Bên cạnh những mặt hàng truyền thống, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã và đang nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm mới như: Trang phục chống cháy, bảo hộ lao động, sản phẩm phục vụ ngành y tế trong phòng chống dịch bệnh,… nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Ðây được coi là hướng đi phù hợp, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty May 10.
Sau bảy tháng kể từ khi Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Tập đoàn Coats (Vương quốc Anh) ký hợp tác chiến lược trong sản xuất vải và trang phục chống cháy, đến nay, những đơn hàng đầu tiên đã được sản xuất và cung ứng ra thị trường.
Bước đi đột phá
Theo Giám đốc điều hành Vinatex Phạm Xuân Trình, trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Coats, vải chống cháy là một trong những mặt hàng trọng tâm trong 5 năm tới. Do đó, phía đối tác đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nghiên cứu phát triển sản phẩm cũng như tận dụng những lợi thế kinh doanh, kinh nghiệm sản xuất mặt hàng này từng được áp dụng tại Mexico và Ấn Ðộ.
Ðối với Vinatex, xuyên suốt thời gian qua, đơn vị đã tập trung định hướng phát triển dựa trên nền tảng, thế mạnh của chuỗi cung ứng từ sợi, dệt, nhuộm, may nhằm đáp ứng nhu cầu của tất cả khách hàng trên toàn cầu.
Quá trình chuẩn bị cho sản xuất mặt hàng vải chống cháy bao gồm nhiều nguyên tắc, quy định cần tuân thủ như thị trường, nhân sự, nhà xưởng và công nghệ. Ðến nay, đơn vị đã tiếp nhận các thông tin, nhận chuyển giao công nghệ, làm hàng mẫu,… và sản phẩm làm ra đều đạt yêu cầu kỹ thuật, được đối tác đánh giá cao.
"Bên cạnh thuận lợi, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn do mặt hàng chống cháy là sản phẩm đặc biệt cho nên hóa chất sử dụng khác với các hóa chất thông thường. Một số nhãn sản phẩm hóa chất cần từ 1 đến 2 tháng để đặt hàng và vận chuyển về Việt Nam, thậm chí phải đi bằng máy bay. Tất cả các nhà cung ứng hóa chất, thuốc nhuộm,… đều phải đạt yêu cầu khắt khe của đối tác thì doanh nghiệp mới được triển khai ký kết để đưa vào sản xuất”, ông Phạm Xuân Trình khẳng định.
Ðược lựa chọn là đơn vị sản xuất dòng sản phẩm mới sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển về mọi mặt từ nền tảng sản xuất đến hiệu quả kinh doanh trong lâu dài, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp phát huy chuỗi cung ứng, có sản phẩm hoàn chỉnh mang thương hiệu riêng.
Theo đánh giá của Chủ tịch HÐQT Vinatex Lê Tiến Trường, việc hợp tác với Tập đoàn Coats sản xuất vải và trang phục chống cháy là bước đi đột phá, giúp doanh nghiệp nâng tầm thương hiệu, bởi mặt hàng có yêu cầu kỹ thuật cao, mang tính pháp lý, bản quyền, không phải mặt hàng thời trang thông thường. Ðáng chú ý, sản phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn, quy định đánh giá ở quốc gia nhập khẩu.
Hiện doanh nghiệp đang khẩn trương sản xuất để xuất khẩu những đơn hàng vải chống cháy đầu tiên sang Indonesia, Ấn Ðộ, Trung Ðông, Mỹ. "Với mặt hàng này, đơn vị đặt mục tiêu doanh thu đạt từ 2-2,5 triệu USD trong năm nay và trong 5 năm đầu tiên. Ðịnh hướng mỗi năm, mặt hàng này có thể tăng trưởng gấp đôi và đáp ứng tốt yêu cầu của các thị trường, nhất là Mỹ, bởi đây là thị trường rất quan trọng của dệt may thế giới. Từ bước tiến ở thị trường này sẽ tạo thuận lợi ở các thị trường khác như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,…”, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Xu thế tất yếu
Trong những năm qua, các doanh nghiệp dệt may đã không ngừng đầu tư, nghiên cứu, đưa ra những dòng sản phẩm mới trên thị trường nhằm duy trì tăng trưởng, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ðơn cử, Tổng công ty May 10 đã đầu tư hàng loạt các trang thiết bị, máy móc hiện đại, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao tay nghề cho người lao động. Qua đó, đơn vị sẵn sàng nhận những đơn hàng chuyên biệt, khó, phức tạp, đòi hỏi thời gian sản xuất ngắn, giao hàng nhanh.
Hay việc Tổng công ty cổ phần Phong Phú hợp tác với Công ty TNHH Advance Denim, từ năm 2019 đến nay, chuyên sản xuất vải denim (vải được dệt đan chéo chắc chắn, bằng 100% cotton). Ðến nay, Phong Phú đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong sản xuất vải denim tại Việt Nam. Bên cạnh các dòng cổ điển 100% cotton, Phong Phú phát triển thêm hàng trăm mẫu jeans mới, với thành phần sợi cotton, tencel, spandex, viscose đáp ứng nhu cầu thời trang của thị trường.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc mở rộng thị trường và đón đầu cơ hội ở thị trường ngách là hướng đi tất yếu, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, doanh nghiệp thường lựa chọn các đơn hàng, sản phẩm khó, đặc thù và tiềm năng như vải chống cháy cũng sẽ đứng trước nhiều thử thách.
Bởi lẽ, những sản phẩm này đòi hỏi nguồn vốn lớn cho đầu tư công nghệ, đồng thời doanh nghiệp cũng cần có chiến lược và quyết tâm cũng như nguồn nhân lực đủ mạnh. Mặc dù khó khăn còn lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn sẵn sàng đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực, công nghệ nhằm hướng tới phát triển bền vững.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang nhận định, việc chủ động tìm kiếm khách hàng mới, nhất là ở các thị trường ngách được xem là chìa khóa giúp doanh nghiệp giữ được sự ổn định trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Ðơn cử như thị trường Trung Ðông có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, người tiêu dùng khu vực này sẵn sàng trả giá cao để mua các sản phẩm chất lượng tốt.
Tuy nhiên, khu vực này có sự đa dạng về văn hóa, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đầu tư, nghiên cứu, hiểu biết văn hóa, thói quen tiêu dùng và môi trường kinh doanh để chào bán sản phẩm phù hợp. Tiếp đến, các thị trường mới, tiềm năng như: Nga, Canada, Trung Quốc,… cũng cần được các doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu để đưa ra những dòng sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
"Bên cạnh những sản phẩm xuất khẩu, Vinatex và Coats cũng kỳ vọng có thể mang tới các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam cho các đối tác khách hàng hiện nay đang phải nhập khẩu vải chống cháy từ nước ngoài, tiến tới cung ứng ngay trong nước, thay thế các nhãn hàng đang cung cấp cho sản xuất FOB tại Việt Nam đối với một số ngành nghề đặc thù.
Cùng với đó, hai bên tập trung xây dựng chương trình truyền thông về cấp độ chất lượng vải theo đúng chủng loại sản phẩm chiến lược do Vinatex sản xuất, tùy theo nhu cầu của từng khách hàng”, Giám đốc điều hành Vinatex Phạm Xuân Trình nhấn mạnh.
Theo Báo Nhân dân
Thương vụ Việt Nam tại Philipines nhận định: Với đà tăng trưởng như hiện nay, dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Philippines trong năm 2024 sẽ lần đầu tiên vượt mức 8 tỷ USD, đạt khoảng 8,5 tỷ USD; trong đó, xuất siêu trên 3 tỷ USD.
Ngày 30/10, Ban Chỉ đạo (BCĐ) đôn đốc tiến độ thu, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) tỉnh tổ chức họp đánh giá công tác thu NSNN năm 2024. Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì cuộc họp.
Sáng 30/10, tại huyện Lạc Sơn, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc, kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng. Tham dự có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND 2 huyện Lạc Sơn, Yên Thuỷ.
Theo Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 10 của cả nước đạt 52,29%. Có 15/44 bộ, ngành và 41/63 địa phương giải ngân trên mức trung bình của cả nước.