Một số doanh nghiệp trong tỉnh đã đưa sản phẩm đến giới thiệu, quảng bá tại Phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa xã Yên Trị (Yên Thủy).
Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp được mua sắm, trải nghiệm tại Phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh phối hợp với UBND huyện Yên Thủy tổ chức tại xã Yên Trị. Phiên chợ là hoạt động được tổ chức thường niên, thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Năm nay, phiên chợ đã thu hút 13 doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh với quy mô 25 gian hàng. Các sản phẩm là hàng Việt Nam chất lượng cao, gồm: Hàng dệt may; đồ nhôm, nhựa; đồ gia dụng; đồ điện; hóa, mỹ phẩm; bếp tiết kiệm củi và các sản phẩm khác.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Phòng Xúc tiến thương mại và du lịch (Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh) cho biết: Những năm trước đây, các phiên chợ được tổ chức thu hút đông đảo người dân địa phương đến mua sắm. Bà con đánh giá cao chất lượng và giá thành sản phẩm Việt. Năm nay, phiên chợ được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước đều gặp không ít những khó khăn. Do đó, phiên chợ có ý nghĩa quan trọng trong kích cầu tiêu thụ nội địa, hình thành thói quen tiêu dùng các sản phẩm trong nước.
Mặc dù, tiết trời khá oi bức, nhưng phiên chợ đã thực sự trở thành ngày hội mua sắm của người dân xã Yên Trị và các xã lân cận như: Đoàn Kết, Phú Lai, Hữu Lợi. Trong đó, các mặt hàng may mặc, đồ gia dụng thu hút đông đảo người dân đến mua sắm. Qua tìm hiểu, có thể thấy, các mặt hàng đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, là sản phẩm "Made in Vietnam”, với giá thành khá phù hợp với người dân địa phương. Bà Hoàng Thị Định, xóm Yên Tiến, xã Yên Trị chia sẻ: Những năm trước, gia đình tôi đã mua sắm hàng hóa ở phiên chợ được tổ chức tại địa phương. Tôi thấy các sản phẩm được sản xuất trong nước có chất lượng tốt, giá thành phù hợp. Năm nay, các sản phẩm đa dạng hơn về mẫu mã, kiểu dáng không thua kém so với các sản phẩm tương tự có xuất xứ từ nước ngoài.
Không chỉ người dân địa phương vui mừng khi mua được các mặt hàng giá rẻ, chất lượng cao mà các doanh nghiệp cũng đã nắm được cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình. Ông Tạ Quang Nam, Giám đốc Công ty may thêu Nam Thoa (Ninh Bình) đã có nhiều năm gắn bó với các phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Là doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, với 270 công nhân, công ty của ông chú trọng vào tiêu thụ hàng hóa ở thị trường nội địa. "Là doanh nghiệp nhiều năm tham gia các phiên chợ được tổ chức ở Hòa Bình, cùng một số tỉnh, thành phố, chúng tôi rất phấn khởi khi những lần quay lại đều gặp gỡ những khách hàng đã từng mua sản phẩm của mình. Thông qua các phiên chợ này đã giúp doanh nghiệp đưa được hàng hóa của mình đến các khu vực vùng sâu, vùng xa. Trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực mà chúng tôi sản xuất, kinh doanh phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt nên chúng tôi ý thức phải tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã để người Việt được dùng hàng Việt chất lượng cao mà giá thành hợp lý” - ông Nam nhấn mạnh.
Ngoài các doanh nghiệp đến từ các tỉnh bạn, tại phiên chợ, chúng tôi cũng đã được gặp gỡ một số sản phẩm được sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó có sản phẩm trà cà gai leo, trà giảo cổ lam của Công ty TNHH MTV Thương Hảo, địa chỉ tại phường Tân Hòa (TP Hòa Bình). Anh Lê Văn Ngọc, đại diện Công ty cho biết: Các sản phẩm đều đặc trưng của tỉnh Hòa Bình, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, bà con vẫn chưa biết tới sản phẩm của công ty. Thông qua phiên chợ, là dịp để công ty giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến khách hàng trong tỉnh.
Với số lượng sản phẩm bán được nhiều hơn và những phản hồi tích cực của người tiêu dùng, có thể nói, việc tổ chức phiên chợ đã đem lại những kết quả thiết thực trong thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phiên chợ càng có ý nghĩa quan trọng trong kích cầu tiêu thụ nội địa trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra.
Viết Đào