Hiện diện tích lúa trà sớm vụ xuân 2025 ở giai đoạn đứng cái - phân hóa đòng, trà chính vụ cuối đẻ nhánh - đứng cái, trà muộn đẻ nhánh rộ. Để bảo vệ lúa trước các loại sâu bệnh, dịch hại phát sinh trong điều kiện thời tiết thay đổi, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) đề nghị các huyện, thành phố theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, khí hậu, đảm bảo dự tính, dự báo tình hình dịch hại sớm, chủ động phòng trừ hiệu quả nhằm hạn chế tối đa sự xuất hiện, gây hại của các đối tượng sâu bệnh, dẫn đến bùng phát thành dịch.


Nông dân xã Mai Hạ (Mai Châu) tăng cường chăm sóc, bón phân nhằm tăng đề kháng cho lúa vụ xuân.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết còn nhiều diễn biến phức tạp, mưa diện rộng trong tháng 4, cường độ nắng nóng ít gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Do đó, có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa cũng như diễn biến của một số đối tượng sinh vật gây hại chính như: bệnh đạo ôn, tập đoàn rầy, chuột, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn... có xu hướng tăng dần mật độ và tỷ lệ hại gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa nếu không có các biện pháp phòng trừ kịp thời.

Qua kiểm tra tại huyện Lương Sơn, đơn vị chức năng phát hiện các đối tượng sâu bệnh chủ yếu phát sinh gây hại trên lúa xuân như: chuột gây hại, ruồi đục nõn, bọ trĩ, tập đoàn rầy... gây hại rải rác. Đồng chí Nguyễn Thị Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lương Sơn cho biết: Để đảm bảo năng suất, chất lượng lúa vụ xuân, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn theo dõi sát tình hình sâu bệnh, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm bắt diễn biến phát sinh, phát triển của các loại sâu bệnh hại, đặc biệt là rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, bạc lá... Phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp cùng nắm chắc lịch thời vụ và tình trạng từng trà lúa. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu hại trên lúa...

Trong toàn tỉnh, theo thống kê từ Chi cục TT&BVTV, đối tượng chuột tiếp tục gây hại diện tích 85ha, phân bố tại thành phố Hòa Bình, các huyện Lạc Sơn, Lạc Thuỷ, Lương Sơn (tăng so với kỳ trước); ruồi đục nõn diện tích nhiễm 5ha tại huyện Lương Sơn; nghẹt rễ phát sinh gây hại diện tích nhiễm 5ha, giảm so với kỳ trước; bệnh đạo ôn phát sinh gây hại gần 13 ha tại huyện Lạc Sơn. Các đối tượng khác như tập đoàn rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ... gây hại nhẹ rải rác tại các địa phương.

Để chủ động trong công tác chỉ đạo sản xuất, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do các đối tượng dịch hại gây ra, Chi cục TT&BVTV vừa có Công văn số 156/TTBVTV về việc chủ động quản lý một số đối tượng dịch hại chính trên cây lúa vụ xuân năm 2025. Theo đó, các cơ quan chuyên môn cấp huyện tích cực chỉ đạo cơ sở và hướng dẫn nông dân thực hiện tốt việc bám sát đồng ruộng, nắm chắc diễn biến, xu hướng phát triển của bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn. Phân cấp tuổi sâu, xác định thời điểm trưởng thành rộ cho từng khu vực, xác định mật độ trứng, tỷ lệ đã nở, tỷ lệ ký sinh để dự báo xu hướng mật độ sâu thời gian tới, làm cơ sở phòng trừ hiệu quả. Đồng thời phân loại từng trà lúa, từng cánh đồng, xác định diện tích lúa bị sâu, bệnh hại cần phòng trừ để hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Đồng chí Vũ Thị Anh Đào, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết: Các địa phương lưu ý chỉ đạo đội ngũ chuyên môn hướng dẫn nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi để chăm sóc, làm cỏ, bón phân kịp thời cho diện tích lúa theo đúng quy trình kỹ thuật. Bón đầy đủ cân đối giữa đạm, lân, kali, giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tăng sức đề kháng, khắc phục hiện tượng nghẹt rễ, hạn chế sâu bệnh hại cuối vụ. Chuột hại đang là đối tượng gây hại lúa với diện tích lớn nhất tại các vùng, cần hướng dẫn nông dân tiến hành vệ sinh phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ dại quanh bờ và mương để hạn chế nơi ẩn náu và làm ổ sinh sản của chuột. Huy động các xứ đồng xử lý đánh bắt chuột đồng loạt, có thể sử dụng một trong các loại thuốc có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam đăng ký phòng trừ đối tượng này. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc hại với môi trường, dùng theo hướng dẫn ghi trên bao bì...

  

Thu Hằng

Các tin khác


Xã Phú Thành áp dụng triệt để hữu cơ hoá vườn chè

Nằm ở phía Bắc của huyện Lạc Thuỷ, nơi có khí hậu ôn hoà, đất đai màu mỡ, do vậy cây chè đã bén rễ và phát triển trên đất xã Phú Thành vài chục năm nay. Bề dày kinh nghiệm kết hợp chặt chẽ với việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình hữu cơ hoá vườn chè, sản phẩm chè khô của xã Phú Thành nói riêng và huyện Lạc Thuỷ nói chung làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, mang lại cuộc sống ổn định, ấm no cho người dân nơi đây.

Cú huých từ thị trường trong tỉnh

Tổng mức bán lẻ hàng hóa của Hòa Bình trong quý I/2025 đạt 5.828 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ. Cùng với đó là hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, 626 tỷ đồng từ vận tải, tất cả đều ghi nhận mức tăng hai con số. Điều này không chỉ phản ánh sức tiêu dùng đang phục hồi mạnh mẽ, mà còn xác lập lại vị trí của ngành dịch vụ trong cơ cấu tăng trưởng: dịch vụ tăng 5,91%, đứng thứ hai sau công nghiệp - xây dựng và là một trong ba động lực chính góp phần đưa GRDP quý I của tỉnh đạt 12,76%, đứng thứ hai toàn quốc.

Bàn giải pháp thực hiện hiệu quả việc bố trí, xử lý tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính

Chiều 9/4, Bộ Tài chính chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đồng chí Bùi Văn Khắng, Thứ trưởng Bộ Tài chính chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu UBND tỉnh Hòa Bình, tham dự có đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.

Kiểm tra tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Cao Phong

Chiều 9/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Cao Phong.

Bám sát tiến độ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025

UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 580/UBND-KTN, ngày 02/4/2025 về việc thực hiện một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (VĐTC) năm 2025. Theo đó, yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh, các chủ đầu tư và đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2025.

Từ tháng 7/2025, Công ty Điện lực Hòa Bình bỏ điểm thu tiền điện truyền thống

Công ty Điện lực Hòa Bình cho biết, từ tháng 7/2025 sẽ chính thức bỏ các điểm thu tiền điện truyền thống trong toàn tỉnh. Khách hàng sẽ chuyển sang thanh toán tiền điện bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục