Huyện Cao Phong là vùng sản xuất cây có múi nổi tiếng của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Ảnh chụp tại thị trấn Cao Phong.
Bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, một số xã dưới 5 tiêu chí, khắc phục khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện nỗ lực tạo được nhiều bứt phá quan trọng. Năm 2014, Dũng Phong là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM. Những kinh nghiệm xây dựng NTM ở xã Dũng Phong được đúc rút, nhân rộng để các địa phương trong huyện học tập. Đến nay, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng NTM lan tỏa, có chiều sâu. Cả hệ thống chính trị vào cuộc để lãnh đạo, chỉ đạo; tư duy, nhận thức của cán bộ, Nhân dân thay đổi mạnh mẽ, thực hiện bằng những việc làm thiết thực.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 đạt huyện NTM, ngay từ đầu năm 2021, UBND huyện đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hướng dẫn các xã triển khai xây dựng kế hoạch, lộ trình xây dựng NTM; xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; KDC kiểu mẫu và vườn mẫu. Trước mắt, năm 2021, huyện huy động mọi nguồn lực để xã Bắc Phong đạt chuẩn NTM. Đến năm 2024, xã khó khăn nhất của huyện là Thạch Yên phải cán đích NTM.
Huyện đã, đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là việc ứng dụng KHKT, công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Huyện tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX nông nghiệp hoạt động, thúc đẩy mô hình liên doanh, liên kết có hiệu quả. Ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, HTX; xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Theo đồng chí Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện: Đối với 4 tiêu chí chưa đạt của huyện là tiêu chí số 2 về giao thông; tiêu chí số 3 về thủy lợi; tiêu chí số 5 về y tế - văn hóa - giáo dục; tiêu chí 7 về môi trường, huyện huy động mọi nguồn lực để thực hiện từng tiêu chí. Tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau. Trong đó, quan tâm quản lý, sử dụng các công trình cơ sở vật chất về văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường nhằm khai thác có hiệu quả công năng sử dụng, có cơ chế huy động nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng, duy trì hoạt động của các công trình đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích, động viên các tổ chức, Nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn công trình công cộng…
Là xã khó khăn nhất của huyện, Thạch Yên tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM. Đồng chí Bùi Đức Chung, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến thời điểm này, xã mới đạt 12/19 tiêu chí NTM. Trong 7 tiêu chí chưa đạt, xã gặp khó khăn nhất ở 3 tiêu chí: Nhà ở, thu nhập và hộ nghèo. Tỷ lệ nhà tạm của xã còn gần 10%, tỷ lệ hộ nghèo 25,98%; thu nhập bình quân đạt 20,3 triệu đồng/người/năm. Để xóa nhà tạm cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã đã tổ chức rà soát, thống kê, lên kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, hoặc xây mới. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo, xã tiếp tục huy động các tổ chức xã hội, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn quyên góp ủng hộ; vận động người dân trong xã hỗ trợ ngày công lao động giúp các hộ khó khăn làm nhà. Đối với vấn đề nâng cao thu nhập và giảm nghèo, xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa các giống mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện địa phương; xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi; đầu tư phát triển du lịch… Song song với phát huy nội lực, cấp ủy, chính quyền, Nhân dân Thạch Yên mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ kinh phí, có nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế để giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thu Thủy