Các vườn ươm cây giống xã Liên Hòa (Lạc Thủy) bình quân mỗi vụ cung cấp trên 40 vạn cây giống phục vụ việc trồng rừng trong xã và các xã lân cận.
(HBĐT) - Trong se lạnh của tiết trời cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại thăm xã Liên Hoà (Lạc Thuỷ), trước mắt chúng tôi là màu xanh trải dài của rừng keo, những quả đồi được nhuộm vàng bởi vườn cam Canh, cam Vinh chín vàng đang cho thu hoạch. Một mùa xuân mới ấm áp đã đến trên vùng quê Liên Hoà.
Đưa chúng tôi đi thăm những vườn ươm cây keo và vườn cam đang trong giai đoạn thu hoạch, đồng chí Quách Tất Lục, Phó Bí thư TT Đảng uỷ xã cho biết: Với đặc thù là xã sản xuất nông - lâm nghiệp là chủ yếu, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, lựa chọn các loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Hiện nay, xã đang chỉ đạo bà con tập trung cải tạo vườn tạp, chuyển đổi các loại cây trồng không hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây cam, cây mắc ca... Tuy cây cam mới được đưa vào trồng từ năm 2008 nhưng đến nay đã được bà con trồng ra diện rộng và hiện đang là loài cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân trong xã. Qua trồng thử nghiệm cho thấy, cây cam phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng, không chỉ cho năng suất cao mà quả cam được trồng ở đây có vị ngọt đậm, thơm và mọng nước. Mới đầu chỉ có 6 ha trồng cam, đến nay, toàn xã đã có 25 ha trồng cam Canh, cam Vinh, tập trung tại thôn Liên Ba và thôn Đồng Uống. Từ trồng cam, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Hái những quả cam Canh chín vàng, ngọt lịm mời khách, ông Nguyễn Văn Bình, thôn Đồng Uống, người đầu tiên đưa cây cam vào trồng trên đất Liên Hòa vui vẻ cho biết: Cam năm nay vừa được mùa, được giá, bình quân mỗi gốc cho thu từ 700 - 1.000 kg, trong đó có những gốc cho thu trên 1.500 kg. Ước tính vụ cam năm nay cho thu khoảng trên 80 tấn với giá bán tại vườn hiện nay là 40.000 đồng/kg, chỉ tính riêng cam Canh ước tính đã cho thu khoảng 3 tỷ đồng. Không chỉ riêng vườn cam nhà ông Bình mà các vườn cam khác cũng sai trĩu quả và với giá thành bán tại vườn như hiện nay, chắc chắn các hộ trồng cam sẽ có mùa cam thắng lợi cả về giá và sản lượng.
Liên Hoà hiện có 468 hộ với trên 1.700 nhân khẩu, sống tập trung tại 4 xóm. Những năm qua, xã đã thực hiện tốt và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, vận động nhân dân phát triển kinh tế gia đình, kinh tế trang trại, vườn ươm phục vụ cho trồng rừng, phát triển mô hình trồng cam cho thu nhập, hiệu quả cao. Tình hình kinh tế trang trại có bước phát triển khá, toàn xã có 4 trang trại đủ điều kiện công nhận, nhiều trang trại có thu nhập từ 700.000 - 2 tỷ đồng, thu nhập từ cây lâm nghiệp đạt trên 4 tỷ đồng/năm. Trong trồng trọt, ngoài diện tích cấy lúa, các loại cây màu khác như ngô, lạc, khoai lang đã được nông dân trong xã đưa vào trồng trên diện tích đất 1 vụ và 2 vụ. Bên cạnh đó, chăn nuôi được xã chú trọng để trở thành hàng hóa, đã xuất hiện hàng chục mô hình nuôi lợn thịt, gà thả vườn, vịt... Xã duy trì đàn trâu, bò trên 320 con, 537 con dê, 1.324 con lợn và đàn gia cầm hơn 25.900 con, 716 đàn ong, hầu hết đàn gia súc, gia cầm đều tăng về số lượng đàn so với năm trước.
