>> Bài 2: Sớm ngăn chặn tình trạng thu mua đầu cơ đất, nâng giá đền bù
Người dân xã Cư Yên (Lương Sơn) giới thiệu khu đất với giá khoảng 4 tỷ đồng gần 1.000 m2.
Qua khảo sát tại thời điểm đầu tháng 4, giá đất các khu vực trọng điểm như các xã: Hòa Sơn, Tân Vinh, Nhuận Trạch, Cư Yên giá đất đã tăng lên rất mạnh. Thời điểm này năm ngoái, những lô đất rộng vài nghìn m2 được rao bán với giá từ 2 - 3 tỷ đồng, thì nay đang được rao bán ở mức giá từ 3 - 3,5 tỷ đồng, nhiều khu đất đã tăng gấp đôi, gấp ba. Ông Long, một người buôn bất động sản lâu năm cho biết: Giá đất thổ cư đã tăng từ 2 - 3 lần/m2, nhiều gia đình bán có tiền tỷ sau một đêm ngủ dậy, nhiều người làm môi giới cũng kiếm được cả trăm triệu đồng. Xã Cư Yên là địa bàn tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, nằm trong quy hoạch thị xã Lương Sơn, trên địa bàn quy hoạch nhiều dự án đô thị, nhà ở đang triển khai ghi nhận giá đất cao chưa từng có. Đất ven đường liên xã hiện được bán có giao dịch thật ở mức 750 triệu đồng cho 100 m2 đất thổ cư, cao hơn nhiều khu vực ở TP Hòa Bình. Người dân cho biết: Chủ đầu tư đang triển khai dự án Legacy Hill có mức giá trung bình từ 14 - 17 triệu đồng/m2, tương đương từ 4 - 5 tỷ đồng/căn. Giá đất vườn cũng được chào bán với ở mức khoảng từ 2 - 3 tỷ đồng cho khoảng 2.000 m2. Ông Én, hiện ở xóm Giếng Xạ có gần 1.000 m2 đất ruộng đang đòi giá 4 tỷ đồng. Ông Én cho biết: Xã Cư Yên là vùng bán sơn địa, chỉ cách Hà Nội có "gang tay”, giá đất cao là đúng, trước đây mấy tháng, khu đất này chỉ có giá 2 tỷ đồng, nay sốt đất nên đòi cao như vậy. Hang Đội 1 là xóm xa nhất của xã Cư Yên giáp chân núi, nhưng có thể nhìn thấy ô tô trên đường Hồ Chí Minh, giá đất cũng đang tăng cao. Một người dân cho biết: Năm 2019, có một cá nhân đến tuyên truyền, gom, mua hàng loạt sổ đất rừng của người dân với giá từ 140 - 180 triệu đồng/ha thì nay, người dân đang đòi không dưới 700 - 800 triệu đồng/ha.
Giá đất cũng tăng cao chóng mặt tại các khu vực trọng điểm quy hoạch phát triển du lịch, các khu vực có nhiều nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu triển khai dự án. Nhiều vị trí đất khu vực hồ Hòa Bình giá đất cũng được đẩy cao không tưởng. Các khu vực ven hồ như xóm Tháu, xã Thái Thịnh (cũ) nay là phường Thái Bình (TP Hòa Bình) từ lâu nay đã ghi nhận cuộc đổ bộ mua đất của nhiều cá nhân. Một người dân ở xóm Tháu có 1,7 ha đất, dốc ngược, sát mép hồ, năm ngoái mới bán hơn 400 triệu đồng, thì nay đang muốn mua lại với giá hơn 1 tỷ đồng, nhưng chủ đất không bán vì khu đất này có thể bán được xấp xỉ 2 tỷ đồng. Còn các khu vực khác như dọc tuyến đường 435 khu vực xã Bình Thanh, Thung Nai, Ngòi Hoa… giá đất cũng tăng lên mạnh, nhất là từ sau Tết. Dọc đường 435 khu vực xóm Nai, xóm Tiện (xã Thung Nai), xóm Nẻ, xóm Liếm (xã Suối Hoa), người dân đang giao bán từ 300 - 500 triệu đồng/ha, gần gấp đôi so với thời điểm trước đây, nhiều khu vực vùng lõi của hồ Hòa Bình cũng tương tự như vậy.
Giới chuyên môn cho rằng, Hòa Bình đang trở thành "điểm nóng" của các dự án đầu tư vào lĩnh vực đô thị, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng khi mà tỉnh có môi trường trong lành, kết cấu hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ, kề cận với Thủ đô và là xu thế phát triển trong tương lai gần. Đây là cơ hội cho phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng, phát triển thị trường bất động sản của tỉnh. Để tận dụng được nhu cầu đầu tư, phát triển kinh tế ở địa phương, cần có quy hoạch bài bàn, tổng thể, đồng bộ về hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch. Đồng thời có giải pháp xử lý hiệu quả tình trạng đầu tư, thổi giá, gây khó khăn cho nhà đầu tư có năng lực triển khai các dự án vào những lĩnh vực có lợi thế như đô thị, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thực hiện mục tiêu phát xanh, bền vững.
Ông Long, người môi giới đất ở Lương Sơn cho biết thêm: Ông đang tính toán để thoát được hàng vào thời điểm hợp lý. Bởi những năm 2008, 2009, thời giá đất, chứng khoán tăng chóng mặt, lãi suất ngân hàng lên tới 25 - 27%/năm, ra đường là toàn chuyện đất đai, xe ôm, bán nước chè bỗng chốc làm cò đất, nói vanh vách mảnh này, mảnh kia... Nhiều người đổi vận từ đất, phong trào buôn đất ở khắp nơi. Sau đó không lâu, giá chứng khoán tụt dốc không phanh, bong bóng đất vỡ, rồi đóng băng, biết bao gia đình tán gia bại sản, chôn vốn, biết bao người bế tắc... Hiện nay, giá đất lại tăng cao, xe ôm, cò đất xuất hiện mọi nơi, câu chuyện chỉ xoay quanh đầu tư lan đột biến mà thành tỷ phú, đầu tư đất sinh lời cao. Khi mọi người cùng đầu tư, theo lý thuyết kinh tế có nghĩa cơ hội kiếm ăn rất hẹp và hầu như không có.
Trước tình trạng giá đất tăng đột biến, tháng 3 vừa rồi, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp quản lý thị trường bất động sản, công tác quản lý đất đai, việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quản lý sử dụng đất tại một số dự án, công trình không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Công khai thông tin quy hoạch, tiến độ dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính. Chấn chỉnh giá đất; thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tách thửa...
(Còn nữa)
L.C