Bài 2 - Nhiều khó khăn trong dồn điền, đổi thửa 

(HBĐT) - Giai đoạn 2017 - 2022, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), toàn tỉnh đã thực hiện DĐĐT được 1.808 ha tại 69 xã, thị trấn. Lũy kế đến hết năm 2022, DĐĐT được 4.407 ha. Việc DĐĐT đã tác động tích cực đến quá trình sản xuất, khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ giảm từ 37 - 50% tại các địa phương triển khai thực hiện. Cùng với những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn.


Xã Thạch Yên (Cao Phong) nhiều diện tích là ruộng bậc thang, manh mún, gây khó khăn trong thực hiện dồn điền, đổi thửa.

Địa hình đồi núi - thách thức lớn nhất trong dồn điền, đổi thửa

Hòa Bình là tỉnh miền núi cửa ngõ Tây Bắc, địa hình tự nhiên bị chia cắt phức tạp, độ dốc lớn. Địa hình tự nhiên là một trong những yếu tố quan trọng trong công tác DĐĐT. Thực tế tại các huyện như: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc… địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi, núi cao, việc DĐĐT rất khó khăn. Theo số liệu thống kê, huyện Mai Châu có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 9.684 ha nhưng chỉ 41 ha có thể thực hiện DĐĐT (chiếm 4%). Huyện Tân Lạc cũng chỉ có 350/11.278 ha, chiếm 3,1% tổng diện tích đất có khả năng thực hiện DĐĐT.

Cùng với những khó khăn về diện tích đất sản xuất manh mún, địa hình chia cắt, tập quán canh tác tại một số xã còn mang tính tự phát, sản xuất chưa theo quy hoạch, năng suất, sản lượng thấp. Tại các xã vùng cao như: Vân Sơn (Tân Lạc), Miền Đồi (Lạc Sơn), Thạch Yên (Cao Phong)… chủ yếu canh tác ruộng bậc thang, gây khó khăn trong DĐĐT.

Đồng chí Hà Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết: "Toàn xã có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 1.132 ha, trong đó, diện tích đất có khả năng DĐĐT 150 ha, chiếm 13,2%. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn do diện tích đất sản xuất nông nghiệp manh mún, ít bằng phẳng. Một số xóm chủ yếu canh tác trên địa hình ruộng bậc thang”.

Thiếu quyết liệt trong dồn điền, đổi thửa

Trong 5 năm (2017 - 2022) thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU, các huyện: Tân Lạc, Cao Phong và TP Hòa Bình chưa quyết liệt dẫn đến không triển khai được DĐĐT. Quy mô, diện tích thực hiện DĐĐT tại một số xã, thị trấn còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nguyên nhân chính do cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quyết liệt vào cuộc, chưa tạo được sự thống nhất trong Nhân dân. Để cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị số 35-CT/TU, toàn tỉnh có 4 Huyện ủy, Thành ủy ban hành nghị quyết, kế hoạch thực hiện; 8 huyện, thành phố ban hành kế hoạch, đề án triển khai DĐĐT và 5 huyện, thành phố thành lập được Ban chỉ đạo DĐĐT, hoặc giao nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thực hiện. Một số địa phương chỉ quan tâm thực hiện DĐĐT trên những diện tích đất bằng phẳng, có khả năng tạo mặt bằng, chưa quan tâm thực hiện hình thức "dồn điền nhưng không đổi thửa” hoặc "đổi thửa mà không dồn điền”. Việc DĐĐT mới thực hiện trên diện tích đất lúa, chưa quan tâm triển khai ở diện tích cây màu, cây ăn quả…

Sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 35-CT/TU, huyện Lạc Sơn mới có 3/24 xã, thị trấn thực hiện thành công DĐĐT, gồm các xã: Yên Phú, Định Cư, Thượng Cốc. Thực tế cho thấy, cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở còn ngại khó, ngại khổ, chưa thực sự vào cuộc, chưa xác định được tầm quan trọng của công tác DĐĐT. Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân còn nhiều hạn chế. Đội ngũ cán bộ làm công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phương án DĐĐT, quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. 

Đồng chí Đỗ Văn Bảng, Bí thư Đảng ủy xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) cho biết: "Quá trình tổ chức thực hiện DĐĐT tại địa phương còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Các xóm địa hình phức tạp, nhiều diện tích lúa manh mún, nhỏ lẻ. Chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong Nhân dân khi thực hiện DĐĐT. Một số người dân chưa nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này. Mặt khác còn tâm lý băn khoăn, ngại thay đổi bởi đã đầu tư kinh phí vào diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện đang canh tác tốt”. 

Băn khoăn về những phát sinh sau dồn điền, đổi thửa

Một trong những vấn đề đặt ra đối với các xã đã, đang triển khai thực hiện DĐĐT là nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi sau DĐĐT và công tác đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Tìm hiểu thực tế được biết, hiện nay, kinh phí thực hiện chủ yếu từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án và huy động Nhân dân đóng góp. Chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với hoạt động DĐĐT tại địa phương. Chính vì vậy, việc thực hiện tại các xã vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn còn nhiều bất cập, bởi không huy động được nguồn lực trong Nhân dân. Một số hệ thống đường giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi đã được cứng hóa nhưng lại không phù hợp với quy hoạch khi triển khai thực hiện DĐĐT. Do đó, kinh phí dành cho  đầu tư, chỉnh trang đồng ruộng "hậu” DĐĐT là một trong những nỗi trăn trở lớn của bà con…

Ngoài ra, thực tế tại một số địa phương, công tác trích đo bản đồ địa chính, cấp mới GCNQSDĐ sau khi thực hiện DĐĐT còn nhiều bất cập. Việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân trên phần diện tích đã thực hiện dồn đổi chậm tiến độ, thiếu nguồn lực thực hiện. Theo rà soát, công tác đo đạc, cấp mới GCNQSDĐ hiện mới thực hiện hiệu quả tại huyện Yên Thủy. Còn tại các huyện: Lạc Sơn, Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc, Lạc Thủy… đang thực hiện công tác đo đạc bản đồ, kê khai hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ. 

Ông Xa Kỳ Đông, Trưởng xóm Tình, xã Tú Lý (Đà Bắc) trăn trở: "Là một trong những xóm triển khai làm điểm DĐĐT trong giai đoạn 2019 - 2020, toàn xã có trên 30 hộ thực hiện dồn đổi diện tích khoảng 5 ha. Quá trình thực hiện nhận được sự đồng thuận trong Nhân dân. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 năm, tất cả các hộ thực hiện DĐĐT trên địa bàn xóm đều chưa được cấp GCNQSDĐ. Toàn bộ quy trình DĐĐT chỉ được thống nhất bằng miệng và báo cáo ban quản lý xóm chứ không có giấy tờ xác thực của cơ quan quản lý Nhà nước. Nguyên nhân chính do triển khai các thủ tục pháp lý chậm tiến độ, việc xác minh nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn”.

(Còn nữa)

Đức Anh (P.V) - Xuân Thiên (Trung tâm VH-TT&TT huyện Yên Thủy)


Các tin khác


Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư khu công nghiệp Yên Quang

(HBĐT) - Khu công nghiệp (KCN) Yên Quang (TP Hoà Bình) nằm ở vị trí chiến lược, thuận lợi, có nhiều dư địa để phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, tuy nhiên, tiến độ triển khai chậm nhiều so với yêu cầu. Tỉnh tập trung chỉ đạo chủ đầu tư (CĐT) và các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), đầu tư hạ tầng kỹ thuật, sớm khởi công dự án để thu hút nhà đầu tư (NĐT) thứ phát, phát triển công nghiệp theo quy hoạch bền vững.

Ngành ngân hàng, tài chính giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2023

Thay vì đặt kế hoạch tăng trưởng 20 - 30% như các năm trước, tất cả ngân hàng đều điều chỉnh kế hoạch năm 2023.

Huy động thành công hơn 34.800 tỷ đồng qua kênh trái phiếu Chính phủ

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, tháng 4/2023, HNX tổ chức 14 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành.

Đề nghị các địa phương cấp "sổ đỏ" cho căn hộ, biệt thự du lịch

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn số gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị khẩn trương triển khai thực hiện quy định mới của pháp luật về đất đai.

Kiểm tra tiến độ các dự án cấp bách trên địa bàn thành phố Hoà Bình 

(HBĐT) - Sáng 16/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án cấp bách trên địa bàn TP Hoà Bình. 

Trên 24,4 tỷ đồng hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023, huyện Lạc Thuỷ được cấp kinh phí 24.420 triệu đồng trong giai đoạn 2021 - 2023. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 13.580 triệu đồng, vốn sự nghiệp 10.840 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục