắc theo đúng quy định của pháp luật. Giao thời gian cho các địa phương, đơn vị giải quyết hoặc phải có phương án giải quyết theo kiến nghị chính đáng của DN. Sau đối thoại phải ra thông báo buổi làm việc cũng như các nội dung đã giao cho các đơn vị, căn cứ vào đó định kỳ báo cáo với UBND tỉnh. Đồng thời mong muốn các DN theo dõi kết quả giải quyết của các sở, ngành, địa phương để phản hồi về UBND tỉnh... Sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang đã thể hiện rõ quyết tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh vì một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, trách nhiệm, hiệu quả, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.