Theo những diễn biến mới nhất trong tuần qua, thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam đang ở thế chạy đuổi để đòi lại tên của chính mình.

Đường đua tại Mỹ đã đến hồi gay cấn, một đối thủ ngoại đã được công báo sở hữu nhãn hiệu ST25, buộc phía ông Cua phải tăng tốc. Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều, khoảng chưa đầy 30 ngày nữa, nếu không hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết để phản đối, thì đối thủ ngoại sẽ cán đích. Chưa kể, 3 đối thủ khác cũng đã xuất phát trước.

Cuộc đua xuất phát sau là một cuộc đua bất lợi ngay từ vạch xuất phát, vì thế cách đua cũng phải khác. Trong trường hợp này, cách mà nhóm ông Cua bứt tốc để thay đổi cục diện đường đua trong tuần qua chính là những cái bắt tay. Trước tiên là cái bắt tay với Tập đoàn PAN, bởi như người ta nói: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì phải đi cùng nhau".

Doanh nghiệp cùng "bắt tay" để ra biển lớn

"Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí hoặc bản thân kỹ sư Hồ Quang Cua không am hiểu về luật quốc tế nên việc hợp tác và nhận hỗ trợ từ Tập đoàn PAN đã giúp chúng tôi giảm được gánh nặng rất lớn trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu tại nhiều thị trường lớn cùng lúc. Mặt khác PAN có bộ phận chuyên trách về luật, rất am hiểu tình hình, tạo thuận lợi cho việc rút ngắn thời gian đăng ký. Vì vậy, việc hợp tác này mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và chủ của thương hiệu gạo ST25", ông Hồ Quốc Lực, đại diện gia đình ông Hồ Quang Cua, cho biết.

Bên cạnh xúc tiến thủ tục tại các thị trường đang bị đăng ký lén thương hiệu ST25, Tập đoàn PAN cũng đã bắt đầu thủ tục đăng ký thương hiệu này tại các thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm khác của Việt Nam.

Bắt tay giành lại thương hiệu gạo ST25 - Ảnh 1.

Gạo ST25 của Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

"Chúng tôi đã ngay lập tức làm việc với các công ty đầu ngành và các chuyên gia đầu ngành trên thế giới. Chúng tôi đang trong quá trình làm nhưng chưa tiết lộ được cụ thể công ty nào, nhưng chúng tôi khẳng định sẽ làm chuyên nghiệp và hiệu quả nhất", bà Nguyễn Trà My, Tổng Giám đốc PAN Group, khẳng định.

Theo các chuyên gia, cơ sở để phản đối thương hiệu ST25 đã được công báo tại Mỹ, là ở chỗ đây là tên một giống lúa đã được người dân Mỹ biết tới và về mặt kỹ thuật, tên giống lúa không được áp dụng cho tên gạo, nên theo quy chế Mỹ, sẽ không được đăng ký đây là thương hiệu của một loại gạo.

Về cơ bản, doanh nghiệp gia đình ông Cua đã ủy quyền cho PAN bảo hộ và sở hữu thương hiệu gạo ST24 và ST25. Điều này có nghĩa là với các doanh nghiệp khác muốn xuất xuất khẩu thương hiệu gạo này, PAN sẽ đại diện đứng ra thỏa thuận hoặc có thể thu một khoản phí nhất định.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện PAN nhấn mạnh rằng doanh nghiệp và phía ông Cua có sự đồng thuận cao, trong đó các chi tiết nhạy cảm về tài chính trong hợp tác hai bên và với bên thứ ba sẽ được bàn sau, nhưng ưu tiên phải làm ngay vẫn chính là phải giành lại thương hiệu gạo của người Việt.

Như vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bắt tay với doanh nghiệp lớn để tự bảo vệ mình. Tuần qua, một tín hiệu cho thấy còn có một cái bắt tay khác giữa doanh nghiệp và Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đã chia sẻ với báo chí về khả năng Bộ này sẽ đại diện đứng ra mua lại quyền sở hữu giống lúa ST24, ST25 của ông Hồ Quang Cua, xuất phát từ đề nghị của ông Cua muốn nhượng lại bản quyền giống lúa này.

Quyền sở hữu giống lúa hoàn toàn khác và không mâu thuẫn với việc nhượng quyền bảo hộ thương hiệu gạo cho PAN. Nếu được hiện thực hóa, đây là điều chưa từng có tiền lệ.

Doanh nghiệp "bắt tay" Chính phủ bảo vệ thương hiệu gạo quốc gia

Trước nguyện vọng chưa có tiền lệ của ông Hồ Quang Cua muốn nhượng lại quyền sở hữu giống lúa ST24, ST25 cho Nhà nước, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định Bộ đang tính toán và trình Chính phủ việc mua lại quyền sở hữu giống lúa này. Nguồn tiền có thể lấy từ chương trình giống giai đoạn 2021 - 2025, Cục Trồng trọt sẽ là đơn vị sở hữu và quản lý giống lúa này.

"Nguyện vọng của ông Hồ Quang Cua là muốn nhượng lại quyền sở hữu giống lúa ST24, ST25 cho Nhà nước để nhiều đơn vị, tổ chức có thể sử dụng bản quyền này nhằm thúc đẩy ST24, ST25 phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu", ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh.

Còn Tập đoàn PAN, đơn vị nhận ủy quyền đăng ký thương hiệu gạo ST25, ST24 tại các thị trường nước ngoài, cho rằng đây là một tiền lệ tốt.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, vì đây là việc chưa có tiền lệ, nên việc nhà nước bỏ tiền ra mua lại quyền sở hữu một loại giống cũng cần phải có tiêu chí rõ ràng. Bởi ở Việt Nam có tới 800.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, mỗi doanh nghiệp lại có tới hàng chục sản phẩm, chưa tính đến việc quản lý, sử dụng các quyền bảo hộ đó ra sao.

Về việc định giá chuyển nhượng, Bộ Nông nghiệp cũng khẳng định sẽ bám vào Luật Khoa học công nghệ và Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp giao Cục Trồng trọt phối hợp cùng với nhóm tác giả Hồ Quang Cua bàn bạc cụ thể việc chuyển nhượng này, sau đó Bộ sẽ tiến hành làm tờ trình lên Chính phủ.

Bắt tay giành lại thương hiệu gạo ST25 - Ảnh 2.

ST25 là giống gạo Việt Nam ngon nhất thế giới năm 2019, do kỹ sư Hồ Quang Cua (giữa) cùng các cộng sự nghiên cứu và lai tạo.(Ảnh: Báo Đầu tư)

Chưa chắc chắn thương vụ này sẽ xảy ra, nhưng điều có thể nhìn thấy rõ là sự tích cực hỗ trợ, và ủng hộ của Chính phủ đối với tư nhân trong bảo vệ một niềm tự hào quốc gia như là ST25.

Doanh nghiệp nhỏ bắt tay với doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp bắt tay với Chính phủ, đây cũng chính là công thức đầu tiên để thương hiệu nội tự bảo vệ mình khi bơi ra biển lớn.

Điều đáng mừng, hệ thống của USPTO đã xuất hiện hồ sơ đăng ký thương hiệu GẠO ÔNG CUA, với tên doanh nghiệp đăng ký chính là doanh nghiệp Hồ Quang Trí tại Sóc Trăng, doanh nghiệp gia đình ông Cua. Ngày tiếp nhận đăng ký là ngày 3/5 (thứ Hai đầu tuần).

Đây là điểm cộng thứ hai cho pha bứt tốc của nhóm ông Cua, bởi logo như thế này không chỉ nhìn vào riêng một giống lúa nào cả, mà sẽ còn mở đường cho nhiều giống lúa khác sau này, với chính uy tín của tác giả đã tạo ra ST25. Sự tự ý thức về vai trò của thương hiệu trong cuộc đua đường dài cũng sẽ là bài học căn bản với nhiều doanh nghiệp Việt.

Doanh nghiệp cần có tầm nhìn thương hiệu

Mỹ là thị trường lớn thứ hai thế giới có nhu cầu về hồi và quế. Đây cũng là 2 loại sản phẩm chính của một doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam. Chính vì vậy ngay từ đầu tiên, khi đưa sản phẩm vào Mỹ, họ đã nghĩ này tới việc đăng ký bảo hộ thương hiệu tại đây. Cách làm của họ là bán sản phẩm thông qua trang thương mại điện tử Amazon và thông qua đây họ thúc đẩy nhanh quá trình đăng ký, bảo hộ thương hiệu của mình tại Mỹ.

Nếu không có gì thay đổi, chỉ hơn một tháng tới, thương hiệu mới cho sản phẩm quế và hồi của họ sẽ chính thức được bảo hộ tại Mỹ.

Tuy nhiên, với không ít doanh nghiệp Việt, sự thiếu am hiểu thị trường, hay chi phí đăng ký tốn kém, thậm chí tại Mỹ có thể mất tới hàng tỷ đồng đều là những rào cản. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc tư vấn lại cho các doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy từ sản xuất theo sản lượng chuyển sang đầu tư chế biến đi sâu vào chất lượng, tối ưu hóa sản phẩm, tránh bỏ lửng quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình.

Như vậy, thay vì coi chi phí bảo hộ thương hiệu là một khoản chi phí, doanh nghiệp nên nhìn nhận đây lại là một khoản đầu tư dài hạn, dù là không hề nhỏ, nhưng là bắt buộc nếu muốn đi đường dài.

Ngược lại, nếu không sớm đầu tư khoản này, cái giá phải trả của việc mất thương hiệu sẽ còn đắt hơn rất nhiều. Như chỉ tính riêng chi phí làm đơn khiếu nại để đi đòi lại thương hiệu từ doanh nghiệp nước ngoài trong vụ việc ST25, theo các luật sư, đã có thể tiêu tốn tới 25.000 USD, gần 600 triệu đồn, chưa kể tới rủi ro mất trắng thương hiệu của chính mình.

Có thể thấy, tầm nhìn thương hiệu của doanh nghiệp Việt hiện vẫn còn rất nhiều hạn chế, với minh chứng rõ nhất là số liệu trích xuất trên hệ thống của Cục Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO). Việt Nam hiện mới chỉ có hơn 2.689 thương hiệu được đăng ký, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia xếp sau, xếp sau Việt Nam về kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ. Ví dụ như Singapore có tới gần 13.404 thương hiệu đã đăng ký, hay Đài Loan (Trung Quốc) là tới gần 36.871 thương hiệu đã đăng ký.

Rõ ràng, đây không phải chỉ là cuộc đua của riêng một doanh nghiệp, hay riêng một cơ quan chức năng nào, mà là một cuộc đua tiếp sức và cũng chỉ nhờ sự tiếp sức, phối hợp kịp thời giữa các bên, chúng ta mới có thể thay đổi được cục diện của một vận động viên đã xuất phát sau.

                                                      
Theo VTV News


Các tin khác


Huyện Kim Bôi phát triển kinh tế tập thể

(HBĐT) - Năm 2020, mặc dù chịu sự tác động của dịch Covid-19, song các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Kim Bôi luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo khắc phục khó khăn trong từng lĩnh vực để phát triển sản xuất, kinh doanh. Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế tập thể (KTTT) của huyện đều đạt và vượt chỉ tiêu Ban chỉ đạo (BCĐ) phát triển KTTT tỉnh giao. Huyện thành lập mới 8 HTX; 25 HTX hoạt động hiệu quả; 3 mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Thờ ơ với thương hiệu, doanh nghiệp phải trả giá

Hiện có đến 80% doanh nghiệp Việt chưa chú trọng xây dựng thương hiệu. 20% còn lại chú tâm đến lĩnh vực này, song chỉ dừng lại ở trong nước và "không quan tâm” đến thị trường ngoài nước.

Huyện Yên Thủy: Gỡ khó phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

(HBĐT) - Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nhiệp (CN-TTCN) của huyện Yên Thủy đạt 712,5 tỷ đồng, năm 2020 tăng lên 891 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN bình quân đạt 6%/năm. Hoạt động sản xuất CN-TTCN góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu KT-XH, song vẫn còn nhiều khó khăn. UBND huyện Yên Thủy chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường để thúc đẩy CN-TTCN phát triển.

Tháng 8 hoàn thành xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số. Hoàn thành trong tháng 8/2021.

Huyện Kim Bôi: Nông dân lao đao vì bí xanh sụt giá

(HBĐT) - "Chỉ cần đẩy xe rùa chất đầy bí xanh lên mặt đường 12B là có ngay tư thương thu mua với giá hơn 1 triệu đồng”… Đó là chia sẻ của các hộ dân trồng bí xanh tại xã Nam Thượng (Kim Bôi) khi giá cao nhất đạt mức 12.000 - 15.000 đồng/kg vào cuối năm 2020. Vậy mà sau khoảng 3 - 4 tháng, những người nông dân đang lâm vào tình cảnh "dở khóc, dở cười” vì giá bí xanh chạm đáy, nhiều diện tích vườn chưa có người đến thu mua.

Ngành Ngân hàng không ngừng nỗ lực, sáng tạo, đổi mới, góp phần quan trọng phát triển KT-XH

(HBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Ngân hàng (6/5/1951 - 6/5/2021), phóng viên Báo Hoà Bình đã phỏng vấn đồng chí Bùi Văn Xưởng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh xung quanh những kết quả quan trọng ngành Ngân hàng đã đạt được trong thời gian qua, cũng như những định hướng trong giai đoạn tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục