(HBĐT) - Đầu tháng 7 vừa qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, mực nước hồ Hòa Bình xuống thấp và nước đục chảy về khiến hàng chục tấn cá của người dân ở nhiều xã trên địa bàn huyện Đà Bắc bị chết vì thiếu oxy. Người dân nơi đây đang nỗ lực phục hồi sản xuất với không ít khó khăn.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt trên hồ Hòa Bình. Nhiều năm trước, vào thời điểm mùa nắng nóng đã từng nhiều lần xảy ra tình trạng cá chết. Trong 2 năm (2019 - 2020), cá chết với số lượng ít, chỉ xảy ra lẻ tẻ ở một số lồng cá của hộ dân. Tuy nhiên, đầu tháng 7 năm nay, thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, mực nước trên hồ Hòa Bình xuống thấp khiến cá bị chết ngạt vì thiếu oxy. Huyện Đà Bắc là địa phương thiệt hại lớn nhất, nhiều hộ nuôi cá lồng bị ảnh hưởng.
Theo tổng hợp của Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc: Tình trạng cá chết hàng loạt xảy ra tại 6 xã, gồm: Tiền Phong, Đồng Ruộng, Nánh Nghê, Đồng Chum, Yên Hòa, Mường Chiềng. Toàn huyện có 319 lồng cá của 142 hộ bị thiệt hại, tổng số hơn 33,6 tấn cá chết. Xã bị thiệt hại nhiều nhất là Đồng Ruộng với 120 lồng cá của 43 hộ dân, tổng số hơn 11,5 tấn cá chết; tiếp đến là xã Mường Chiềng với gần 9 tấn cá bị chết; xã Tiền Phong thiệt hại gần 6,7 tấn cá; xã Đồng Chum có hơn 4,1 tấn cá bị chết, trong đó, hộ ông Quách Công Thắng thiệt hại nặng nhất với 3,2 tấn cá chết.
Sau sự cố cá chết hàng loạt, hiện nay, môi trường nuôi đã ổn định, một số hộ nuôi cá đang dần khôi phục lại sản xuất. Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ cá gặp nhiều khó khăn nên nhiều hộ vẫn e ngại thả cá giống trở lại. Tuổng Bãi là xóm duy trì nuôi cá lồng nhiều năm nay ở xã Mường Chiềng vì có vùng lòng hồ thuận lợi. Vừa qua, xóm có 52 lồng cá của 28 hộ nuôi bị thiệt hại, có những hộ bị thiệt hại nặng nề, như gia đình ông Đinh Văn In có 6 lồng cá bị chết; hộ ông Xa Văn Tính có 2 lồng cá bị thiệt hại, hơn 1 tấn cá chết.
Đồng chí Bùi Mạnh Hường, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho biết: Những năm trước, vào thời điểm mực nước sông Đà xuống thấp hầu như trên địa bàn xã đều xảy ra hiện tượng cá chết. Năm nay bị thiệt hại nặng nề nhất. Đến nay, bà con chưa dám tái sản xuất. Nguyên nhân vì tâm lý lo ngại sẽ xảy ra sự cố tương tự. Cùng với đó thực trạng tiêu thụ cá trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, bà con chủ yếu bán nhỏ lẻ. Trong khi đó, vốn để đầu tư lồng cá, con giống và thức ăn cho cá khá lớn. Do đó, để khôi phục sản xuất, bà con mong muốn được tiếp tục hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, kết nối thị trường tiêu thụ ổn định hơn.
Để tránh thiệt hại cho người nuôi cá, đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết: Trước thực tế cá chết thường xảy ra khi mực nước hồ Hòa Bình xuống thấp (vào khoảng tháng 6 - 7 hằng năm), huyện khuyến cáo bà con cần thay đổi thời điểm thả cá giống, chọn con giống có kích cỡ lớn hơn để cá phát triển nhanh, đến khoảng tháng 4 - 5 (trước thời điểm nắng nóng), cá nuôi đã có thể thu hoạch được. Đồng thời, lựa chọn các khu vực có nước chảy ra vào để nuôi các loại cá lâu năm.
Trao đổi về thực trạng này, đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Chủ yếu cá nuôi ở các hộ dân bị chết, còn các doanh nghiệp không bị thiệt hại. Với nguyên nhân cá bị chết ngạt vì thiếu oxy, các hộ nuôi cá lồng cần đầu tư quạt thông gió, sục khí và di chuyển lồng cá ra khu vực có nước chảy từ các suối, mó nước ra lòng hồ để sản xuất, hạn chế rủi ro gây ra trong thời điểm mực nước sông Đà xuống thấp như thời gian qua.
Viết Đào