Gạo vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong bão dịch Covid-19 khi doanh nghiệp tiếp tục có nhiều đơn hàng sang các thị trường đòi hỏi cao về chất lượng. Nỗ lực nâng cao chất lượng trong nhiều năm qua đã mang lại kết quả khả quan cho xuất khẩu mặt hàng này thời gian gần đây.


Xuất khẩu gạo giữ vững đà tăng trưởng.
 

Nhiều đơn hàng sang các thị trường chính

Mới đây, Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã trúng thầu bán hai lô gạo cho thị trường Hàn Quốc. Loại gạo Trung An đã trúng thầu là lứt hạt dài. Trong đó, một lô có khối lượng 11.111 tấn với giá 572 USD/tấn và lô còn lại có khối lượng 11.111 tấn với giá 578,5 USD/tấn (giá CIF). Nếu trừ đi cước tàu và các loại phí bốc xếp, thông quan thì quy ra giá FOB tại Việt Nam cũng còn trung bình hơn 500 USD/tấn. Đây là mức giá khá tốt. Một lô sẽ được giao đến cảng Incheon vào tháng 9 và lô còn lại được giao đến cảng Ulsan vào tháng 10.

Đây là lần thứ hai Trung An trúng thầu bán gạo cho thị trường này kể từ đầu năm đến nay với tổng khối lượng là 33.458 tấn và tất cả đều do Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An cung cấp. Hàn Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ gạo có chất lượng và việc liên tục trúng các đơn hàng xuất khẩu sang đây đã cho thấy gạo Việt Nam ngày càng có nhiều sự cải thiện về chất lượng.

Ngoài Hàn Quốc, hạt gạo Việt Nam đã chinh phục thành công nhiều thị trường trong thời gian qua. Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, hoạt động xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm đã đạt được những kết quả tích cực dù lượng có giảm nhưng giá xuất khẩu lại tăng cao trong bốn tháng đầu năm 2021, với khối lượng đạt 1,89 triệu tấn, trị giá 1,01 tỷ USD, giảm 10,8% về lượng nhưng tăng 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu gạo bình quân trong bốn tháng đầu năm 2021 đạt 534 USD/tấn, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức tương đối khả quan so với các "đối thủ” trong tháng 5. Cụ thể, theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong tuần cuối tháng 5 đã giảm tuần thứ 7 liên tiếp do nguồn cung tăng lên sau khi Chính phủ giải phóng kho dự trữ để giúp người nghèo vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, gạo 5% tấm giá giảm xuống 370 - 374 USD/tấn so với 371 - 376 USD/tấn trước đó một tuần. Giá gạo nội địa của nước này cũng giảm đáng kể sau khi Chính phủ xuất kho dự trữ. Tương tự, giá gạo Thái Lan trong tuần qua cũng giảm, loại 5% tấm từ mức 475 - 485 USD/tấn xuống 465 - 473 USD/tấn, thấp nhất trong vòng hơn 6 tháng qua. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tuần qua vững ở mức 490 - 495 USD/tấn, cao hơn gạo của hai quốc gia này. 

Thêm hỗ trợ cho doanh nghiệp

Dự báo về xuất khẩu gạo trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, tình hình sẽ khởi sắc hơn nhờ số lượng đơn hàng có chiều hướng tăng. Các doanh nghiệp tập trung tìm kiếm các hợp đồng với thị trường gần là Philippines và Trung Quốc khi hai thị trường này bắt đầu đợt tăng thu mua. Đồng thời, tích cực tìm cơ hội với các thị trường có FTA với Việt Nam như Anh, EU… Các FTA được ký gần đây như CPTPP, EVFTA, RCEP đã và đang giúp gạo Việt Nam được biết đến nhiều hơn, thị trường xuất khẩu gạo dần mở rộng sang các thị trường tiêu dùng gạo cao cấp, gạo đặc sản, góp phần gia tăng giá trị cho gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, dù hiện tại chính sách cho xuất khẩu gạo đã tương đối ổn định tuy nhiên trong bối cảnh Việt Nam đã ký nhiều FTA thì vẫn cần có nhiều thay đổi để phù hợp với tình hình mới. 

Cụ thể, việc tham gia các FTA mới ngoài đem lại lợi ích về thuế quan cho xuất khẩu cũng sẽ có nhiều rào cản khắt khe, như rào cản về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như gạo ngoại tràn vào Việt Nam theo cam kết mở cửa. Bên cạnh đó, do quy định của Nghị định 107 doanh nghiệp không bị ràng buộc về điều kiện năng lực vốn, bảo đảm vùng nguyên liệu, quy mô kho bãi tồn trữ… nên có quá nhiều đơn vị chỉ làm thương mại tham gia xuất khẩu gạo, tạo ra một cơ chế thu mua, chế biến thông qua nhiều tầng trung gian, dẫn tới lợi nhuận của nông dân bị giảm… Do đó, cần sớm nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhằm khai thác tối đa các lợi thế mà Việt Nam đã có được trong các FTA nhằm nâng cao thị phần xuất khẩu gạo Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, Bộ Công thương đã, đang và sẽ chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các FTA đã ký kết để tận dụng tối đa cơ hội thị trường như Hàn Quốc, EU... Cùng với đó, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp về cơ chế chính sách, tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại, nội luật hóa các cam kết quốc tế, thủ tục hải quan, logistics… giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo khai thác tốt thị trường.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ông Trần Quốc Toản lưu ý cần chủ động hơn nữa trong việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua chất lượng, giá cả cũng như xây dựng và bảo vệ thương hiệu để đa dạng hoá thị trường hướng tới xuất khẩu bền vững.


Theo Nhandan.com.vn


 

Các tin khác


Siết tín dụng với bất động sản, chứng khoán

Trước những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro về cho vay bất động sản (BÐS), chứng khoán, đầu tư kinh doanh trái phiếu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây đã phát tín hiệu cảnh báo, yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) kiểm soát chặt tín dụng liên quan đến các khoản vay này.

Sớm “hồi sinh” những dự án yếu kém của ngành công thương

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị khẩn trương giải quyết công việc tồn đọng, liên quan 12 dự án thua lỗ của ngành công thương. Theo đó, cần lựa chọn phương án tốt nhất trong các phương án có thể, nhìn thẳng vào sự thật và đối mặt sự thật để giải quyết, chọn một vài dự án để xử lý khắc phục, vừa làm vừa mở rộng, rút kinh nghiệm.

Diễn biến lãi suất trái chiều tại các ngân hàng

Sau nhiều tháng giữ ổn định, một số ngân hàng cũng đã tăng nhẹ lãi suất huy động tiền đồng trong khu vực dân cư thời gian gần đây.

Kinh tế tập thể - Thách thức tự đổi mới và hội nhập

(HBĐT) - Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), những năm qua, tại tỉnh ta, thành phần KTTT được củng cố, xây dựng, phát triển. Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) phát triển cả về số lượng, quy mô. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngày càng nâng cao, góp phần tạo thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động. Bên cạnh những kết quả đạt được, KTTT vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với các thành phần kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa cao. Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức KTTT, HTX với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu.

Khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp

(HBĐT) - Huyện Lương Sơn có lợi thế về vị trí địa lý, là cửa ngõ phía Đông của tỉnh, trở thành cầu nối giữa đồng bằng sông Hồng với vùng Tây Bắc và là đô thị vệ tinh quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội. Cùng với đó, huyện có hệ thống giao thông thuận lợi với những tuyến huyết mạch chạy qua như: Quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh và gần với đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình; nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản khá phong phú... Những tiềm năng, lợi thế này là yếu tố quan trọng để huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển KT-XH nói chung, công nghiệp nói riêng.

Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong đợt dịch Covid-19 - việc làm ý nghĩa

(HBĐT) - Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước, trong tỉnh diễn biến phức tạp, nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội, có nơi phải phong tỏa. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ nông sản, tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập của nông dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục