Lễ hội cá sông Đà do doanh nghiệp Cường Thịnh Fish triển khai góp phần xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thủy sản sạch của tỉnh.
Phát triển sản phẩm chủ lực, lợi thế cạnh tranh
Với huyện Cao Phong, sản phẩm lợi thế và chủ lực được xác định là cây ăn quả có múi (cam, quýt các loại). Tập trung cho sản phẩm này, huyện đã lựa chọn phát triển theo chuỗi giá trị, trong đó, việc xây dựng vùng cam, quýt đảm bảo an toàn thực phẩm, vì sức khỏe người tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu. Kể từ năm 2014 đến nay, phối hợp với các ngành, đơn vị hữu quan của tỉnh, huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn, tăng cường hỗ trợ để nông dân tiếp cận và thực hiện quy trình sản xuất VietGAP. Hiện tại, toàn huyện có 1.018,34 ha cam được chứng nhận sản xuất VietGAP với 759 hộ tham gia. Năm 2019, diện tích cam VietGAP tăng thêm 45,9 ha. Nhiều tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị cam Cao Phong như các HTX Nhật Minh, Hà Phong, Quang Hà...
Tại huyện Lương Sơn, rau - củ - quả sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ được xem là sản phẩm nằm trong thứ tự ưu tiên, thế mạnh cung ứng cho các thị trường khó tính. Các huyện Lạc Thủy, Lạc Sơn với sản phẩm mũi nhọn là gà, theo đó đã xây dựng thành công thương hiệu gà Lạc Thủy, gà Lạc Sơn, tạo đà cho thúc đẩy chăn nuôi nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung. Các huyện Tân Lạc, Yên Thủy xác định vùng sản xuất hàng hóa và xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi đặc sản.
Tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, lập mới 9 quy hoạch phát triển sản xuất chủ lực, gồm thủy sản, chăn nuôi, vùng sản xuất rau an toàn, vùng sản xuất cây ăn quả có múi an toàn tập trung, vùng và khu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, mía, vùng chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển tổng thể ngành nông nghiệp. Trên cơ sở đó, 29 đề án phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm được ban hành ở cấp tỉnh, huyện. Trong đó, cấp tỉnh ban hành 6 đề án: cải tạo vườn tạp, phát triển trồng bưởi đỏ, khuyến nông trọng điểm, chăn nuôi bền vững, phát triển nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp hữu cơ, chương trình giống cây, con chất lượng cao. Cấp huyện ban hành 23 đề án phát triển sản phẩm địa phương có tiềm năng, thế mạnh. Song hành với đó, đã thực hiện 34 dự án phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị; lồng ghép nguồn vốn chương trình MTQG, chương trình phát triển KT-XH gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để hình thành nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững.
Nhân rộng vùng sản xuất tập trung
Muốn hình thành các vùng sản xuất tập trung hay cánh đồng mẫu lớn trong trồng trọt thì vấn đề trước tiên được nhiều địa phương áp dụng và thực hiện là dồn điền, đổi thửa. Yên Thủy là địa phương tiên phong trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thành công. Tiếp theo là các huyện Lạc Thủy, Cao Phong, Kim Bôi... Theo thống kê, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 62 xã thực hiện dồn điền đổi thửa với tổng diện tích khoảng 5.000 ha, tương đương 6% tổng diện tích đất trồng trọt cả tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho rằng, đây là cơ sở để các vùng sản xuất tập trung ngày càng được nhân rộng gắn với đồng bộ kết cấu hạ tầng, áp dụng tiến bộ KHKT để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản. Với cây ăn quả có múi đã tạo ra vùng sản xuất tập trung tại các huyện Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi. Sau hơn 7 năm thực hiện tái cơ cấu, diện tích cây có múi tăng thêm 8,5 nghìn ha, diện tích kinh doanh tăng thêm 5,6 nghìn ha. Đến nay đạt 10,5 nghìn ha, diện tích kinh doanh 6,6 nghìn ha, sản lượng 13,5 vạn tấn, bộ giống cây ăn quả có múi đa dạng, năng suất bình quân đạt 21 - 22 tấn/ha (thuộc nhóm cao nhất toàn quốc). Giá trị thu nhập đạt trên 500 triệu đồng/ha.
Với cây rau đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mô hình sản xuất rau đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP như vùng sản xuất rau hữu cơ của huyện Lương Sơn, vùng trồng bí xanh huyện Yên Thủy, vùng trồng rau su su Tân Lạc, liên kết trồng và tiêu thụ bí đỏ, mướp đắng lấy hạt huyện Lạc Sơn, mô hình trồng rau an toàn tại huyện Mai Châu, Đà Bắc, vùng nguyên liệu rau quả tập trung phục vụ nhà máy chế biến của Công ty TNHH Pacific tại các huyện Đà Bắc, Lương Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi... Giá trị thu nhập từ cây rau của bà con nông dân tăng mạnh, bình quân đạt 200 - 250 triệu đồng/ha/vụ. Bên cạnh đó, giải pháp nhân giống mía tím bằng phương pháp nuôi cấy mô đã được một số địa phương đưa vào sản xuất đại trà. Vùng sản xuất tập trung mía tím trong giai đoạn ổn định, thu nhập bình quân 120 triệu đồng/ha.
Trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản sau thực hiện tái cơ cấu, tổng đàn và sản lượng trâu, bò, lợn đều tăng cao và ổn định. Giống lợn bản địa được phát triển, bảo tồn và chuẩn hóa giống tại huyện Đà Bắc. Riêng tổng đàn gia cầm hiện có 7,6 triệu con, tăng gấp 4 lần, sản lượng đạt 23 nghìn tấn. Chú trọng phát triển nuôi cá lồng vùng hồ Hòa Bình, hiện có 4,6 nghìn lồng nuôi cá, tăng 3,3 nghìn lồng nuôi.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã khuyến khích sản xuất, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng và tái cơ cấu ngành. Tại các địa phương đã xuất hiện những nhân tố tiêu biểu đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, doanh nghiệp khởi nghiệp, triển khai và thực hiện liên kết gắn với tiêu thụ nông sản.
Theo đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT, đến nay, các chỉ tiêu đến năm 2020 của Đề án tái cơ cấu ngành cơ bản đạt so với kế hoạch đề ra. Có 8/14 chỉ tiêu vượt so với mục tiêu khu vực miền núi phía Bắc, đặc biệt là tăng trưởng ngành ở mức cao (trung bình 4,2%/năm), sản phẩm chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Trình độ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ngày càng nâng cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản. Giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị canh tác tăng 8,3%/năm, thủy sản 10,2%/năm. Tốc độ tăng thu nhập từ sản xuất chăn nuôi đạt 5,8%/năm. Bước đầu đã hình thành các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao ở Lạc Thủy, Cao Phong, Lạc Sơn, Yên Thủy và TP Hòa Bình.
(Còn nữa)
Bùi Minh
Bài 3 - Thành tựu và thách thức