Cách đây mấy năm, tỉnh Hòa Bình vẫn còn là cái tên khá mờ nhạt trên bản đồ du lịch miền Bắc. Đến năm 2024, tỉnh đã đón khoảng 4,3 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 4.738 tỷ đồng, chiếm trên 31% GRDP. Không chỉ là con số, đó là dấu mốc cho thấy du lịch - dịch vụ đã trở thành một cỗ máy tăng trưởng mới của địa phương.

 


Diện mạo của thành phố Hoà Bình hôm nay là dấu ấn cho sự chuyển mình trong quá trình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế. 

 

Bước chuyển mình từ chính sách

Tại bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) một homestay mới được khai trương. Chủ nhà, anh Lương Văn Tình từng là nông dân thuần túy, tất bật chuẩn bị đón đoàn khách Hà Nội lên nghỉ cuối tuần. Cách đó không xa, con đường ven hồ Hòa Bình vốn vắng lặng, nay tấp nập xe du lịch dẫn đến những khu nghỉ dưỡng thơ mộng. Một Hòa Bình khác đang hiện ra - sôi động hơn, hấp dẫn hơn và sẵn sàng trở thành một trung tâm du lịch mới của miền Bắc.

Sự chuyển mình này không phải ngẫu nhiên. Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 31/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hoà Bình đã đặt du lịch - dịch vụ vào "trụ cột kinh tế”, với mục tiêu: biến Hòa Bình thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và trải nghiệm văn hóa vùng Tây Bắc. Không chỉ dựa vào cảnh quan thiên nhiên, tỉnh còn tập trung vào giá trị văn hóa bản địa, đưa những bản làng Mường, Thái thành điểm nhấn du lịch đặc sắc.

Ở Mai Châu, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Thái chậm rãi bước ra từ những ngôi nhà sàn, tay thoăn thoắt dọn bàn, chuẩn bị bữa tối cho đoàn khách vừa đến. Bản Lác từng chỉ là một bản làng bình dị bên những cánh đồng lúa, nay đã trở thành một trong những điểm du lịch cộng đồng thành công nhất cả nước.

Hơn 30 hộ gia đình trong bản đã chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ trồng lúa, làm nương sang mở homestay. Những ngôi nhà sàn cổ được giữ nguyên nét truyền thống nhưng khang trang hơn, có điện sáng, wifi, những chiếc đệm êm ấm. Buổi tối, giữa sân rộng, lửa bập bùng, du khách hòa mình vào điệu múa sạp, tiếng trống, chiêng rộn ràng. Theo đồng chí Hoàng Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện, năm 2024, huyện Mai Châu đã đón khoảng 210.000 lượt khách, là con số ấn tượng với một huyện vùng cao.

Không còn là mặt nước tĩnh lặng chỉ dành cho những chiếc thuyền đánh cá, hồ Hòa Bình giờ đây nhộn nhịp du thuyền, ca nô, thậm chí có cả những đoàn chèo thuyền kayak len lỏi giữa các đảo nhỏ. Được mệnh danh là vịnh Hạ Long trên núi, hồ Hòa Bình dần định hình thành khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng độc đáo của miền Bắc. Những tour khám phá lòng hồ không còn đơn thuần ngắm cảnh. Du khách có thể lênh đênh trên thuyền, thả câu giữa mặt hồ xanh thẳm, rồi lên đảo để thưởng thức cá nướng ngay bên bếp than hồng. Cùng với sự đầu tư hạ tầng, hàng loạt khu nghỉ dưỡng ven hồ ra đời, biến nơi đây thành một thiên đường du lịch đang chờ bừng sáng.

Không chỉ có du lịch cộng đồng, Hòa Bình còn nhanh chóng nắm bắt xu hướng mới các resort ven hồ, khu nghỉ dưỡng sang trọng, như sân golf Phoenix ở Lương Sơn hút khách Hà Nội và các tỉnh lân cận. Thiền, yoga giữa rừng xanh, tắm khoáng nóng giữa thiên nhiên đang trở thành những trải nghiệm được săn đón. Chèo kayak trên sông Đà, leo núi, chinh phục thác nước - hoạt động dành cho những ai ưa khám phá. Thay vì chỉ nhìn những vườn cam, vườn chè từ xa, du khách có thể trực tiếp hái, thưởng thức ngay tại vườn… Sự đa dạng hóa sản phẩm du lịch giúp Hòa Bình giữ chân du khách và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Du lịch đã thực sự thay đổi cuộc sống nhiều người. Bà Hà Thị Mai - chủ homestay ở bản Lác từng chỉ sống nhờ ruộng nương, nay có thu nhập ổn định nhờ đón khách. "Giờ cuối tuần nhà tôi lúc nào cũng kín phòng, vừa có thêm thu nhập, vừa được giới thiệu văn hóa dân tộc mình đến bạn bè khắp nơi", bà Mai chia sẻ.

Giờ đây, ở những bản làng của các huyện Tân Lạc, Kim Bôi, Cao Phong… những người từng quen với nương rẫy, đồng ruộng nay đã trở thành hướng dẫn viên, chủ homestay, đầu bếp chuyên nghiệp. Du lịch không chỉ mang lại thu nhập, mà còn mở ra sinh kế mới, góp phần giảm nghèo bền vững.

Những mạch ngầm phía sau

Nếu du lịch là cỗ máy tăng trưởng mới thì thương mại - dịch vụ là những bánh răng vận hành phía sau, giúp kinh tế Hòa Bình chuyển động mạnh mẽ hơn. Vài năm trước, người dân Hòa Bình vẫn quen với những khu chợ truyền thống nhỏ lẻ. Giờ đây, các siêu thị, trung tâm thương mại xuất hiện ngay giữa lòng thành phố và các thị trấn, mang đến diện mạo hiện đại hơn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2024 ước đạt trên 74 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước - một con số đầy ấn tượng.

Không chỉ mở rộng quy mô, thương mại Hòa Bình còn khẳng định bản sắc riêng với hàng loạt sản phẩm OCOP. Cam Cao Phong, mật ong rừng, rượu cần, chè Shan tuyết - những đặc sản từng chỉ quen thuộc trong vùng, nay đã có mặt trên các kệ hàng của hệ thống siêu thị lớn, các sàn thương mại điện tử Postmart, Voso... tiếp cận người tiêu dùng khắp cả nước.

Bên cạnh đó, vận tải - logistics cũng bùng nổ, hỗ trợ lưu thông hàng hóa và phát triển du lịch. Cao tốc Hòa Bình - Hà Nội và các tuyến giao thông trọng điểm đã rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm đáng kể chi phí logistics. Huyện Lương Sơn với lợi thế gần Thủ đô, đang được nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics lớn, biến nơi đây thành điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng.

Sự phát triển của thương mại, du lịch và logistics mang lại những con số tăng trưởng và tạo ra hàng nghìn việc làm mới. Nếu trước đây, người trẻ Hòa Bình phải rời quê tìm việc ở Hà Nội, Bắc Ninh thì nay, họ có thể làm tại quê nhà trong các khách sạn, resort, cửa hàng, công ty dịch vụ…

Theo đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn, năm 2024, GRDP bình quân đầu người của Hòa Bình đạt 81 triệu đồng/người, tăng mạnh so với 64,7 triệu đồng năm 2022. Trong mức tăng trưởng đó, dịch vụ đóng vai trò không nhỏ. Tỉnh đang thay đổi, không chỉ ở những con số mà ở cả diện mạo và cách sống của người dân. Nếu du lịch là cú huých đầu tiên, thì thương mại - dịch vụ chính là những dòng chảy âm thầm nhưng bền bỉ, đưa vùng đất này bước vào kỷ nguyên mới. Hòa Bình đang bước đi trên con đường mới, nơi mỗi bước chân du khách không chỉ để lại dấu ấn, mà còn thay đổi cả một vùng quê. Và đây mới là khởi đầu! 

Một Hòa Bình mới, một hành trình chưa khép lại

Ba năm trước, khi Hòa Bình bước vào cuộc tái cơ cấu kinh tế, không ít người hoài nghi: "Một tỉnh miền núi, làm sao bứt phá?”. Nhưng rồi, từng con số, từng đổi thay trên mảnh đất này đã nói lên tất cả. Công nghiệp bứt tốc, du lịch trỗi dậy, dịch vụ nở rộ - một nền kinh tế mới đã thành hình.

Từ Mai Châu đến hồ Hòa Bình, từ Lương Sơn đến Kim Bôi, những mô hình kinh tế mới đang lan tỏa, kéo theo thay đổi trong đời sống. Những người nông dân hôm qua, nay thành chủ homestay, tiểu thương, kỹ sư công nghệ… Những đứa trẻ lớn lên giữa núi đồi giờ có thể chọn ở lại quê nhà, làm việc trong một nền kinh tế hiện đại.

Hòa Bình đang bước ra khỏi lối mòn của một tỉnh miền núi thuần nông. Bản đồ kinh tế thay đổi, bản đồ cơ hội cũng thay đổi. Nhưng hành trình này chưa khép lại. Phía trước vẫn còn những thách thức: làm sao để phát triển bền vững, làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau?

Ba năm không phải là quá dài cho một cuộc chuyển mình, nhưng đã đủ để khẳng định: Hòa Bình không còn là địa phương đứng ngoài cuộc chơi kinh tế lớn. Một cỗ máy đã khởi động, những bánh răng đã vào guồng. Và bây giờ, điều quan trọng nhất không phải là Hòa Bình đã đi được bao xa, mà là Hòa Bình sẽ đi đến đâu trong những năm tới. Tương lai ấy, sẽ được viết tiếp, bởi chính những con người trên mảnh đất này.

 


Hải Yến

Các tin khác


Hướng dẫn một số nội dung thực hiện bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất

Sở Nông nghiệp và Môi trường ban hành Công văn số 1259/SNNMT-KHTC, ngày 26/3/2025 về việc hướng dẫn một số nội dung quy định tại Quyết định số 30/2025/QĐ-UBND, ngày 12/3/2025 của UBND tỉnh ban hành Bộ đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Đất Mường trên hành trình kinh tế mới Bài 4 - Công nghiệp không còn là “vai phụ”

Năm 2024, hai con số ấn tượng đã được ngành công nghiệp tỉnh Hoà Bình xác lập. Đó là 15,24% - mức tăng trưởng chưa từng có và 44% GRDP - một cột mốc lịch sử. Công nghiệp xứ Mường không còn là "vai phụ” mà dần trở thành trụ cột, định hình tương lai nền kinh tế vùng đất cửa ngõ Tây Bắc.

Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên làm giàu

Trong những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp hội viên nông dân (HVND) mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Với nguồn vốn ngày càng gia tăng, cùng sự quản lý chặt chẽ và hỗ trợ thiết thực, quỹ đã đồng hành cùng hàng nghìn nông dân trong hành trình vươn lên làm giàu, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp tại địa phương.

Duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục hệ thống kho bạc

Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Kho bạc nhà nước (KBNN) đã nhanh chóng triển khai việc sắp xếp, tổ chức lại theo mô hình hai cấp, bảo đảm tinh gọn. Cán bộ, nhân viên các đơn vị chủ động khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục của cả hệ thống.

24 ngân hàng giảm lãi suất huy động, có ngân hàng giảm 7 lần trong tháng

Ngày 26/3, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, từ 25/2 đến 25/3, có 24 ngân hàng thương mại trong nước điều chỉnh giảm lãi suất với mức giảm từ 0,1-1.05%/năm tùy theo từng kỳ hạn. Đáng chú ý, có ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất đến 7 lần trong khoảng thời gian này.

Phong trào "Bình dân học vụ số" phải đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người

Chiều 26/3, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (Ban Chỉ đạo) tổ chức Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số”. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo dự, chỉ đạo lễ phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục