(HBĐT) - Năm 2020, mặc dù chịu sự tác động của dịch Covid-19, song các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Kim Bôi luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo khắc phục khó khăn trong từng lĩnh vực để phát triển sản xuất, kinh doanh. Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế tập thể (KTTT) của huyện đều đạt và vượt chỉ tiêu Ban chỉ đạo (BCĐ) phát triển KTTT tỉnh giao. Huyện thành lập mới 8 HTX; 25 HTX hoạt động hiệu quả; 3 mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy (Kim Bôi) trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện, toàn huyện có 7 THT (3 THT ngừng hoạt động, 4 THT đang hoạt động); tổng số thành viên 115 người, số lao động thường xuyên trong THT đang hoạt động là 65 người. Trong 40 HTX, có 25 HTX nông lâm nghiệp, 15 HTX phi nông nghiệp; tổng số thành viên của HTX đang hoạt động là 504 người, lao động thường xuyên 1.078 người. Với sự chủ động, sáng tạo các THT, HTX tích cực huy động vốn, ứng dụng KHKT vào sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư bao bì, tem truy xuất điện tử để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Qua đó, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên và lao động địa phương. Năm 2020, thu nhập bình quân thành viên THT đạt 2 triệu đồng/người/ tháng. Thu nhập bình quân thành viên HTX đạt 3,45 triệu đồng/người/tháng.
Ông Bùi Văn Miển, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy cho biết: Năm 2016, nhãn Sơn Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Để nâng cao chất lượng, uy tín của sản phẩm, 41 thành viên HTX mạnh dạn ứng dụng công nghệ tưới tự động, tuân thủ quy trình VietGAP; đầu tư bao bì, nhãn mác, tăng cường xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng. Hiện, toàn HTX có 34 ha nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, sản phẩm nhãn Sơn Thủy được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trong năm, HTX xuất được 120 tấn nhãn sang Trung Quốc.
Đạt được kết quả trên là nhờ vào sự quan tâm, hỗ trợ phát của các cấp, các ngành đối với lĩnh vực KTTT. Năm 2018, UBND tỉnh phân công 2 cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại HTX dịch vụ nông nghiệp Sào Báy và HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Động. Huyện có 3 HTX được hỗ trợ thành lập mới, 2 HTX được hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng, 5 HTX được vay vốn lãi suất thấp để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, UBND huyện bố trí ngân sách hỗ trợ 1 HTX đầu tư xây dựng hệ thống tưới tự động cho cây ăn quả; hỗ trợ 1 HTX xây dựng văn phòng làm việc kết hợp cửa hàng giới thiệu sản phẩm... Tăng cường công tác kiểm tra, hỗ trợ HTX sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP. Bố trí kinh phí để các HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm, thuê đơn vị tư vấn hướng dẫn HTX hoàn thiện hồ sơ tham gia Chương trình OCOP. Đến nay, 4 HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, hạng 3 - 4 sao. Huyện đã xây dựng được 3 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, gồm: HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động áp dụng công nghệ bón phân cho cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP; HTX nông nghiệp Hạ Bì áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản sản phẩm; HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy áp dụng công nghệ tưới tự động.
Đồng chí Bạch Công Thi, Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, KTTT, HTX vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Quy mô sản xuất của các HTX nhỏ, các HTX chưa mạnh dạn đầu tư vốn lớn cho phát triển sản xuất; phương hướng sản xuất chưa ổn định, thị trường tiêu thụ bấp bênh, lợi nhuận chưa cao, đóng góp cho ngân sách Nhà nước còn thấp. Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển KTTT. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của THT, HTX trong từng lĩnh lực. Tăng cường triển khai Luật HTX và các chính sách hỗ trợ HTX phát triển; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi HTX. Củng cố, kiện toàn hệ thống quản lý Nhà nước về KTTT.
Thu Thủy