Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, trên khắp các cánh đồng trong tỉnh, bà con nông dân hối hả xuống đồng sản xuất cho một mùa vụ quan trọng. Trước diễn biến thời tiết giá rét kéo dài, tổng lượng mưa ít hơn so với cùng kỳ, nhưng với sự chủ động và quyết tâm, sản xuất vụ đông xuân cơ bản diễn ra khẩn trương và thuận lợi.


Không khí hối hả sản xuất vụ đông xuân trên cánh đồng xã Kim Lập (Kim Bôi).

Hối hả trên những cánh đồng sản xuất

Cùng với các vùng quê trong tỉnh, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nông dân trên địa bàn huyện Kim Bôi tất bật làm đất, bón phân lót và cấy lúa đúng khung thời vụ. Mặc dù năm nay lượng mưa ít hơn mọi năm, song các hồ chứa trên địa bàn huyện đã chủ động tích nước và điều tiết hợp lý, linh hoạt.

Tại thị trấn Bo, sau Tết, những cánh đồng bắt đầu phủ sắc xanh của lúa. Lác đác bên cạnh những ruộng đã làm đất, còn vài ruộng ngô và rau vụ đông chuẩn bị thu hoạch. Ông Bùi Văn Liêm, người dân thị trấn Bo chia sẻ: "Sau khi thu hoạch lúa vụ mùa, gia đình tôi tiếp tục làm đất để trồng ngô và rau vụ đông. Trước Tết Nguyên đán, gia đình đã thu hoạch ngô, còn sau Tết thu hoạch nốt ruộng rau còn lại. Đến nay, gia đình đã cày bừa xong, bón phân lót và tiến hành cấy lúa. Nhìn chung, năm nay thời tiết có rét nhưng chúng tôi đã chủ động phủ nilon nên mạ phát triển khá tốt. Nguồn nước phục vụ sản xuất cũng đảm bảo”.

Cũng trong huyện Kim Bôi, tại xã Kim Lập, không khí sản xuất cũng diễn ra hết sức khẩn trương. Bà con làm đất, cày bừa hoàn toàn bằng máy. Những luống mạ được mở nilon để chuẩn bị cấy. Chị Nguyễn Thị Thắm, người dân xóm Mến Bôi cho biết: "Vụ này, gia đình tôi cấy hơn 2.000m² với giống lúa TR225. Đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn và khả năng kháng sâu bệnh tốt. Mấy hôm vừa rồi, gia đình tôi tập trung làm đất và bắt ốc bươu vàng để hạn chế thiệt hại. Gia đình thuê người cấy nên chỉ cấy trong một ngày là xong. Do thời tiết vẫn có rét đậm, chúng tôi phải thường xuyên thăm ruộng, đảm bảo đủ nước để giữ ấm cho lúa”.

Tại huyện Lạc Thủy, một số diện tích lúa được cấy sớm trước Tết, nay đã xanh đồng. Sau Tết, bà con khẩn trương cấy lúa kịp tiến độ theo kế hoạch. Vụ chiêm xuân này, thị trấn Chi Nê có kế hoạch gieo cấy 130 ha. Ghi nhận thực tế trong ngày 5/2 (mùng 7 tháng Giêng), bà con trên địa bàn thị trấn đã cấy được trên 65% diện tích. Đồng chí Nguyễn Ngọc Lên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chi Nê cho biết: "Trước Tết, bà con đã cấy một số diện tích trà sớm để kịp thu hoạch trước khi có lũ tiểu mãn. Dự kiến trước ngày 20/2, thị trấn sẽ hoàn thành cấy lúa. Về nước tưới, đây là một trong những năm hạn do ít mưa. Lượng nước ở hồ Tam Long thấp hơn so với mọi năm. Một số diện tích ruộng cao không cấy được, đạt khoảng 95% theo kế hoạch. Những diện tích này sẽ được chuyển đổi sang trồng các loại cây rau, màu khác”.

Ở các huyện vùng cao Đà Bắc, Mai Châu, bà con đã cơ bản hoàn thành làm đất và bắt đầu cấy lúa. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường, đến thời điểm này, tiến độ sản xuất vụ đông xuân tại các địa phương đảm bảo theo khung thời vụ.

Tăng cường chống hạn và phòng, chống rét

Mặc dù lượng mưa ít hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên các địa phương trong tỉnh đã chủ động tích nước và điều tiết nước tiết kiệm, hợp lý để phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Theo UBND huyện Kim Bôi, sau Tết Nguyên đán, bà con đã ra đồng sớm để tập trung sản xuất. Dự kiến đến giữa tháng 2, toàn huyện sẽ hoàn thành gieo cấy lúa vụ chiêm xuân. Từ đầu năm 2025, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn hướng dẫn người dân sử dụng các giống lúa mới có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt như TR225, Nhị Ưu 8 và Thiên Ưu 838.

