(HBĐT) - Ngay sau khi khép lại vụ xuân 2019 với những thành quả khá toàn diện, các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa, hè thu. Đến nay, tiến độ sản xuất đang được đẩy nhanh với quyết tâm ngay trong tháng 7 sẽ hoàn thành chỉ tiêu diện tích các loại cây trồng chính trong vụ.
Có được nguồn nước thuận lợi, nông dân xóm Trường Yên, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) tập trung cấy nốt phần diện tích lúa vụ mùa trên địa bàn, đảm bảo khung thời vụ tốt.
Đồng chí Lê Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Xứng đáng là "vựa lúa” lớn hàng đầu của tỉnh, vụ xuân vừa qua, Kim Bôi tiếp tục là địa phương có năng suất lúa bình quân cao nhất với 58,5 tạ/ha, vượt 2,6% kế hoạch. Huyện bước vào sản xuất vụ mùa, hè thu với tinh thần chủ động cao. Bám sát định hướng chỉ đạo chung của UBND huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn đã khẩn trương làm đất ngay sau khi hoàn tất thu hoạch vụ xuân, đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các loại giống, vật tư để gieo cấy lúa mùa đúng khung thời vụ. Thống kê đến thời điểm này, toàn huyện đã hoàn tất khâu làm đất, một số địa bàn cấy lúa mùa trà sớm đã cấy xong trước ngày 25/6, còn lại chủ yếu là trà chính vụ với thời vụ cấy tập trung từ ngày 10 – 20/7, phấn đấu cấy xong trong tháng 7 với tổng diện tích lúa toàn huyện khoảng 3,1 nghìn ha.
Trong tháng 7 cũng là khung thời vụ phù hợp đã được ngành Nông nghiệp khuyến cáo chung đối với sản xuất lúa vụ mùa năm nay. Theo kế hoạch, vụ này, toàn tỉnh sẽ cấy khoảng 22,5 nghìn ha lúa, ước năng suất bình quân đạt 51 tạ/ha, sản lượng phấn đấu đạt 11,5 vạn tấn. Cụ thể, về cơ cấu các trà lúa, trà sớm được xác định khoảng 15 – 20% diện tích, khuyến cáo sử dụng các giống chủ lực như: Thiên ưu 8, Nhị ưu 838, MDD1, VS1, TH1, TH3-3, TH3-4, TBR225, TBR36, TBR45, Kim Cương 111… Trà chính vụ khoảng 80 – 85% diện tích, khuyến cáo sử dụng các giống chủ lực như: MĐ1, Thiên ưu 8, DDS1, TH3-3, TH3-4, Q5, Đại Dương 2, Phúc Thái 168… Gieo mạ từ ngày 10/6 – 5/7, tuổi mạ nền từ 10 – 12 ngày, mạ dược từ 12 – 15 ngày, phấn đấu cấy xong trong tháng 7, cấy tập trung từ ngày 10 – 20/7.
Xác định đây là vụ sản xuất chịu nhiều áp lực từ diễn biến thời tiết phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên cây trồng khá cao, nên các địa phương đã chủ động lựa chọn cơ cấu giống cây trồng phù hợp, ưu tiên sử dụng các loại giống đạt tiêu chuẩn xác nhận nguyên chủng, ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, có tính ổn định cao để tập trung thâm canh đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra. Mặt khác, đề phòng các rủi ro thiên tai làm ảnh hưởng đến chất lượng gieo cấy, nhiều địa phương đã chủ động giống dự phòng để sẵn sàng gieo cấy lại bằng các giống cảm quang như Bao thai, PC6, P6ĐB, MĐ1… Tại những khu vực, cánh đồng thường xuất hiện bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, bà con nông dân được hướng dẫn thay thế bằng các giống lúa mới, có khả năng chống chịu loài sâu bệnh này khá cao như: MĐ1, Việt lai 24, Bác ưu 903 KBL, Nhị ưu 69…
Theo Sở NN&PTNT: Cùng với lúa, các loại cây màu vụ hè thu đang được đẩy nhanh tiến độ sản xuất để đảm bảo khung thời vụ tốt nhất. Dự kiến, toàn tỉnh sẽ gieo trồng khoảng 13,4 nghìn ha ngô; 1,7 nghìn ha khoai lang; 1,4 nghìn ha lạc; 4,3 nghìn ha rau, củ, quả các loại; trên 1 nghìn ha cây gia vị, dược liệu và cây hàng năm khác… Phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 45 nghìn ha.
Để hoàn thành kế hoạch này, ngay từ cuối tháng 5, Sở NN&PTNT đã đôn đốc UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, sớm xây dựng kế hoạch cụ thể đến từng địa bàn để chủ động cung ứng đủ số lượng, đúng chủng loại và đảm bảo chất lượng các loại giống, phân bón, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Bám sát thời vụ đã được Sở NN&PTNT khuyến cáo, từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6, các địa phương đã cơ bản hoàn thành gieo hạt các loại cây màu như lạc, đậu tương… Riêng đối với cây ngô, do thời vụ trồng tốt nhất được xác định từ ngày 5/6 – 15/7 nên hiện nay, nhiều nơi đang tập trung cho loại cây chủ lực này, phấn đấu từ nay đến chậm nhất đầu tháng 8 sẽ cơ bản hoàn thành chỉ tiêu về diện tích trồng ngô.
T.T
(HBĐT) - Trên địa bàn huyện Lương Sơn hiện có 3 dân tộc chính sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 70%. Toàn huyện có 8 xã thuộc khu vực II, 12 xã, thị trấn thuộc khu vực I. Các xã thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 gồm 5 xã thuộc vùng đặc thù và 1 xóm đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc xã khu vực II. Thời gian qua, việc thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS được cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm triển khai.
(HBĐT) - Chiều 12/7, tại 63 điểm cầu trên toàn quốc, Công ty CP Tập đoàn Mai Linh đã tổ chức kỷ niệm 26 năm ngày thành lập Taxi Mai Linh.
(HBĐT) - Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh về Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu phi (DTLCP) xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT ban hành Hướng dẫn kỹ thuật vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và phun tiêu độc khử trùng; phun khử trùng tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời; chôn hủy lợn bệnh; chọn địa điểm và quy cách hố chôn lợn bệnh để phục vụ công tác phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh. Báo Hòa Bình trích đăng một số nội dung cơ bản như sau:
(HBĐT) - Những năm qua, xã Cư Yên (Lương Sơn) tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả, bền vững. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
(HBĐT) - Đề án cứng hóa đường giao thông (GTNT) tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017 - 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1615/QĐ-UBND ngày 28/8/2017. Theo kế hoạch đề ra, toàn tỉnh sẽ có khoảng 1.500 km đường GTNT được cứng hóa với tổng mức đầu tư 1.549,784 tỷ đồng. Trong khi nhu cầu cứng hóa đường GTNT trên địa bàn là rất cao, việc triển khai một đề án có khối lượng đầu tư lớn như vậy đã tạo ra nhiều kỳ vọng, nhất là đối với các địa bàn nhiều năm nay vẫn còn loay hoay chưa giải được bài toán đầu tư nâng cấp đường GTNT.
(HBĐT) - Ngày 11/7, tại xã Ngòi Hoa (Tân Lạc), Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh tổ chức khai giảng lớp nghề "Nuôi cá lồng bè nước ngọt”. Tham gia lớp học nghề có 34 học viên là lao động nông thôn tại 4 xóm của xã.