Đồng chí Lục cho biết thêm: Nhìn lại một năm đã qua, trong bối cảnh khó khăn chung, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhiều chỉ tiêu KT-XH của xã vẫn đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tăng trưởng kinh tế đạt 13%, đạt 100,7% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 20,5 triệu đồng/năm, đạt 101,4%; hộ nghèo còn 115 hộ, bằng 25,60%; số hộ được công nhận gia đình văn hoá các cấp đạt 66%; trường THCS xã đạt chuẩn quốc gia từ năm 2010; trạm y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia cấp độ I từ năm 2011, hiện tại chuẩn bị đón nhận đạt chuẩn quốc gia cấp độ II vào tháng 2/2014. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay, xã đã đạt được 7 tiêu chí về xây dựng NTM.
Hồng Ngọc
(HBĐT) - Không cần những quả đồi hàng vài ha, chỉ cần diện tích vài nghìn m2, người trồng cam, chanh ở Cao Phong đã thâm canh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm. Chỉ có một cây cho thu hàng triệu đồng, có khi hàng chục triệu đồng, đó là những cây “đẻ trứng vàng”.
(HBĐT) - Con đường ngoằn ngoèo theo những con dốc dẫn vào xóm Bái, xã Nam Sơn (Tân Lạc) hai bên đồi là những cây quýt sai trĩu quả. Dừng lại ngắm những quả đồi lưng chừng là hàng quýt thẳng tắp, bên dưới thấp là những giàn su su đang cho thu hoạch ngọn tôi cảm nhận được sự thay đổi ở vùng đất này.
(HBĐT) - Cách đây hơn 30 năm, xã Lũng Vân (Tân Lạc) còn nhiều khó khăn. Không điện, trường, trạm sơ sài, con đường từ trung tâm huyện lên đến xã như sợi chỉ nối những quả đồi. Mỗi lần mang củ măng, cân ngô, con lợn, con gà chỉ còn cách gánh, gùi hàng chục cây số đến chợ huyện để bán. Nhà nào sang thì mua được con ngựa đỡ vất vả hơn. Lúc đó có điều kiện mua con ngựa là sự xa xỉ. Mỗi lần đi chợ, bà con thường phải đi từ 2-3 giờ sáng mới kịp phiên.
(HBĐT) - Những ngày cuối năm 2013, chúng tôi về Yên Thủy đúng dịp người dân các xã Bảo Hiệu, Phú Lai, Đoàn Kết, Hữu Lợi đang tràn ngập niềm vui khi được UBND huyện lựa chọn thực hiện dự án xây dựng mô hình cánh đồng lớn về sản xuất và tiêu thụ bí xanh đảm bảo ATTP. Nhà nhà tất bật chuẩn bị làm đất, giâm bầu cho mô hình 25 ha bí xanh theo hợp đồng liên kết cung ứng giống, sản xuất, bao tiêu sản phẩm bí xanh đông - xuân 2013-2014.
(HBĐT) - Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách là công cụ hữu hiệu của huyện Mai Châu góp phần quan trọng trong xóa đói - giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Nhờ tiếp cận vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện.
(HBĐT) - Tân Dân là xã vùng hồ, xã đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu. Nhiều năm qua, tỷ lệ hộ nghèo cao (năm 2013, thu nhập bình quân của xã đạt 6,5 triệu đồng/ người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 58,42%). Phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tuy nhiên, diện tích đất gieo trồng trong năm nhỏ hẹp (tổng diện tích đất gieo trồng là 259,6 ha, trong đó, tích lúa nước 2 vụ chỉ có 78 ha/537 hộ/2.194 nhân khẩu; diện tích lúa nương 31 ha, trong đó năng suất đạt 30 tạ/ha), chăn nuôi nhỏ lẻ... Chính vì vậy, bài toán xóa đói - giảm nghèo ở Tân Dân khá nan giải.