(HBĐT) - "Chỉ cần đẩy xe rùa chất đầy bí xanh lên mặt đường 12B là có ngay tư thương thu mua với giá hơn 1 triệu đồng”… Đó là chia sẻ của các hộ dân trồng bí xanh tại xã Nam Thượng (Kim Bôi) khi giá cao nhất đạt mức 12.000 - 15.000 đồng/kg vào cuối năm 2020. Vậy mà sau khoảng 3 - 4 tháng, những người nông dân đang lâm vào tình cảnh "dở khóc, dở cười” vì giá bí xanh chạm đáy, nhiều diện tích vườn chưa có người đến thu mua.

 


Người dân xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) tập kết bí xanh chờ tư thương đến thu mua. 

Dọc tuyến đường nội đồng tại thôn Bôi Cả, xã Nam Thượng bí xanh chất đống, chờ tư thương đến thu mua. Những ngày cuối tháng 4, giá bí xanh sụt giảm nghiêm trọng, loại đẹp chỉ bán được giá 2.000 - 3.000 đồng/kg, 1.000 - 1.500 đồng/kg đối với bí xanh chất lượng kém hơn. Theo thống kê, xã Nam Thượng có trên 30 ha trồng bí xanh tại các xóm Đội 3, Bôi Cả… Hiện, nhiều diện tích đã đến kỳ thu hoạch, tuy nhiên giá thành sụt giảm, tư thương đến thu mua cũng ít hơn so với trước đây. Trên địa bàn xã có HTX nông nghiệp Bôi Cả và HTX sản xuất rau an toàn Bãi Xe, nhưng không liên kết tiêu thụ mặt hàng nông sản bí xanh.

Anh Bùi Văn Hùng, thôn Bôi Cả cho biết: "Mọi năm, tư thương thu mua bí xanh với giá dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, nếu giảm xuống 7.000 - 8.000 đồng/kg nông dân vẫn có lãi. Tuy nhiên, giá như hiện nay thì không đủ để bù vào vốn đã bỏ ra. Như diện tích 2.000 m2 của gia đình tôi vốn đầu tư ban đầu trên 20 triệu đồng. Hiện đã bán ra thị trường được 3 tấn, giá bình quân 3.000 đồng/kg. Nếu trong những ngày tới thời tiết không thuận lợi, giá thành tiếp tục chạm đáy thì vụ xuân năm nay của gia đình coi như bỏ". 
 
Trên tuyến đường 12B, tại các xã: Kim Lập, Sào Báy, Vĩnh Đồng… bí xanh chất đống ven đường. Bà Bùi Thị Niện, xóm Dảnh, xã Vĩnh Đồng cho biết: "Mấy năm vừa qua, bí xanh bán được giá, gia đình tôi vay vốn ngân hàng để chuyển đổi diện tích 2.000 m2 sang trồng bí xanh. Bắt đầu thu hoạch từ ngày 19/4, tuy nhiên hiện chỉ bán được nhỏ lẻ. Cách đây vài ngày, có người trả 1.800 đồng/kg để mua cả vườn, giá thấp quá nên không bán. Hiện, gia đình bày bán bí xanh trên mặt đường 12B hoặc vận chuyển đến các chợ trung tâm gần đó tiêu thụ”.

Theo thống kê, toàn huyện có trên 400 ha bí xanh, trồng nhiều tại các xã: Đú Sáng, Mỵ Hòa, Nam Thượng… Mỗi năm, bí xanh trồng 2 vụ, trong đó, vụ xuân được đánh giá dễ trồng hơn, cây phát triển tốt, không bị bệnh, năng suất thu về cao hơn, dao động từ 200 - 220 tấn/ha, giá bí xanh trái vụ sẽ cao hơn. Nếu giá thành ổn định, 1 ha có thể thu về trên dưới 200 triệu đồng. Từ trước đến nay, việc tiêu thụ bí xanh chủ yếu do người dân và tư thương tự thỏa thuận, không có hợp đồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Do đó, giá thành bí xanh lên xuống thất thường, không ổn định.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá bí xanh sụt giảm nghiêm trọng do nguồn cung vượt cầu, nông sản gặp khó trong việc tiêu thụ, giá thành bấp bênh. Dịch Covid-19 ít nhiều tác động đến nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, tư thương thu mua bí xanh cũng gặp khó khăn do các chuỗi cung ứng cho nhà hàng, khu du lịch bị đứt gãy…

Đồng chí Vũ Thị Ngọc, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Bí xanh là một trong những giống cây được trồng phổ biến tại các xã trên địa bàn huyện cho hiệu quả kinh tế cao. Để phát triển mô hình trồng bí xanh hiệu quả và bền vững, thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện sẽ tạo mối liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức để có thị trường đầu ra ổn định, tránh tình trạng giá thành sụt giảm, bị tư thương chi phối. Đồng thời, phối hợp với các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trồng, chăm sóc bí xanh tuân thủ các quy trình, đảm bảo chất lượng, năng suất cao, góp phần thúc đẩy phát triển    KT-XH địa phương.

                                                                             
Đức Anh

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Dư nợ ủy thác tín dụng chính sách chiếm 99,9% tổng dư nợ

(HBĐT) - Theo báo cáo của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lạc Sơn, đến hết tháng 3, dư nợ ủy thác qua Hội, đoàn thể nhận ủy thác trên địa bàn huyện trên 444,6 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân hơn 116 tỷ đồng (chiếm 26,1%); Hội Phụ nữ hơn 122,4 tỷ đồng (chiếm 27,5%); Hội Cựu chiến binh 100,7 tỷ đồng (chiếm 22,7%); Đoàn Thanh niên 105,3 tỷ đồng (chiếm 23,7%).

Phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước

(HBĐT) - Theo số liệu mới nhất của Cục Thuế tỉnh, tính đến ngày 23/4, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh thực hiện 1.237,1 tỷ đồng, đạt 28,4% dự toán Chính phủ giao, 24,4% dự toán HĐND tỉnh, bằng 174,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tín hiệu đáng mừng trong thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2021, là tiền đề quan trọng để phấn đấu hoàn thành dự toán thu cả năm được Thủ tướng Chính phủ giao 4.358,4 tỷ đồng và HĐND tỉnh giao 5.070 tỷ đồng.

Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 37,2 tỷ đồng

(HBĐT) - Tiếp tục phát triển nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), trong quý I/2021, từ nguồn ngân sách tỉnh cấp 1 tỷ đồng, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tích cực vận động hội viên đóng góp, đến nay, tổng nguồn quỹ đạt trên 37,27 tỷ đồng.

Các khu công nghiệp thu hút hơn 100 dự án đầu tư

(HBĐT) - Những năm qua, tỉnh ta đã ưu tiên đầu tư, hoàn thiện một số công trình thiết yếu tại các khu công nghiệp: Bờ trái Sông Đà, Yên Quang, Mông Hóa, Lương Sơn, Lạc Thịnh. Hiện tại, khu công nghiệp Lương Sơn và bờ trái Sông Đà đã cơ bản đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Tỷ lệ lấp đầy diện tích tại khu công nghiệp Lương Sơn đạt 100%, bờ trái Sông Đà trên 70%, Mông Hóa gần 40%.

Huyện Mai Châu xây dựng nhãn hiệu cho nông sản

(HBĐT) - Nhắc đến nông sản Mai Châu phải kể đến các nhãn hiệu: "Khoai sọ Phúc Sạn, "Ngô nếp Thung Khe”, "Tỏi tía Mai Châu”. Đó là những sản phẩm nổi tiếng của địa phương, tạo thu nhập ổn định, trở thành những điểm sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của huyện.

Sản xuất 11,4 triệu cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng

(HBĐT) - Thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2021 và hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh "Vì một Việt Nam xanh", thời gian qua, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống thực hiện tốt công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định, tập trung trồng rừng vụ xuân và cả năm 2021 theo kế hoạch. Toàn tỉnh đã sản xuất được 11,4 triệu cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng năm nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục