Đến thời điểm này hầu hết các ngân hàng trong “vùng trũng” đều đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ để đảm bảo yêu cầu vốn pháp định.
Phần lớn các ngân hàng cổ phần đã tổ chức đại hội cổ đông và thông qua định hướng tăng vốn điều lệ trong năm 2010
Theo quy định tại Nghị định 141/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ, chậm nhất đến ngày 31/12/2008 các ngân hàng thương mại phải đảm bảo mức vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, chậm nhất đến 31/12/2010 phải tối thiểu là 3.000 tỷ đồng.
Đến nửa đầu năm 2009 vẫn còn khoảng 5 ngân hàng mới đáp ứng được mốc yêu cầu cho năm 2008. Và nay, mốc của năm 2010 với tối thiểu 3.000 tỷ đồng đã gần kề, nhiều thành viên lại vào một cuộc nước rút mới.
Lần này, Ngân hàng Nhà nước đang cho thấy sự quyết liệt hơn khi ngày 10/5 vừa qua đã chính thức có văn bản yêu cầu các ngân hàng trong “vùng trũng” sớm có kế hoạch tăng vốn cụ thể và hạn cuối để trình hồ sơ là ngày 30/6/2010.
Đặc biệt, với các trường hợp không có khả năng tăng vốn để đảm bảo vốn pháp định, hạn cuối là ngày 30/9/2010 phải có phương án chấm dứt tư cách pháp nhân của mình theo luật định (bao gồm: sáp nhập, hợp nhất, mua lại, tự giải thể…).
Nhìn lại quá trình tăng vốn vừa qua, bất ngờ lớn nhất có thể thấy ở trường hợp của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Thái Bình Dương (Pacific Bank). Từng gặp nhiều khó khăn trong những năm trước đó, đầu năm 2009, Pacific Bank tiến hành đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (Vietnam Tin Nghia Bank). Và tháng 11/2009, vốn điều lệ của ngân hàng này tăng vọt từ 1.133 tỷ đồng lên gần 3.400 tỷ đồng.
Nhưng không phải ngân hàng nào cũng có thể tạo một bước nhảy vọt như vậy. Theo khảo sát, tính đến thời điểm này vẫn còn 20 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ đồng; và hiện tất cả đều đã tiến hành đại hội cổ đông, trình và thông qua phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2010 để đảm bảo yêu cầu trên.
Cá biệt, có trường hợp (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex) dự kiến mốc hoàn thành vào tháng 3/2011 với việc chuyển đổi 1.000 tỷ đồng từ trái phiếu chuyển đổi, bên cạnh kế hoạch phát hành tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng trong năm 2010.
Nhìn chung, phương án tăng vốn của các ngân hàng trên chủ yếu dựa vào nội lực của cổ đông hiện hữu, một số ít có “của để dành” từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và một số ít có thể dựa vào nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thông qua phát hành riêng lẻ.
Trong năm 2008, khá nhiều ngân hàng cổ phần cùng tính đến việc tìm và chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài để tăng vốn. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có 2 trường hợp trong số 20 thành viên nói trên đã hiện thực là Ngân hàng Phương Đông (OCB) và Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank). Riêng trường hợp Ngân hàng Quốc tế (VIB) đã đảm bảo trước yêu cầu vốn pháp định trước khi ký thỏa thuận bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài (Commonwealth of Australia - CBA).
Cuối năm 2009, OCB đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho BNP Paribas - nhà đầu tư chiến lược nước ngoài - để tăng vốn điều lệ, đồng nghĩa với cổ đông này nâng tỷ lệ sở hữu từ 10% lên 15%.
Còn với Southern Bank, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 21/4 vừa qua cũng đã xác định bán tiếp 5% cổ phần United Overseas Bank Ltd., đi cùng với tỷ lệ sở hữu từ 15% lên 20%. Những kế hoạch này còn chờ sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước…, nhưng cơ bản đã có một thuận lợi nhất định trong định hướng tăng vốn.
Khá nhiều thành viên trong con số 20 nói trên hiện vẫn có mức vốn khá thấp, buộc phải tăng mạnh để đạt mốc 3.000 tỷ đồng. Như với Ngân hàng Gia Định (GiaDinhBank), vốn điều lệ hiện tại mới ở 1.000 tỷ đồng, phải tăng thêm 2.000 tỷ đồng trong năm.
Như phổ biến ở nhiều thành viên khác, để tăng vốn, GiaDinhBank chủ yếu dựa vào nội lực cổ đông và kỳ vọng thành công ở việc chào bán ra bên ngoài. Và dù không lớn, GiaDinhBank cũng có một phần “của để dành” từ nguồn thặng dư vốn cổ phần trích lập từ tháng 2/2008 để phát hành cổ phiếu thưởng.
Tương tự, thành viên mới thành lập là Ngân hàng Tiên Phong (TiênPhongBank) cũng có một phần từ quỹ thặng dư cổ phần trích lập tháng 9/2009, từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận còn lại năm 2009 chưa phân phối với 250 tỷ đồng để phát hành cổ phiếu thưởng, tăng vốn từ 1.750 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.
Bước còn lại cần 1.000 tỷ đồng, TiênPhongBank dự kiến chào bán cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, dựa vào cổ đông hiện hữu, hoặc kết hợp cả hai hướng trên…
Tuy nhiên, những trường hợp có thuận lợi từ việc phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, chuyển đổi từ trái phiếu chuyển đổi đã phát hành trước đó, có nguồn từ quỹ thặng dư cổ phần… là không nhiều. Trong khi khá nhiều thành viên buộc phải “nhảy” từ mốc 1.000 - 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng trong thời gian còn lại của năm.
Phương án chung là tập trung vào sức mạnh của cổ đông hiện hữu, phát hành thêm ra bên ngoài, hay tiến hành niêm yết để có thể thuận lợi hơn khi gọi vốn… Và theo đó, dự kiến trong nửa cuối năm nay thị trường chứng khoán sẽ đón nhận một nguồn cung rất lớn cổ phiếu ngân hàng từ các đợt phát hành thêm. Áp lực cung đối với thị trường là một phần, phần còn lại là áp lực đối với sự hiệu quả trong hoạt động của các ngân hàng với quy mô vốn mới.
Những ngân hàng thương mại cổ phần hiện có vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ đồng:
Ngân hàng Phát triển Nhà TPHCM, Sài Gòn Công thương Ngân hàng, Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Phương Nam, Ngân hàng Phương Đông, Ngân hàng Việt Á, Ngân hàng Bắc Á, Ngân hàng Nam Việt, Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex, Ngân hàng Kiên Long, Ngân hàng Gia Định, Ngân hàng Đệ Nhất, Ngân hàng Miền Tây (vừa đổi tên thành Ngân hàng Phương Tây), Ngân hàng Đại Tín, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, Ngân hàng Đại Á, Ngân hàng Tiên Phong, Ngân hàng Bảo Việt. |
Theo DanTri
Một tháng sau khi áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận, đã có dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp cân nhắc khi vay USD. Lãi suất VND đang giảm trong khi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ bốn tháng đầu năm quá cao là lý do nhiều doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ đã “lo xa” chuyển sang vay VND.
Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ những suy nghĩ, trải nghiệm của bản thân xung quanh câu chuyện “Làm thế nào để khuyến khích người VN ưu tiên dùng hàng VN?” trong cuộc trò chuyện với nhà báo Kim Hạnh. Tuổi Trẻ xin giới thiệu với bạn đọc.
(HBĐT) - Từ khi Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tân Lạc ra đời, người nghèo đã bớt đi gánh nặng về vốn. Nhờ triển khai huy động vốn và cho vay có hiệu quả, hoạt động của ngân hàng đã mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, hàng ngàn hộ đã thoát nghèo, tổ chức sản xuất - kinh doanh, từng bước nâng cao cuộc sống, hoà nhập cộng đồng.
Chính phủ Nhật Bản cam kết cung cấp cho Chính phủ Việt Nam gần 28,4 tỷ yen (khoảng 306 triệu USD) ODA vốn vay đợt đầu tài khóa 2010 của Nhật Bản (bắt đầu ngày 1/4/2010).
Giá vàng đang biến động mạnh nhưng cảnh người dân ùn ùn kéo nhau đi bán vàng như những đợt sốt giá trước hầu như rất ít, đặc biệt là tại thị trường TP.HCM. Hiện nay, đầu cơ sản phẩm này chủ yếu là những đại gia, giao dịch số lượng lớn, từ vài trăm đến nghìn lượng trở lên.
Khảo sát của các Cty nghiên cứu thị trường có uy tín cho thấy, lợi nhuận của các nhà chế biến sữa bột nhập khẩu hiện nay từ 22% đến 86%. Giá sữa thường bị đẩy lên mức trên dưới 400 nghìn đồng/kg (tức gấp bốn lần giá nhập).