Hộ dân xóm Biệng, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) thu hái su su.
(HBĐT) - Chịu áp lực cạnh tranh từ các vùng rau khác trong cả nước, rau su su ở các xã vùng cao của huyện Tân Lạc đang chấp nhận giá bán thấp hơn khoảng 30% so với rau su su Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Giá bán buôn tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) xuất đi các tỉnh của su su Hòa Bình dao động 3.500 – 4.000 đồng/kg, trong khi su su Tam Đảo 5.000 đồng/kg. Đáng nói là nhìn từ góc độ cảm quan, su su của ta chẳng mấy thua kém bạn…
Lép vế về giá
Câu chuyện của chị Đinh Thị Loan, xóm Biệng, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) đưa chúng tôi về quãng thời gian cách đây 2 – 3 năm nơi xứ lạnh này, mô hình trồng su su lấy ngọn đã thôi thúc khát vọng làm giàu cho cả trăm hộ gia đình. Vào thời điểm đó, giá su su lên đến 12.000 – 13.000 đồng/kg tại vườn, thấp nhất cũng 7.000 – 8.000 đồng/kg, đời sống của hộ trồng rau su su từ nghèo, trung bình dần trở nên giàu, khá. Vùng trồng rau su su nhanh chóng lan rộng. Các xóm Biệng, Cá, Bắc Hưng có vùng rau su su tập trung lớn nhất của huyện, tỉnh với diện tích trồng thấp nhất 1.000 m2 , cao nhất 5.000 m2/hộ. Vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 4 – 11 trong năm, bình quân mỗi ngày có 3 – 4 xe ô tô chở rau su su về Hà Nội tiêu thụ. Cũng chưa có ngày nào, đầu mối tiêu thụ rau phàn nàn, kêu ca rằng sản phẩm rau su su bị ế.
Ngay như giờ, sức mua trên thị trường đối với sản phẩm rau su su vùng cao của tỉnh vẫn không hề giảm. Những chuyến xe chở su su về xuôi, tản đi thị trường các tỉnh, thành trong cả nước vẫn đều đặn thu gom mỗi ngày. Nhưng theo bà Phan Thị Chí, người trực tiếp thu gom, vận chuyển rau su su từ vùng cao Tân Lạc về tiêu thụ ở Hà Nội từ năm 2010 đến nay, nếu đem so sánh su su trồng của ta với các vùng có khí hậu tương ứng, chất lượng ngang bằng tuy màu xanh của ngọn, lá không được thẫm như rau Tam Đảo. Khó nhất trong vấn đề tiêu thụ hiện nay là su su Hòa Bình vẫn chưa có thương hiệu. Nhiều bạn hàng lớn chỉ biết đây là su su trồng ở vùng cao, không có nhãn mác hay công bố chứng nhận nào về sản phẩm rau an toàn. Đây cũng là nguyên nhân khiến rau của ta lép vế trên thị trường, thường bị ép giá khi cạnh tranh với rau su su vùng khác.
Trước tình hình giá cả ngày càng bất lợi với người trồng, những hộ trồng su su ở các xã vùng cao của huyện Tân Lạc than thở nếu giá không nhích lên, chỉ 2.000 đồng/kg như hiện tại, hộ sản xuất không có công, chỉ đủ chi phí giống, làm giàn, phân bón. Tại một số xã như Nam Sơn, Ngổ Luông, không ít hộ dân thấy tình hình giá su su bấp bênh đã phá giàn, chuyển sang trồng cây ngô lai thay thế. Ông Đinh Công Viện ở xóm Dồ, xã Nam Sơn cho biết: Một phần còn do diện tích manh mún, không tập trung nên hiếm khi có xe lên tận xóm thu mua. Thoảng hoặc có người đến gom tại vườn nhưng giá lại thấp (chỉ 1.000 – 1.500 đồng/kg). Muốn bán được giá hơn một chút thì phải chở rau bằng xe máy xuống điểm thu mua ở dưới xã Quyết Chiến, cách nhà 7 – 8 km. Vì thế nên tâm lý người trồng càng lúc càng nản.
Xúc tiến xây dựng thương hiệu
Những đầu mối thu gom rau chính tại vùng cao huyện Tân Lạc cũng khẳng định, su su Hòa Bình khá được ưa chuộng ở thị trường các tỉnh. Nếu bà con đầu tư thêm về phân bón, su su của ta sẽ còn đạt năng suất ngọn cao hơn, ngọn, lá sẽ xanh thẫm và mập mạp hơn.
Trước thực tế nhận biết của người tiêu dùng về su su Hòa Bình còn khá mờ nhạt trong khi vùng su su khác được biết đến nhiều hơn, theo ông Bùi Văn Nhỏ, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Tân Lạc, địa phương đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản thế mạnh, trong đó có sản xuất rau su su ở 5 xã vùng cao. Điều kiện thời tiết khí hậu và chăm bón tốt là 2 yếu tố cơ bản đảm bảo vùng rau su su có chất lượng. Hiện nay, tại 5 xã vùng cao của huyện duy trì vùng diện tích gần 50 ha, tập trung nhiều nhất ở xã Quyết Chiến với 38 ha. Ngoài biết đến là sản phẩm rau sạch, hiếm gặp sâu bệnh, phương pháp canh tác an toàn cũng góp phần làm nên chất lượng rau su su Hòa Bình. Cụ thể, bà con chỉ sử dụng các loại phân bón vi sinh theo đúng quy trình hướng dẫn. Nhờ vào khí hậu tự nhiên ưu đãi nên su su ở đây cho năng suất cao, khoảng 60 – 80 tấn/ha/năm. Vào 8 tháng mùa vụ, hầu như ngày nào, hộ trồng cũng được thu hái. Việc tìm kiếm, duy trì mối hàng tiêu thị vẫn được chính quyền quan tâm, đẩy mạnh.
Để su su Hòa Bình vươn ra thị trường ngoại tỉnh nhiều hơn, tiếp cận với hệ thống các siêu thị, nhà hàng trong cả nước, cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng vùng rau của hộ sản xuất, xã, huyện, tỉnh cần tuyên truyền, quảng bá nhiều hơn, đặc biệt là xúc tiến xây dựng thương hiệu giúp khẳng định chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức cạnh tranh, mở rộng thị trường. Mới đây, Trung tâm XTTM tỉnh đã tiến hành khảo sát, thu thập ý kiến của hộ trồng su su nhằm hỗ trợ thông tin và tìm kiếm thị trường. Thúc đẩy vấn đề thương hiệu, mô hình HTX dịch vụ tổng hợp Quyết Thắng tại xã Quyết Chiến vừa thành lập đã bước đầu tập hợp được 9 xã viên vừa là hộ sản xuất, vừa tham gia thu gom, vận chuyển, tìm kiếm mối hàng tiêu thụ rau cho bà con trong vùng. Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản đang thực hiện chuẩn bị mở lớp tập huấn trồng rau su su an toàn cho hộ sản xuất và hướng dẫn hoàn tất các nội dung, thủ tục cần thiếu để được chứng nhận sản xuất su su theo quy trình Việt GAP. Người trồng su su mong đợi tới đây, khi có được chứng chỉ Việt GAP, đáp ứng các điều kiện về rau an toàn, có bao gói, dây buộc… Su su Hòa Bình sẽ có được “tấm vé” xuất ra thị trường lớn, giá trị kinh tế từ rau su su mang lại sẽ vững bền hơn, hàng hóa cạnh tranh không còn phải chấp nhận những rủi ro, thua thiệt về mình.
Bùi Minh
(HBĐT) - Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thấu kính quang học, số vốn đầu tư đăng ký 11 triệu USD. Công ty hiện có 545 công nhân tại 14 dây chuyền sản xuất.
(HBĐT) - Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn chung huyện Lương Sơn vẫn tạo được những dấu ấn tích cực trong việc thu hút các DN đến đầu tư SX-KD trên địa bàn.
(HBĐT) - Cử tri kiến nghị: Đề nghị Bộ GT-VT giải quyết các tồn tại trong khi xây dựng và quản lý tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Hòa Bình.
(HBĐT) - Vừa qua, tại UBND xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn), Trung tâm Giới thiệu việc làm - Sở LĐ- TB&XH phối hợp với phòng Lao động TB&XH, Huyện đoàn Lạc Sơn đã tổ chức phiên giao dịch việc làm lần thứ I năm 2013. Tham gia phiên giao dịch có 530 ĐVTN đến từ 29 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
(HBĐT) - Vào khoảng 17 giờ ngày 18/5/2013 trên địa bàn tổ 9, 10 phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) đã xảy ra mưa lớn và gió lốc cục bộ gây thiệt hại về nhà cửa, nhà xưởng cùng nhiều tài sản khác, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của các doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn.
(HBĐT) - Thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, những năm gần đây, huyện Đà Bắc đã định hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều nơi trong huyện đã lựa chọn những giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, chọn cây trồng, vật nuôi nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất. Nhờ đó mà ngày càng xuất hiện nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, từng bước tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đem lại lợi ích cho người dân, góp phần nâng cao đời sống, hướng đến xóa nghèo một cách bền vững.