Nếu như Nhật Bản là nền bóng đá số 1 châu Á thì Iran dứt khoát phải là số 2. Đội bóng xứ sở mặt trời mọc đã 4 lần vô địch Asian Cup, còn con số này của Iran là 3 lần. Thành ra, trận đấu giữa họ sẽ là trận đấu khẳng định thực lực của hiện tại, cũng như vì niềm tự hào của quá khứ!
(Trận đấu giữa Nhật Bản và Iran sẽ diễn ra vào lúc 21h, ngày 28/1, trên sân Hazza bin Zayed ở Al Ain – UAE, Dân Trí sẽ tường thuật trực tuyến trận đấu này).
Lần gần nhất Iran vô địch bóng đá châu Á là vào năm 1976, tức là cách nay đã 43 năm. Suốt quãng thời gian dài đằng đẳng từ lúc họ vô địch lần gần nhất cho đến hiện tại, Iran lúc nào cũng mạnh, lần giải nào cũng được đánh giá là ứng cử viên vô địc nặng ký của giải, nhưng chưa lần nào họ trở lại ngôi đầu châu Á.
Nhật Bản thì khác, đội bóng xứ sở mặt trời mọc trong quá khứ chẳng là gì so với bóng đá Iran, Hàn Quốc hay kể cả… Miến Điện (tức Myanmar ngày nay), nhưng kể từ sau lần vô địch đầu tiên năm 1992, Nhật Bản ngay lập tức thể hiện sự thống trị của mình ở sân chơi châu lục.
Sau lần đầu tiên đấy, Nhật Bản vô địch thêm 3 lần khác vào các năm 2000, 2004 và 2011, trở thành quốc gia vô địch châu Á nhiều lần nhất (4 lần), vượt qua Iran và Saudi Arabia (cùng 3 lần).
Nếu như quá khứ của bóng đá châu Á thuộc về Iran (vô địch liên tiếp 3 kỳ giải 1968, 1972 và 1976), thì hiện tại thuộc về Nhật Bản (vô địch đến 4 lần ở 7 kỳ giải gần nhất, không tính Asian Cup 2019). Vì vậy, cuộc đối đầu giữa Nhật Bản và Iran không chỉ là một trận đấu đơn thuần, mà còn là lời khẳng định rằng bên nào ổn định hơn bên nào, hoặc bên nào sẽ giành lấy vị trí số 1 của bóng đá châu Á.
Về mặt tố chất, cầu thủ Iran có tố chất tốt hơn cầu thủ Nhật Bản, nếu không muốn nói là tốt nhất châu Á và bắt kịp tố chất của cầu thủ có đẳng cấp thế giới.
Cầu thủ Iran cao lớn, mạnh mẽ, nhanh nhẹn, giàu kỹ thuật. Tất cả những gì đáng được gọi là điểm mạnh của bóng đá Nhật Bản, của cầu thủ Nhật Bản hiện tại đều là cố gắng cải thiện để trước tiên bắt kịp những đội bóng có tố chất tốt như Iran ở châu Á, rồi vươn mình ra thế giới.
Cầu thủ Nhật Bản trước đây khá thấp bé, nhưng họ cải thiện hình thể dần dần, trước tiên là ở các vị trí đòi hỏi phải tranh chấp nhiều như thủ môn, trung vệ, tiền vệ trung tâm, trung phong. Cầu thủ Nhật Bản cũng cải thiện về kỹ thuật rõ rệt so với chính họ nhiều thập niên trước.
Tất cả các yếu tố này, cộng với tính tổ chức tốt hàng đầu thế giới của người Nhật nói chung, biến đội tuyển Nhật Bản trở thành một trong những khối chặt chẽ nhất trong làng cầu châu Á.
Cũng xuất phát từ yếu tố ham học hỏi, nên sau thất bại cay đắng trước Bỉ tại World Cup 2018 (thua ngược sau khi đã dẫn trước đến 2 bàn trong hiệp 2), đội tuyển Nhật Bản tại giải đấu này thi đấu thực dụng hơn hẳn.
Thành ra, thoạt nhìn lối chơi của đội bóng xứ sở mặt trời mọc không hào nhoáng bằng lối chơi của Iran, nhưng nếu 2 đội trực tiếp đụng độ nhau, tin rằng trận đấu sẽ khác. Iran có thể đá hào nhoáng và "huỷ diệt” mọi đội bóng mà họ từng đụng độ tại giải năm nay, nhưng trước Nhật Bản chắc chắn Iran không đá được như thế, vì đơn giản Nhật rất mạnh.
Thậm chí, do Nhật Bản hiện nay quá thực dụng, nên nếu đội bóng xứ sở mặt trời mọc ghi bàn trước, Iran khó mà gỡ, nên cửa thắng của Nhật vẫn sáng hơn!.
Theo Dân Trí