Năm 2024 được kỳ vọng tiếp tục mở ra cơ hội mới cho tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, một số nông sản đặc trưng của tỉnh tiếp tục xuất ngoại theo các đơn đặt hàng. Ngành nông nghiệp tích cực đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị, hộ sản xuất tập trung chăm sóc các loại cây trồng, đảm bảo số lượng sản phẩm cho các đơn đặt hàng xuất khẩu nông sản từ nay đến cuối năm. Đồng thời, quan tâm mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa.
Sản phẩm bưởi Diễn Lương Sơn được phân loại, sơ chế tại Công ty Cổ phần R.Y.B trước khi xuất khẩu.
Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm
Công ty CP Kim Bôi, khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) là một trong những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm măng sơ chế, chế biến của tỉnh. Ông Ngô Hoàng Long, Giám đốc phụ trách, điều hành sản xuất công ty cho biết: Năm 2023, công ty xuất khẩu trên 430 tấn sản phẩm măng tươi, măng chế biến, dưa cải muối..., doanh thu đạt trên 20,1 tỷ đồng. Để có thể hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra trong năm nay, công ty đang triển khai các giải pháp trong sản xuất, kinh doanh, từng bước đưa một số sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn Halal của các nước đạo Hồi. Từ đó tìm kiếm và khai thác những thị trường mới để xuất khẩu, đặc biệt là các nước khu vực Trung Đông.
Xã Ngọc Lương (Yên Thủy) có diện tích trồng bưởi lớn, là địa phương đầu tiên ở tỉnh xuất khẩu bưởi Diễn sang Vương quốc Anh. Thời điểm này, nông dân tích cực theo dõi diễn biến thời tiết, chú trọng phòng trừ sâu bệnh để bảo vệ chất lượng quả, phục vụ tiêu thụ tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Đồng chí Trịnh Đình Sơn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy cho biết: Niên vụ 2024 - 2025, huyện phấn đấu nâng cao chất lượng bưởi loại 1 để đóng góp vào sản lượng bưởi xuất khẩu toàn tỉnh từ 50 - 70%. Huyện đã chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ những mã số vùng trồng (MSVT) đã được cấp, giám sát, kiểm tra chéo lẫn nhau trong việc thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Tập huấn kỹ thuật trồng bưởi theo quy trình GlobalGAP cho nông dân. Tiếp tục hỗ trợ cấp MSVT cho các diện tích bưởi đạt tiêu chuẩn; hỗ trợ nhà kho, kệ để bưởi cho các cơ sở để bảo quản bưởi sau thu hoạch...
Thời gian qua, với nhiều chính sách hỗ trợ, nguồn lực đầu tư của các cấp, ngành và chính quyền các địa phương, tỉnh đã xây dựng được một số vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có 46 MSVT xuất khẩu với tổng diện tích 389,77 ha; 5 mã số cơ sở đóng gói được phê duyệt, duy trì. Nhờ đó, một số mặt hàng nông sản của tỉnh đã góp mặt trong danh mục hàng hóa nông sản xuất khẩu thời gian gần đây, như: chè, măng, bưởi, chuối, rau củ muối, ớt muối... Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xuất khẩu trên 1.508 tấn sản phẩm nông sản sơ chế, chế biến, tổng giá trị xuất khẩu gần 53,610 tỷ đồng. Thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Đài Loan, Cộng hoà Séc, New Zealand, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...
Đồng chí Lê Minh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Những năm qua, hoạt động quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh được tăng cường. Các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn tiếp tục được hình thành và phát triển. Qua đó góp phần xây dựng uy tín, thương hiệu nông sản của tỉnh, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ, sản xuất và đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa.
Chủ động ứng phó, nỗ lực tăng trưởng xuất khẩu
Đầu năm 2024, xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh có khởi đầu sôi động nhờ những tín hiệu tích cực của thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro khó lường, đòi hỏi người nông dân cũng như doanh nghiệp cần chủ động các phương án ứng phó với diễn biến của thị trường. Mặt khác, đến giữa năm, giá xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản có hiện tượng chững lại, thậm chí bắt đầu giảm theo xu hướng chung của thị trường thế giới và do diễn biến bất ổn tại một số quốc gia.
Nhằm khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, ngành NN&PTNT tỉnh tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Sở NN&PTNT cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, tập trung vào sản xuất an toàn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa; hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; đẩy mạnh cấp, giám sát MSVT, mã số cơ sở đóng gói; kết nối giữa doanh nghiệp sơ chế, chế biến với các vùng sản xuất tập trung; quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước...
Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: "Hoạt động xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vượt qua khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. Theo dự báo, xuất khẩu nông sản trong cả nước những tháng cuối năm sẽ tăng trưởng mạnh nhưng cũng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, người dân và doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu... để xuất khẩu nông sản thực sự bền vững. Bên cạnh đó, trước tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chăm sóc tốt thị trường mới, tiềm năng và các thị trường truyền thống. Đặc biệt, nhanh nhạy nắm bắt tình hình, đưa ra dự báo và chủ động các phương án ứng phó để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Thu Hằng
Thời gian qua, Công ty Điện lực Hoà Bình (PC Hoà Bình) đã xây dựng phương án và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, khắc phục tồn tại, bảo dưỡng thiết bị nhằm đảm bảo vận hành an toàn lưới điện, cấp điện ổn định trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Ngày 29/8, Liên đoàn Lao động huyện Lạc Thuỷ đã công bố quyết định thành lập Nghiệp đoàn cơ sở chế tác đá cảnh Lạc Thủy. Đây là nghiệp đoàn cơ sở đầu tiên trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình.
Mùa mưa bão là thời điểm dễ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm có thể gây thiệt hại cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, các hình thái thời tiết cực đoan như dông lốc, sấm sét, sạt lở đất, lũ quét cũng đe dọa thiệt hại nếu người chăn nuôi không chủ động các biện pháp phòng tránh cho đàn vật nuôi.
Là huyện vùng cao nhiều khó khăn, các nguồn lực đầu tư có vai trò quan trọng phát triển hạ tầng, thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, huyện Đà Bắc đang tăng cường phối hợp các ngành liên quan, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).
Ngày 29/8, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến với các huyện, thành phố triển khai, phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước (TNN) số 28/2023/QH15 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật TNN. Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.