Bầu Kiên (trái) và bầu Thắng trong buổi trao đổi với báo giới tại khách sạn Hilton.

Bầu Kiên (trái) và bầu Thắng trong buổi trao đổi với báo giới tại khách sạn Hilton.

Đó là khẳng định của các đại diện VPF sau khi Bộ VH-TT&DL công bố kết quả thanh tra hợp đồng giữa Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) và AVG về bản quyền truyền hình các giải bóng đá trong nước chiều 16-2.

 

Đại diện của VPF, trong đó có các ông Võ Quốc Thắng - chủ tịch HĐQT, Nguyễn Đức Kiên - phó chủ tịch HĐQT, Phạm Ngọc Viễn - tổng giám đốc - được mời đến dự buổi công bố.

Ông Kiên không được phát biểu tại họp báo

Chỉ cho báo chí vào ghi hình 5 phút, sau đó đoàn thanh tra mời báo chí ra ngoài để làm việc. Buổi công bố kết luận thanh tra tại trụ sở VFF kéo dài khoảng 30 phút. Kết thúc làm việc, ông Nguyễn Trọng Hỷ từ chối đưa ra bất cứ bình luận gì về kết luận thanh tra.

Kết luận của thanh tra Bộ VH-TT&DL

1. VFF là chủ sở hữu đối với các giải bóng đá do VFF tổ chức và có đủ thẩm quyền ký hợp đồng. VFF đã tiến hành các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật và điều lệ VFF.

2. Việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá do VFF tổ chức không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu nên không phải đấu thầu.

3. AVG là đối tác đại diện có đủ các điều kiện pháp lý để tham gia ký hợp đồng. Quy định pháp luật báo chí không giới hạn chỉ có các cơ quan có giấy phép hoạt động báo chí mới được phép mua bán bản quyền truyền hình.

4. Về cơ bản nội dung của hợp đồng là phù hợp với các quy định của pháp luật.

5.Tại thời điểm thanh tra, VFF chưa ký hợp đồng chuyển giao quyền khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp VN cho VPF nên VPF chưa được pháp luật công nhận là đơn vị khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp VN.

Trong khi đó, mặc dù chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL Vũ Xuân Thành cho biết ông Nguyễn Đức Kiên sẽ là đại diện VPF có mặt tại cuộc họp báo vào lúc 15g30 nhưng sau khi công bố kết luận thanh tra tại VFF, đại diện của VPF cho biết ông Kiên sẽ không có mặt tại cuộc họp báo của Bộ VH-TT&DL. Trả lời Tuổi Trẻ về việc này, ông Tô Văn Động, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ VH-TT&DL chủ trì cuộc họp báo, cho biết: “Ai mời anh Kiên đến họp báo tôi không biết, nhưng tôi không mời. Đây là cuộc họp báo của bộ chứ không phải diễn đàn đến để tranh luận đúng sai. Nếu anh Kiên đến dự chúng tôi sẽ mời anh Kiên vào nhưng anh Kiên không được phép phát biểu”.

Ngay sau cuộc họp báo tại Bộ VH-TT&DL, vào lúc 16g30 tại khách sạn Hilton (Hà Nội), hội đồng quản trị Công ty VPF đã có buổi trao đổi thông tin với báo chí liên quan đến kết luận của đoàn thanh tra. Tối cùng ngày, VPF có đơn khiếu nại gửi Bộ VH-TT&DL cùng Thanh tra Chính phủ.

Mở đầu cuộc gặp, ông Nguyễn Đức Kiên nói: Kết luận của thanh tra Bộ VH-TT&DL có những điểm phải xem xét lại. Chẳng hạn thanh tra bộ đã bỏ qua khoản 1 điều 74 điều lệ VFF quy định: “VFF và các thành viên là những chủ sở hữu đầu tiên của tất cả các quyền lợi xuất phát từ các giải đấu và các sự kiện khác diễn ra trong phạm vi quyền hạn của các tổ chức này mà không có sự giới hạn nào về nội dung, thời gian, địa điểm và luật lệ. Những quyền lợi này bao gồm tất cả các quyền lợi về tài chính, ghi hình và ghi âm, bản quyền truyền hình và tường thuật, bản quyền truyền thông đa phương tiện, quyền tiếp thị và quảng cáo, các quyền phát sinh trong khuôn khổ Luật bản quyền và các quyền không cụ thể liên quan đến các biểu trưng”. Và rất nhiều các quy định khác thừa nhận các CLB là đồng sở hữu với VFF về các giải bóng đá chuyên nghiệp VN chứ không phải VFF là chủ sở hữu duy nhất như kết luận của đoàn thanh tra.

VPF cho rằng các CLB tham gia việc tạo ra sản phẩm là giải bóng đá chuyên nghiệp nên theo khoản 1 điều 170 Bộ luật dân sự, các CLB có quyền sở hữu hợp pháp các giải đấu này. Do vậy khi VFF ký hợp đồng với AVG căn cứ trên điều lệ VFF và các văn bản pháp luật hiện nay, VFF không xin ý kiến các CLB là trái luật.

Thương quyền được quy định trong hợp đồng của VFF với AVG là toàn bộ bản quyền truyền hình, quyền viết bài trên báo, tạp chí, Internet... đều đã được VFF bán cho AVG. Trong cuộc làm việc với chánh thanh tra bộ ngày 15-2 có một số vấn đề tôi đặt ra:

1. VFF đã bán toàn bộ thương quyền của các giải bóng đá, trận bóng đá của đội tuyển quốc gia cho AVG. Theo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã được Quốc hội thông qua, trong đó quy định rõ tổ chức xã hội nghề nghiệp (VFF) cũng bị điều chỉnh của bộ luật này. VFF chỉ được Nhà nước giao quản lý các đội tuyển quốc gia chứ nếu bán thương quyền của đội tuyển thì không có căn cứ...

2. Khi VFF bán bản quyền truyền hình cho AVG, VFF không thông báo với VTV, VTC, như vậy là thiếu công khai, minh bạch, giảm sự cạnh tranh và không xác định được giá trị của hợp đồng.

Do kết luận của đoàn thanh tra không đảm bảo tính khách quan, không làm rõ được những thắc mắc của VPF nên hôm nay 17-2, hội đồng quản trị VPF sẽ họp và có văn bản báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến Thủ tướng về việc này. Đồng thời VPF sẽ gửi công văn khiếu nại kết luận thanh tra của Bộ VH-TT&DL lên bộ trưởng Bộ VH-TT&DL và Thanh tra Chính phủ.

Lấy bóng đá nuôi bóng đá

- Ông Võ Quốc Thắng: Khi tiếp nhận tổ chức, quản lý, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp VN do VFF bàn giao thì VPF rất hoan nghênh. Tuy nhiên khi nghe đến hợp đồng thương quyền 20 năm chúng tôi mới giật mình. Tìm hiểu sâu ra, VPF thấy rằng thương quyền VFF bán cho AVG quá lớn. Nếu hợp đồng ba năm thì hội đồng quản trị VPF nghĩ cho qua cũng được, nhưng giờ còn đến 19 năm nữa. Mỗi năm giá trị hợp đồng tăng 10% thì chi phí của mỗi đội bóng rất cao, với giá trị hợp đồng bản quyền truyền hình mà VFF bán cho AVG, mỗi năm mỗi CLB được nhận vài trăm triệu đồng thì chẳng đáng gì đối với các CLB.

Với số tiền bỏ ra đầu tư quá lớn mà thu về thế này thì liệu có là động lực giúp các doanh nghiệp còn muốn đầu tư cho bóng đá? Nếu hợp đồng thương quyền này không được xem xét sẽ kìm hãm sự phát triển của bóng đá VN. Thương quyền VFF bán cho AVG quá rộng, ảnh hưởng rất lớn đến sự tác nghiệp của báo chí trong 20 năm. Do vậy trách nhiệm của VPF là phải làm sao tạo được nguồn thu cho các CLB, hỗ trợ các đội tuyển quốc gia. Làm sao bóng đá được báo chí, truyền hình càng nhiều, viết nhiều thì càng giúp bóng đá VN phát triển. Việc tạo nguồn thu hỗ trợ công tác đội tuyển hiện tại thì đều lấy từ tiền thuế của dân. Mục tiêu của VPF là lấy bóng đá nuôi bóng đá. Do đó, nếu hợp đồng này không được làm rõ thì không thể có nguồn thu để thực hiện mục đích này. VPF sẽ làm hết sức mình để thay đổi hợp đồng này và VPF hi vọng cơ quan quản lý nhà nước hiểu được mục đích của VPF.

- Ông Nguyễn Đức Kiên: Cho đến ngày 16-2, thanh tra Bộ VH-TT&DL thông báo chỉ có 1/28 CLB là Navibank Sài Gòn nhận được tiền bản quyền truyền hình mùa giải 2011, 27 CLB khác chưa nhận được. CLB của tôi sẽ không nhận tiền bản quyền truyền hình nếu VFF gửi đến. VPF tìm hiểu rất kỹ các quy định của FIFA, tôi mong vụ việc này không phải gửi đến Tòa án trọng tài thể thao quốc tế (CAS). VPF tin rằng VPF có những giải pháp để làm việc này. VPF sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc bản quyền truyền hình cho đến khi bóng đá VN được hưởng quyền lợi tốt nhất.

* Nếu đi đến CAS (Tòa án thể thao quốc tế) mà hợp đồng này vẫn không thay đổi, các ông có còn tiếp tục làm bóng đá?

- Ông Nguyễn Đức Kiên: Nếu có thua tôi cũng không từ bỏ bóng đá. Tôi có niềm tin các cấp có thẩm quyền sẽ đưa ra kết luận đúng đắn. Hôm nay 16-2, AVG có gửi giấy mời đến VPF mời chúng tôi đến làm việc với AVG để giải quyết vấn đề vào ngày 20-2 và chắc chắn chúng tôi sẽ đến gặp. VPF bảo lưu các ý kiến của VPF để đưa lên các cơ quan có thẩm quyền cao hơn đoàn thanh tra để làm rõ. Khi chúng tôi được trả lời thỏa đáng thì đúng hay sai chúng tôi cũng tuân thủ. Ngày 17-2, VPF có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền hỏi xem VPF có được quyền tiếp tục thực hiện cho các đài vào sân ghi hình như từ vòng 2 đến vòng 5 vừa qua không chứ VPF không tự ý thực hiện.

 

                                                                          Theo TuoiTre

 

Các tin khác


Việt Nam - Indonesia: Điểm tựa Mỹ Đình

Chưa bao giờ đội tuyển Việt Nam lại bị dư luận phản ứng nhiều như hiện tại. Điều đó đang tác động rất lớn đến tâm lý của thầy trò HLV Philippe Troussier.

Họp Ban tổ chức địa phương Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 25/3, Ban Tổ chức địa phương cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình TP Hồ Chí Minh lần thứ 36 năm 2024 tỉnh Hoà Bình đã họp triển khai công tác phối hợp tổ chức giải.

Dồn lực để chinh phục huy chương tại Olympic Paris 2024

Ngành Thể dục thể thao đặt mục tiêu có từ 12-15 suất tham dự Thế vận hội Olympic Paris 2024.

Một vận động viên người Việt tham gia Giải chạy Việt Nam Siêu Marathon tử vong

Chiều nay 24/3, Ban Tổ chức (BTC) Giải chạy Vietnam Ultra Marathon (Vietnam Siêu Marathon) thông tin trên trang Fanpage của giải về một vận động viên (VĐV) tham dự sự kiện qua đời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân

Ngày 24/3, tại Quảng trường Hòa Bình, trên 2.000 người đã tham gia Lễ phát động Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục