Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị trên thế giới khiến thị trường bấp bênh, năm 2022 ngành nông nghiệp khép lại bằng những con số ấn tượng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.
Kẹo dừa là một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng của tỉnh Bến Tre. (Ảnh THƠM TRẦN)
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn LÊ MINH HOAN đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân về những kết quả đạt được trong năm qua, cũng như hướng đến những giá trị lớn hơn trong năm 2023 và những năm tiếp theo của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 đã cán đích rất ấn tượng, cao nhất từ trước đến nay. Vậy Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả đó?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Để kết lại một năm 2022 dù rất nhiều khó khăn, dịch bệnh, đứt gãy cung cầu, chi phí logistics, giá vật tư đầu vào tăng cao, kết quả có thể chưa đạt được như sự kỳ vọng của người nông dân, nhưng rất đáng tự hào. Tự hào không chỉ là những con số mà chúng ta nhìn thấy, mà là tự hào cả những điều mà chúng ta không nhìn thấy.
Trong khó khăn, càng khẳng định rõ hơn vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp với nền kinh tế, nó không chỉ đóng góp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế mà còn bảo đảm về mặt xã hội. Chúng ta thấy rằng, trong khi nhiều quốc gia bị khủng hoảng an ninh lương thực, đứt gãy ngành hàng, nhưng chúng ta thì không, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tìm đến chúng ta về vấn đề an ninh lương thực trong năm qua. Do đó nhiều khi ta tiếp cận ở những con số tăng trưởng thì chưa thấy hết vai trò và ý nghĩa của ngành nông nghiệp với xã hội.
Phóng viên: Vậy ngoài những con số tăng trưởng ấn tượng, Bộ trưởng cho biết rõ hơn về những điểm sáng của ngành trong năm vừa qua?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tư duy sản xuất nông nghiệp, sang tư duy kinh tế nông nghiệp bắt đầu được người nông dân tiếp nhận. Đã có nhiều nghiên cứu của các chuyên gia về tạo ra giá trị gia tăng của kinh tế nông nghiệp. Những nghiên cứu ấy, cũng như quá trình thực tiễn cho thấy rõ vai trò của thị trường, vai trò kiến tạo của nông nghiệp, trong năm 2022 điều ấy đã thể hiện rất rõ nét.
Vừa qua, chúng ta đã mở cửa cho rất nhiều sản phẩm, ngành hàng nông nghiệp tiếp cận các thị trường khó tính nhất trên thế giới, chứng tỏ rằng nông sản của chúng ta đã đáp ứng tốt trên thị trường quốc tế. Do đó, vai trò của thị trường và định vị thị trường là rất quan trọng, để sản phẩm nông nghiệp của người nông dân sản xuất ra không bị tắc nghẽn.
Thời gian qua, những nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân đã chuyển tư duy sản xuất tăng trưởng đơn giá trị, thành tích hợp đa giá trị như: lúa-tôm, lúa-rươi, du lịch nông thôn… Tôi đánh giá cao vai trò của hàng chục triệu hộ nông dân. Có nhiều mô hình của nông dân từ đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng, đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng, đó là những sản phẩm OCOP được chú trọng và phát triển mạnh mẽ.
Nhiều nơi biết phát huy giá trị nông sản, nông nghiệp bản địa. Điểm nhấn là các giá trị liên kết giữa Nhà nước-người dân-thị trường-doanh nghiệp. Những mô hình này có thể là những gợi ý hay cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chiến lược dài hơi về sản xuất nông nghiệp.
Phóng viên: Như vậy tức là đã có chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ từ người sản xuất đến doanh nghiệp, từ sản xuất đến thị trường?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nghiên cứu thị hiếu của thị trường để sản xuất, đó đang là xu thế và là tín hiệu vui mừng, chắc chắn xu thế này không bị đảo ngược. Các doanh nghiệp đã hướng đến những thị trường cao hơn. Tức là tư duy thị trường đã bén rễ, chuyển từ bán cái mình có, sang cái thị trường cần, đồng nghĩa với việc chúng ta không chỉ hướng về chất lượng mà còn hướng về thị hiếu của các thị trường.
Như vậy vai trò của các doanh nghiệp hiện nay đã thay đổi, như những câu chuyện về gạo, hoa quả... thì vai trò đó nó sẽ dẫn dắt những người trồng lúa, những người trồng hoa quả tự chuẩn hóa lại cách thức sản xuất. Hay nói cách khác, các doanh nghiệp đã thay đổi kiểu "buôn chuyến” sang tư duy về thị trường bền vững, xây dựng chiến lược thị trường lâu dài, liên kết với người nông dân để sản xuất chuẩn hóa ngay từ khâu ban đầu của chuỗi liên kết và thoát đi lời nguyền: Nông dân thì tư duy thời vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ.
Phóng viên: Như Bộ trưởng phân tích, vai trò của thị trường rất quan trọng. Vậy làm thế nào để người nông dân bớt bị rủi ro hơn?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khó khăn, thách thức luôn luôn bám theo nền nông nghiệp. Thí dụ, khi xuống giống rồi, thì ba tháng với hạt gạo, sáu tháng với cây ăn quả, cả năm với chăn nuôi... tức là chúng ta chưa thể đoán định được giá cả, thị trường sau đó sẽ ra sao. Như vậy chúng ta phải kết nối chặt chẽ chuỗi liên kết, chúng ta phải hình thành những chuỗi ngành hàng. Người nông dân cũng phải liên kết với nhau, những doanh nghiệp cũng phải kết nối chặt chẽ với nhau, có như vậy thì chúng ta mới đoán định được những thông tin thị trường bằng các không gian rất bổ ích.
Thí dụ như: Đồng Tháp có Hội quán nông dân; Nông hội của Gia Lai, Tây Nguyên có Cà-phê khuyến nông, Ngôi nhà trí tuệ của Hà Tĩnh đang làm. Đây là không gian để lãnh đạo, nhà khoa học, ngành chuyên môn, người sản xuất trao đổi. Yếu tố quyết định giúp vượt qua rủi ro của ngành hàng chính là thông tin… Từ những hội nhóm đó mới có được thông tin. Vì chúng ta không có thông tin thì khác nào chúng ta đánh cược với thị trường.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, năm 2022, cùng với Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết về phát triển vùng, trong đó đề ra nhiều mục tiêu cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai các giải pháp gì để hoàn thành những mục tiêu mà các nghị quyết đề ra?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đây là một vấn đề lớn, rất ý nghĩa với ngành nông nghiệp và hàng chục triệu nông dân. Nhìn lại một chút, chúng ta thấy rằng, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã nêu bật những thành tựu to lớn sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X. Đó là nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Ngành nông nghiệp đã chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và đóng góp mạnh cho xuất khẩu. Việt Nam đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, theo 3 trục sản phẩm chủ lực, nhóm sản phẩm cấp quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản của địa phương. Trên thực tế, nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân trong xã hội và là trụ đỡ của nền kinh tế.
Trong tham luận của tôi tại các hội nghị triển khai các nghị quyết cũng đã đề cập đến việc làm sao phát huy lợi thế từng vùng, ngoài vùng đồng bằng sông Cửu Long là quy mô hàng hóa, vùng trung du và miền núi phía bắc là quy mô nhỏ, nhưng phải biết kết hợp nét bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ tạo ra những đặc sản của từng địa phương, có giá trị cao; vùng Tây Nguyên là lợi thế về cây ăn quả, cây công nghiệp.
Vùng đồng bằng Bắc Bộ có lợi thế gần các viện, trường, doanh nghiệp lớn, quy mô diện tích canh tác không lớn như đồng bằng sông Cửu Long, nhưng cũng không quá nhỏ như miền núi phía bắc, đủ vừa để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch… Tóm lại chúng ta phải biến Nghị quyết chung thành các chương trình hành động cụ thể cho từng vùng.
Để làm được điều đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khởi động, xây dựng chương trình hành động cho từng vùng, nhưng nếu mọi chiến lược, kế hoạch, đề án chỉ nằm ở tầng cao thì sẽ không có ý nghĩa gì, mà cần chuyển hóa thành hành động của các địa phương. Lần đầu tiên, chúng tôi đã làm ở đồng bằng sông Cửu Long và sẽ làm tiếp ở các vùng khác, thí dụ, nghiên cứu, điều tra xem đồng bằng sông Cửu Long cần bao nhiêu trung tâm dịch vụ kỹ thuật, bao nhiêu cơ sở chế biến, logistics ở Cần Thơ, ở Hậu Giang, ở Cà Mau... để đáp ứng yêu cầu phát triển nghề cá, phát triển nông nghiệp.
Nghĩa là chúng ta phải cụ thể hóa từng phần việc, phần nào của Trung ương, của Bộ làm, phần nào của địa phương làm, phần nào của viện, trường… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ có trách nhiệm kết nối với các viện, trường, các cơ quan nghiên cứu, các nguồn tài trợ quốc tế cho từng vùng.
Tôi vừa mới gặp các nhà tài trợ, các đối tác thường xuyên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở tất cả các lĩnh vực từ lúa gạo, cà-phê, cây ăn quả, thủy sản... để cùng nhau phác họa những ý tưởng, dựa trên cơ sở liên kết vùng, để kéo các nhà tài trợ, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, liên kết vào từng vùng, bằng những kế hoạch, dự án cụ thể.
Phóng viên: Xin cảm ơn Bộ trưởng.