Vùng sản xuất cam tập trung đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP tại xã Bình Thanh (Cao Phong) bước vào vụ thu hoạch mới, có giá và đầu ra ổn định.
5 năm trở lại đây, thị trường nông sản đặc sản có thêm nguồn cung ứng hàng hóa chất lượng từ vùng cam mới thuộc xã Bình Thanh (Cao Phong). Đây là kết quả của việc nhân rộng diện tích cây ăn quả có múi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và khả năng đầu tư của bà con các xã trong vùng. Cây cam, quýt đặc sản đến nay đã phát triển khoảng 50 ha tại xã Bình Thanh, năng suất bình quân 40 tấn/ha. Xã cũng thành lập được HTX nông nghiệp Nhật Minh hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cam. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, vùng sản xuất cây ăn quả có múi của huyện đã phủ khắp gần như toàn bộ các xã, thị trấn với tổng diện tích khoảng 3.000 ha. Trong đó, trên 1.600 ha đang ở chu kỳ kinh doanh, sản lượng niên vụ 2020-2021 ước đạt 38.000 tấn, bình quân thu nhập 400-600 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, để có đầu ra ổn định, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường về sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng ATTP, huyện tập trung mạnh cho việc triển khai quy trình sản xuất cây ăn quả có múi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Thống kê mới đây, trên địa bàn có hơn 1.000 ha cam của 759 hộ đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Tại một số HTX có diện tích cam lớn như HTX Hà Phong, HTX 3T nông sản Cao Phong đã chuyển diện tích cam, quýt sang canh tác hữu cơ ở 2-3 vụ sản xuất gần đây. Trong đó, HTX Hà Phong đã chuyển gần 200 ha, HTX 3T nông sản Cao Phong chuyển trên 43 ha.
Cao Phong lâu nay còn được biết đến là vùng đất thủ phủ của mía tím, một trong hai cây hàng hóa chủ lực, góp phần đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo bền vững, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho nông dân. Diện tích mía tím, mía trắng các loại của huyện duy trì khoảng 2.700 ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Tây Phong, Nam Phong, Hợp Phong, Bắc Phong... Bên cạnh xây dựng vùng mía tím hàng hóa (bình quân thu nhập 160 - 200 triệu đồng/ha), huyện quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng, phẩm cấp cây mía. Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng KHCN, sản xuất mía tím theo phương pháp nuôi cấy mô. Kể từ năm 2016 đến nay, huyện đã triển khai và nhân diện tích mía tím nuôi cấy mô đạt 81,34 ha, giá trị kinh tế từ cây mía mô cao gấp 1,5-2 lần so với giống mía bản địa. Nhờ đó, cây mía tăng sức tiêu thụ và khả năng cạnh tranh trên thị trường hàng hóa trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Không dừng lại ở việc hình thành vùng sản xuất mạnh về diện tích, sản lượng, huyện chú trọng và tăng cường các giải pháp để trở thành vùng hàng hóa phát triển theo chiều sâu, theo hướng nâng cao giá trị. Từ đó, sản phẩm từ các vùng trồng có được chỗ đứng ổn định, uy tín trên thị trường. Hiện nay, sản phẩm cam Cao Phong là địa phương đầu tiên, duy nhất của tỉnh được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Liên tiếp nhiều mùa vụ gần đây, đặc sản cam Cao Phong duy trì sức tiêu thụ ổn định và mở rộng thị trường khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc, được lựa chọn là món ăn tráng miệng phục vụ hành khách hạng thương gia trên các chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam Airline. Cây mía tím nuôi cấy mô cũng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, một phần sản lượng đã được xuất khẩu sang nước bạn... Đây là những minh chứng đáng tự hào để nông dân trong huyện tiếp tục nỗ lực xây dựng thành công hơn nữa vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo giá trị bền vững.
Bùi Minh