(HBĐT) - Tỉnh hiện có 70 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Thời gian gần đây, qua nhiều kênh giới thiệu, quảng bá, người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh đã ưa chuộng lựa chọn, sử dụng sản phẩm OCOP. Nắm bắt được nhu cầu, một số điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đi vào hoạt động, thu hút người tiêu dùng đến thăm quan, mua sắm.
Mặc dù mới đi vào hoạt động từ giữa tháng 7/2021, song điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh tại địa chỉ số 3, đường Hoàng Diệu, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) đã tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Là khách quen thuộc của cửa hàng, chị Nguyễn Thùy Linh, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) chia sẻ: Đến mua tại cửa hàng bán sản phẩm OCOP tôi không cần mất quá nhiều thời gian để tìm hiểu xuất xứ hàng hóa, không còn lo lắng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Giá cả phải chăng nên tôi rất hài lòng khi sử dụng những nông sản của tỉnh. Sản phẩm bày bán tại cửa hàng phong phú, đa dạng như rau, củ, quả, trứng, thịt gà, miến… Cửa hàng cũng có dịch vụ bán online và ship hàng rất thuận tiện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Anh Phạm Đức Quang, phụ trách điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại địa chỉ số 3, đường Hoàng Diệu cho biết: Hiện cửa hàng có trên 60 sản phẩm OCOP của tỉnh. Ngoài ra có sản phẩm OCOP của một số tỉnh lân cận và nông sản sạch của tỉnh. Tất cả sản phẩm đều có tem, nhãn, giấy chứng nhận OCOP của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, từ khi khai trương đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách hàng tới mua sắm còn hạn chế, chủ yếu là người dân trên địa bàn TP Hòa Bình.
Thời gian qua, để hỗ trợ các chủ thể OCOP quảng bá, giới thiệu, tìm kênh tiêu thụ sản phẩm, tỉnh quan tâm tới việc mở cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các địa phương. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 2 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại TP Hòa Bình và huyện Lương sơn. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh phối hợp Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình mở cửa hàng nông sản an toàn sông Đà tại TP Hòa Bình, chuyên cung cấp nông sản và sản phẩm OCOP của 2 tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình. Hiệu quả, sức lan tỏa của các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được chứng minh qua sự kết nối giữa người tiêu dùng với chủ thể sản xuất và khối lượng tiêu thụ sản phẩm tại cửa hàng. Việc triển khai các điểm bán sản phẩm OCOP là bước đi linh hoạt để xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, mở hướng tiêu thụ ổn định không chỉ thị trường trong và ngoài tỉnh mà còn tìm kiếm đối tác để hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, số lượng cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP còn ít, thậm chí biển hiệu, cách thức bố trí trong cửa hàng cũng không đồng đều, chưa có mẫu thống nhất. Tại các điểm du lịch của tỉnh chưa xây dựng được cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP nên sức lan tỏa tới người tiêu dùng ngoài tỉnh còn hạn chế.
Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP quảng bá, giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, Sở Công Thương đã, đang tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, tạo kênh phân phối riêng cho sản phẩm OCOP. Trong đó, Sở Công Thương phối hợp Sở NN&PTNT, Hội Nông dân, Liên minh HTX tỉnh mở các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP nhằm gỡ khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Năm 2022, Sở Công Thương dự kiến mở cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình, hướng tới lượng khách tới từ các tỉnh lân cận. Để quản lý tốt các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, Sở Công Thương và Văn phòng Điều phối NTM tỉnh phối hợp xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý điểm giới thiệu, bán sản phẩm. Các điểm, cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP phải tạo được điểm nhấn, nhận diện thương hiệu OCOP. Hàng hóa phải dán tem OCOP và đảm bảo chất lượng theo đúng sản phẩm đã được chứng nhận, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.
Thu Thủy