Năm nay, việc cấy sớm nhằm tránh bị ảnh hưởng của thiên tai vào tháng 5 và tháng 6. Để chống hạn, ngay từ đầu năm, các địa phương đã tập trung khơi thông mương, bai, kênh để tích nước và tránh thất thoát. Dù hạn hơn cùng kỳ năm trước nhưng nhờ có sự chủ động, toàn huyện vẫn đủ nước tưới cho khoảng 90% diện tích cấy lúa. Một số khu vực bị hạn cục bộ đã lấy nước từ nơi khác về phục vụ sản xuất”.

Đối với huyện Lạc Thuỷ, vụ đông xuân là mùa vụ quan trọng nhất trong năm. Do đó, từ đầu năm, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn làm tốt công tác thủy lợi, nhất là xây dựng phương án điều tiết nước tưới hợp lý và phòng chống hạn sau khi hoàn thành cấy lúa. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ các loại máy bơm để chủ động bơm nước từ sông, suối phục vụ tưới tiêu.

Tại huyện Đà Bắc, do địa hình vùng cao và khí hậu khắc nghiệt vào mùa đông, người dân vừa tập trung làm đất, vừa triển khai các biện pháp chống rét cho mạ và lúa đã cấy. Vụ chiêm xuân 2025, huyện Đà Bắc có kế hoạch gieo cấy 988 ha lúa nước. Theo UBND huyện Đà Bắc, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và đơn vị quản lý công trình thủy lợi kiểm tra, duy tu hồ đập, kênh mương. Đặc biệt là sửa chữa kịp thời các công trình hư hỏng do mưa lũ. Một số xã vùng cao đã hoàn thành cấy lúa trước Tết. Hiện nay, các xã còn lại tập trung làm đất để cấy lúa đúng khung thời vụ. Huyện cũng tuyên truyền, khuyến cáo bà con tăng cường chống rét cho mạ và không cấy lúa khi nhiệt độ dưới 15°C. Toàn huyện dự kiến hoàn thành cấy lúa chiêm xuân trong tháng 2/2025.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, kế hoạch vụ đông xuân 2024 - 2025, toàn tỉnh gieo trồng 62 nghìn ha cây hàng năm. Trong đó, có 15.933 ha lúa, 15.282 ha ngô, 6.583 ha rau, đậu các loại và 6.620 ha mía. Năm 2025 được dự báo tiếp tục có những biến động của thời tiết bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt. Trong tháng 1 và tháng 2, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài diện rộng, đặc biệt tại các khu vực vùng cao, kèm theo sương muối và băng giá. Do đó, để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất lợi, các địa phương cần chỉ đạo người dân thực hiện gieo cấy đúng lịch thời vụ và kế hoạch sản xuất. Đồng thời, tiếp tục rà soát những diện tích đất lúa không chủ động nước và đất cấy lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định; ưu tiên các cây trồng có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương cần kiểm tra, rà soát, tu bổ và xây mới các công trình thủy lợi, kịp thời ứng phó khi mưa lũ xảy ra, tập trung khắc phục các công trình bị ảnh hưởng do bão lũ. Tăng cường áp dụng các giải pháp tưới nước tiết kiệm và phổ biến biện pháp phòng chống hạn cho người dân.

Dù đối mặt với nhiều thách thức từ thời tiết khắc nghiệt, nhưng với sự đồng hành của các cấp, các ngành chức năng, nông dân trong tỉnh hăng say sản xuất và vững tin vào một mùa vụ bội thu. 

Tăng cường chống hạn cho cây trồng vụ đông xuân

Bùi Huyên

Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thuỷ

Yên Thủy là huyện khó khăn về nguồn nước, do không có sông, suối lớn chảy qua. Nguồn nước phục vụ sản xuất chủ yếu lấy từ các hồ đập và lượng mưa hàng năm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 159 công trình thuỷ lợi. Trong đó có 71 hồ chứa, 87 bai dâng, 1 trạm bơm điện với diện tích tưới tiêu trên 4.600 ha. Vụ đông xuân 2025, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện gần 8.278 ha. Năm 2024, do lượng mưa trung bình ít hơn mọi năm nên hiện mực nước tại các hồ đập trung bình đạt khoảng 50% so với dung tích thiết kế. Dó đó, nguồn nước phục vụ sản xuất vụ này đáp ứng được khoảng 55% diện tích gieo trồng.

Để chống hạn cho cây trồng, UBND huyện đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tưới tiêu, điều tiết nguồn nước hợp lý, chống rò rỉ thất thoát, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả. Tổ chức nạo vét kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm; ao giếng, khơi thông dòng chảy và đào giếng, khoan giếng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Hỗ trợ tiền điện, tiền dầu, mua máy bơm cho các xã, thị trấn để bơm nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Ngoài ra, chú trọng sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa xuống cấp, kiên cố hệ thống kênh mương đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất.

 

Chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư, phân bón phục vụ sản xuất

Bùi Hoài Nhi

Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong

Kế hoạch diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ chiêm xuân 2025 trên địa bàn huyện Cao Phong là trên 4.600 ha, gồm các loại cây: lúa, ngô, khoai lang, khoai sọ, lạc, đậu tương, sắn, mía, dong riềng, rau đậu các loại và cây hàng năm khác. Để đáp ứng nhu cầu về giống, vật tư, phân bón và các điều kiện khác phục vụ sản xuất, các đơn vị, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện đã cung ứng đầy đủ, kịp thời giống lúa, ngô, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay trên địa bàn huyện có 75 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ đông xuân 2025.

Mặc dù thời tiết rét kéo dài nhưng nhờ chủ động các biện pháp phòng rét nên các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển bình thường. Trên địa bàn huyện không có diện tích mạ bị chết và sâu bệnh, 100% diện tích mạ đã gieo được chăm sóc đảm bảo theo quy trình. Các giống lúa chủ yếu được đưa vào sản xuất vụ này là Nhị ưu 838, TH3-3, TH3-4, BC15 kháng đạo ôn, TBR225. Hiện nay bà con nông dân tập trung làm đất, gieo cấy đảm bảo theo kế hoạch sản xuất.

 

Thường xuyên thăm đồng để phòng sâu, bệnh hại

Bùi Văn Đượng

Xóm Gia Phú, xã Gia Mô (Tân Lạc)

Mỗi năm gia đình tôi cấy 2 vụ lúa, diện tích khoảng 2 nghìn m2. Vụ này thường cho năng suất cao hơn so với vụ hè thu. Năm nay, trước Tết gia đình đã thu hoạch hoa màu vụ đông, tiến hành làm đất và hoàn thành cấy lúa. Nhìn chung đầu vụ thời tiết khá thuận lợi, nguồn nước tưới cũng đảm bảo. Tuy nhiên từ sau Tết đến nay trời rét kéo dài, nhất là về đêm, do ở gần núi nên còn có sương muối. Để đảm bảo giữ ấm cho cây lúa phát triển, gia đình tôi thường xuyên đi thăm đồng, không để ruộng bị cạn nước. Đồng thời theo dõi sự phát triển của cây lúa để kịp thời có biện pháp can thiệp.

Những vụ mùa trước, thời điểm sau cấy thường xuất hiện một số loại sâu, bệnh hại lúa. Tuy nhiên năm nay gia đình đã chủ động mua thuốc bảo vệ thực vật phun kịp thời, không để lây lan diện rộng. Bên cạnh đó, phải kiểm tra xem có ốc bươu vàng hay chuột cắn phá lúa không để có biện pháp xử lý.


Viết Đào

Các tin khác


Đồng bộ giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Phát huy những lợi thế, tiềm năng nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh, đặc biệt là qua hoạt động xuất khẩu, năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các ngành, đơn vị liên quan đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp để đưa nông sản Hòa Bình đến gần hơn với những thị trường khó tính trên thế giới.

Đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn để tránh hóa đơn tiền điện tăng cao

Sau mỗi dịp Tết cổ truyền, sản lượng điện thường có xu hướng tăng cao. Trước thực trạng này, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát chỉ số công tơ và hỗ trợ khách hàng trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Ngành Ngân hàng đảm bảo cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế

Ngày 12/2, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hoà Bình tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng tỉnh năm 2025. Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tốc độ tăng GRDP ngành nông, lâm, thuỷ sản bình quân hàng năm đạt 4,43%

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch về phát triển, cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Thị trường hàng hóa ổn định sau Tết Nguyên đán

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đến thời điểm này, các siêu thị, chợ truyền thống, hầu hết các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại. Theo đánh giá của ngành chức năng, nguồn cung hàng hóa cho thị trường khá dồi dào, giá bình ổn, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Nông dân huyện Mai Châu tất bật sản xuất vụ xuân

Với quyết tâm có mùa vụ bội thu, ngay từ những ngày đầu Xuân, nông dân huyện Mai Châu đã khẩn trương ra đồng làm đất, cấy lúa chiêm và trồng cây màu vụ xuân nhằm đảm bảo khung thời vụ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục